Nhiều khu vực ở Marseille là nơi thống trị của băng đảng, khiến cảnh sát e ngại tới tuần tra, khi cam kết thay đổi tình hình của Tổng thống Macron không thành công.
Bạo loạn đã bùng lên tại nhiều thành phố ở Pháp sau vụ thiếu niên 17 tuổi vi phạm giao thông ở Nanterre, vùng ngoại ô Paris, bị cảnh sát bắn chết. Cách Nanterre hơn 800 km, thành phố cảng miền nam Marseille là nơi ghi nhận những cuộc đụng độ, cướp phá nghiêm trọng nhất.
Chỉ trong tối 30/6, 88 người bị bắt và một cửa hàng súng bị cướp ở đây. Thị trưởng Marseille đã kêu gọi chính phủ điều thêm lực lượng an ninh tới kiểm soát tình hình.
Khi người ta đang đặt câu hỏi về mức độ phân biệt chủng tộc của cảnh sát Pháp sau vụ bắn chết người ở Nanterre, Marseille là lời cảnh báo về hậu quả khi cảnh sát mất kiểm soát, hoặc bỏ rơi một cộng đồng.
Wassida Kessaci, cư dân ở Marseille, giải thích bạo loạn bùng lên dữ dội ở thành phố này vì người dân ở đây từ lâu đã mất lòng tin vào cảnh sát. Đây là thành phố có văn hóa đa dạng, tập trung nhiều thanh niên gốc Bắc Phi và có cộng đồng Hồi giáo lớn.
Hai năm trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề ra kế hoạch thay đổi Marseille thành một đô thị an toàn hơn, trẻ trung hơn. Nhưng đến nay, tình hình an ninh của thành phố vẫn không được cải thiện, thậm chí còn tồi tệ hơn.
Hôm 26/6, một ngày trước khi cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi ở Nanterre, Tổng thống Macron tới thăm Marseille. Các sĩ quan cảnh sát mang theo súng trường, khiên chống bạo động đối đầu nhóm thiếu niên gốc Bắc Phi bên ngoài phòng gym ở quận Busserine nghèo khó để đảm bảo an ninh cho chuyến thăm của Tổng thống.
Phải mất hơn một giờ cảnh sát mới vãn hồi được trật tự để ông Macron phát biểu, trong đó Tổng thống Pháp giới thiệu về giai đoạn hai trong kế hoạch thay đổi diện mạo Marseille của mình. Theo kế hoạch, chính phủ Pháp sẽ chi hơn 16 tỷ USD cho trường học, nhà ở và an ninh cho thành phố.
Tuyên bố của ông lập tức vấp phải phản ứng từ đám đông bên dưới. "Chúng tôi chán ngấy rồi. Ai cũng tìm cách khiến ông nghĩ rằng mọi thứ vẫn ổn, rằng chúng tôi được chăm lo, nhưng điều đó không đúng", một người dân Marseille hô lớn.
"Họ chẳng làm gì cả", người tiếp theo cất tiếng, còn đám đông vỗ tay hưởng ứng.
Wassida Kessaci không tham gia vào đám đông nghe ông Macron phát biểu, phần vì thất vọng, phần vì gần đây bà đã tới khu Busserine quá thường xuyên.
Lần gần nhất là ngày 24/4, khi bà gặp một người mẹ có con bị bắn vào đầu trong lúc cậu bé đang ngồi trên ghế sô pha chỉ cách nơi Tổng thống Pháp diễn thuyết vài chục mét. Nhiều tuần trước, bà an ủi một người mẹ có con trai tử vong. Thi thể chàng thanh niên cháy đen, nằm trong cốp xe ôtô bị phóng hỏa.
"Tất cả những vụ này diễn ra tại đúng nơi ông Macron diễn thuyết", bà nói.
Tại sự kiện, Amine, 19 tuổi, con trai của Kessaci, đặt câu hỏi liệu Tổng thống có định đưa ra những chính sách khác để hàn gắn quan hệ giữa cộng đồng Bắc Phi ở Marseille với lực lượng cảnh sát hay không.
Amine cho hay kể từ lần gần nhất ông Macron tới Marseille năm 2021, nhiều gia đình trong thành phố đã mất con vì bạo lực băng đảng. Số vụ giết người và mức độ bạo lực gia tăng, nhưng ông Macron hầu như không trả lời thẳng vào câu hỏi của người dân.
Cư dân khu phố Busserine mỉa mai về đội hình cảnh sát hùng hậu bảo vệ ông Macron, tự hỏi họ đã ở đâu trong những ngày còn lại, khi bạo lực băng đảng tràn lan trên đường phố.
Cách đó vài trăm mét, một khu phố ở Marseille gần như rơi vào tình trạng "vô thiên vô pháp". Những con hẻm dẫn tới nhiều khu nhà xung quanh đều bị các băng đảng ma túy kiểm soát, dựng rào chắn, không cho phép người lạ ra vào.
Khi dư luận Pháp đặt câu hỏi về mức độ phân biệt chủng tộc của cảnh sát sau vụ bắn chết thiếu niên ở Nanterre, Marseille là lời cảnh báo về hậu quả khi cảnh sát mất kiểm soát, hoặc bỏ rơi một cộng đồng.
Cảnh sát hầu như không tuần tra khu vực này, các nhóm lớn sĩ quan vũ trang hạng nặng chỉ thỉnh thoảng tới kiểm tra, viết vài phiếu phạt rồi vội vã rút lui. "Họ chỉ đến trong vài tiếng, phạt tiền những tài xế không có bảo hiểm hay những vi phạm giao thông nhỏ. Nếu họ bố trí 20 cảnh sát túc trực trước những điểm nóng của tội phạm buôn bán ma túy, bạo lực sẽ chấm dứt", Amine nói.
Joseph Downing, giảng viên về chính trị và quan hệ quốc tế, lớn lên ở London và sống ở Marseille, nơi ông nghiên cứu về quan hệ của đô thị và cảnh sát, cho hay người Anh không thể hiểu được nơi này khủng khiếp như thế nào.
"Thật khó tưởng tượng nổi, nhưng cảnh sát thậm chí còn sợ tới đây tuần tra. Những nơi này nằm ngoài phạm vi quản lý của nhà nước. Nếu người dân bình thường ở đây gọi cảnh sát, họ sẽ không bao giờ đến", ông nói.
Mối quan hệ giữa cảnh sát với người dân và tình hình an ninh ở Marseille đều xấu đi trong hơn hai năm qua. Năm ngoái, 32 người chết trong các vụ tranh chấp băng đảng. Nửa đầu năm nay, đã có hơn 23 người chết và hơn 50 người bị thương vì tình trạng này.
"Môi trường ngày càng bạo lực, các vụ bắn giết xảy ra ngay gần trường học. Luôn có người vô tội bị liên lụy và nạn nhân ngày càng trẻ hơn", Amine nói.
Khu nhà ở xã hội Frais Vallon ở ngoại ô Marseille, nơi có khoảng 7.000 người sinh sống, chủ yếu có nguồn gốc Algeria, Morrocco và Tunisia, được coi là một điểm nóng như vậy.
Nahel M, thiếu niên bị cảnh sát bắn chết, cũng sống trong khu nhà ở xã hội cao tầng tương tự ở Nanterre. Các nhóm thanh thiếu niên sống trong khu nhà được gọi là "chouf", tiếng Arab nghĩa là "người canh gác". Họ thuộc nhóm có cấp bậc thấp nhất trong hệ thống băng đảng.
Tại cầu thang của tòa nhà 23 tầng gần đó, một nhóm "binh" đứng quanh điểm bán cần sa và cocaine công khai của Frais Vallon. Nhóm quản lý ở bên trong, chịu trách nhiệm cung cấp ma túy và vũ khí cho nhóm.
Chỉ huy họ là những ông trùm lớn sống ở Bắc Phi, đôi khi ở Anh và Dubai. Cảnh sát hoàn toàn không hiện diện ở khu vực này.
Amine sinh ra ở Frais Vallon năm 2004, chứng kiến mạng lưới ma túy thống trị khu vực có tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên tới 70%. Cậu có thể kể tên 50 bạn học cũ đang làm việc cho các băng đảng ma túy và 10 người nữa đang ngồi tù.
Amine dẫn phóng viên Guardian tới nhà mình, bước qua xác chuột trên vỉa hè, hướng về phía căn hộ trên tầng hai, nơi cậu sinh ra và lớn lên.
"Ở chỗ đó", Amine nói, chỉ tay vào cửa sổ có ván che. "Khu nhà tôi từng có đồn cảnh sát với 10 sĩ quan, ai cũng biết họ. Cảnh sát chơi đùa với trẻ con, hiểu rõ người tốt kẻ xấu trong khu".
Nhưng 10 năm trước, đồn cảnh sát đóng cửa và từ đó, tội phạm có tổ chức bành trướng ở Frais Vallon, kéo theo tình trạng bạo lực bùng phát.
Ngày 29/12/2020, Brahim Kessaci, anh trai của Amine, biến mất. Sau 6 ngày đi tìm khắp thành phố, bà Wassida cuối cùng phát hiện xác Brahim nằm cạnh một thi thể trong cốp xe cháy đen.
Vài tháng trước khi anh trai qua đời, Amine thành lập Hiệp hội Lương tâm, tổ chức vận động đòi hỏi cơ hội tốt hơn cho thanh thiếu niên Marseille. Sau cái chết của Brahim, nhóm chuyển sang giải quyết nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực ở thanh thiếu niên gia tăng tại Marseille. Trong hai năm qua, Amine tới thăm hàng chục gia đình nạn nhân, đa số đều không được đi học.
"Khi tôi nghe tin có người bị bắn, tôi sẽ đến chia buồn. Ban đầu rất khổ sở nhưng sau này, tôi đến thường xuyên hơn, có khi ba lần một tuần. Công việc trở nên quá bình thường, tôi thậm chí không khóc nữa", cậu nói.
Bà Wassida cho hay nhiều người mẹ muốn tự tử, tìm đến rượu hoặc ma túy vì con bị giết.
Con trai của Rahem Fana bị một thiếu niên đâm chết ngày 26/7/2020 do ghen tuông vì cậu hẹn hò với người yêu cũ của nghi phạm. Cảnh sát không làm được gì và nghi phạm sau đó cũng chết không rõ lý do.
"Không ai biết tại sao, chuyện gì đã xảy ra", Fana vừa nói vừa khóc. "Tôi không còn thiết sống. Không thể vượt qua nỗi đau này".
"Họ khiến tôi cảm thấy mình không xứng đáng", bà cho hay. "Bởi tôi là người Hồi giáo, tôi cảm thấy mình bị phán xét, bị đối xử bất công. Chúng tôi không được coi là con người".
Amine cho rằng việc cảnh sát đối xử với người sống ở Frais Vallon như công dân hạng hai đã đẩy nhiều thanh thiếu niên vào vòng tay tội phạm. Một người bạn của anh trai Amine là trường hợp điển hình.
"Hầu hết chúng tôi đều thực sự muốn làm việc", người này nói. "Tôi đã nộp đơn xin việc nhiều nơi, thậm chí cả quét dọn đường phố, nhưng đều bị từ chối khi họ nhìn thấy địa chỉ nhà tôi ở đây và tên của tôi là tiếng Arab".
"Tôi biết có người bị từ chối đến ba lần và chỉ có thể gia nhập các băng nhóm để kiếm sống. Việc này nguy hiểm, có nguy cơ mất mạng, nhưng họ phải làm để mưu sinh", cậu nói tiếp.
Ở Marseille, nơi có mật độ dân số cao, mọi người biết rõ hàng xóm trong khu và dễ dàng phát hiện ai là kẻ giết con mình.
"Lần nào chúng tôi cũng biết, thậm chí biết cả nơi chúng giấu vũ khí. Nếu muốn giải quyết các vụ giết người, cảnh sát thừa sức làm, nhưng đơn giản là họ không muốn", Wassida nói.
Sự thờ ơ của cảnh sát có thể gây ra tình cảnh gia đình nạn nhân sống cùng tòa nhà với kẻ giết con mình. Cho tới nay, tổ chức của Amine đã giúp 20 hộ gia đình chuyển khỏi tòa chung cư nơi họ thường xuyên chạm mặt kẻ đã giết anh em hoặc con cháu mình.
Đối với Amine, vụ bạo loạn gần đây cho thấy tầm quan trọng của công tác trị an cộng đồng và vai trò của cảnh sát với an ninh của từng khu phố. Cậu hy vọng một ngày nào đó, những thanh thiếu niên như cậu hay Nahel M sẽ không còn bị mọi người nhìn bằng con mắt phán xét hay sợ hãi.
Hồng Hạnh (Theo Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét