Bộ Ngoại giao Nga nhận định quyết định viện trợ đạn chùm cho Ukraine là "hành động tuyệt vọng" của Mỹ.
"Vũ khí thần kỳ mới nhất mà Washington và Kiev đang đặt cược mà không tính đến những hậu quả nghiêm trọng sẽ không ảnh hưởng gì đến chiến dịch quân sự đặc biệt", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 8/7 bình luận về thông tin Mỹ đồng ý viện trợ đạn chùm cho Ukraine.
Theo bà Zakharova, quyết định này là "hành động tuyệt vọng và thể hiện sự yếu đuối của Mỹ", trong bối cảnh "cuộc phản công của Ukraine trên thực tế đang thất bại dù được quảng bá rầm rộ".
Lầu Năm Góc ngày 7/7 công bố gói viện trợ thứ 42 cho Ukraine sau khi chiến sự giữa nước này với Nga bùng phát, trong đó có Đạn Thông thường Cải tiến Đa dụng (DPICM) "với hiệu quả cao và đáng tin cậy".
Đây là loại đạn pháo được thiết kế nhằm phát tán đạn con trên khu vực rộng lớn, thường dùng để chống lại tăng thiết giáp và gây sát thương cho bộ binh. Mỹ bắt đầu phát triển DPICM từ những năm 1950.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nhận định đạn chùm mà Mỹ viện trợ có thể giúp đẩy nhanh quá trình giành lại khu vực Nga đang kiểm soát. Ông Reznikov cũng cam kết Ukraine sẽ thường xuyên trao đổi thông tin sử dụng đạn chùm với đồng minh.
Ông Reznikov tuyên bố quân đội Ukraine sẽ "kiểm soát chặt chẽ" quy trình sử dụng đạn chùm, không bắn vào khu vực đô thị mà chỉ dùng để công phá phòng tuyến của Nga. Ngoài ra, Ukraine sẽ không nã đạn chùm vào "lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận".
Bà Zakharova nói Mỹ "nhận thức rõ ràng đảm bảo của Ukraine về sử dụng loại vũ khí này 'một cách cẩn thận' và 'có trách nhiệm' là vô giá trị". "Dân thường sẽ trở thành mục tiêu, tương tự những gì xảy ra với nhiều vũ khí sát thương của Mỹ và NATO viện trợ cho Ukraine", bà Zakharova cho biết.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ phản đối động thái viện trợ đạn chùm cho Ukraine của Mỹ. Một số đồng minh của Ukraine, trong đó có Tây Ban Nha và Anh, phản đối nước này sử dụng đạn chùm trong giao tranh do nguy cơ khiến dân thường thiệt mạng và để lại hậu quả nghiêm trọng sau chiến sự.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/7 thừa nhận viện trợ đạn chùm cho Ukraine là quyết định rất khó khăn, song "Ukraine lúc này rất cần vũ khí để ngăn lực lượng Nga và khiến họ không thể chặn các đợt phản công".
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói nước này hiểu rõ đạn chùm ẩn chứa nguy cơ đối với dân thường, đặc biệt từ các quả đạn con chưa phát nổ. Tuy nhiên, ông Sullivan cho rằng viện trợ đạn chùm cho Ukraine là cần thiết để ngăn lực lượng Nga tràn qua cứ điểm của đối phương và kiểm soát thêm lãnh thổ.
Thanh Danh (Theo AFP, TASS, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét