Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2023

Tập đoàn Mỹ huy động nhân viên nghỉ hưu lắp tên lửa cho Ukraine

Tập đoàn Raytheon mời các cựu nhân viên trên 70 tuổi quay lại làm việc, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp tên lửa vác vai Stinger cho Ukraine.

"Tên lửa Stinger đã ngừng xuất xưởng từ 20 năm trước, nhưng kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát, nó đột nhiên nó trở thành ngôi sao và ai cũng muốn sở hữu", Wes Kremer, chủ tịch tập đoàn quốc phòng Raytheon của Mỹ, nói trong cuộc phỏng vấn hồi tuần trước.

Washington đã chuyển giao gần 2.000 tên lửa phòng không vác vai Stinger cho Kiev, tất cả đều lấy từ kho dự trữ của quân đội Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tháng trước cũng cam kết chuyển giao thêm tên lửa Stinger cho Ukraine để giúp nước này đối phó máy bay Nga.

Tuy nhiên, không lâu sau khi lục quân Mỹ đặt hàng 1.700 tên lửa Stinger hồi tháng 5/2022, Lầu Năm Góc thừa nhận lô hàng đầu tiên sẽ không được bàn giao trước năm 2026, do tập đoàn Raytheon gặp nhiều khó khăn khi tái sản xuất mặt hàng này.

Kremer nói rằng tập đoàn cần tối thiểu 30 tháng để xuất xưởng những lô tên lửa Stinger mới, vì mất nhiều thời gian huấn luyện nhân viên và tái khởi động dây chuyền sản xuất.

Kỹ thuật viên Mỹ thử nghiệm tên lửa Stinger hồi năm 2014. Ảnh: US Army

"Chúng tôi phải huy động các nhân viên trên 70 tuổi đã nghỉ hưu để hỗ trợ lắp ráp tên lửa và hướng dẫn nhân viên mới về cách chế tạo Stinger. Chúng tôi cũng phải lôi thiết bị thử nghiệm khỏi nhà kho và tân trang chúng", chủ tịch Raytheon cho hay.

Greg Hayes, giám đốc điều hành Tập đoàn Raytheon Technologies (RTX), doanh nghiệp sở hữu Raytheon, thừa nhận nhiều thiết bị điện tử trong tên lửa Stinger đã quá lạc hậu và không còn được sản xuất. "Chúng tôi đang phải thiết kế lại các mạch điện và một số linh kiện. Quá trình này sẽ mất nhiều thời gian", ông cho hay.

Công nghệ in 3D và tự động hóa giúp tăng tốc sản xuất nhiều thiết bị hiện đại, nhưng không thể áp dụng với tên lửa Stinger. "Sẽ phải thiết kế lại toàn bộ tên lửa, trong đó có phần đầu dò, để tận dụng quy trình tự động hóa. Nó cũng phải trải qua các giai đoạn chứng nhận vũ khí kéo dài trước khi được đưa vào dây chuyền sản xuất hàng loạt", Kremer nói thêm.

Điều này có nghĩa là các nhân viên Raytheon sẽ phải lắp ráp thủ công từng quả đạn Stinger, tương tự những gì diễn ra cách đây 40 năm.

Tên lửa vác vai FIM-92 Stinger được Mỹ phát triển vào cuối thập niên 1970, đưa vào biên chế năm 1981 và liên tục nâng cấp cho tới nay.

Stinger được thiết kế chuyên để bắn hạ mục tiêu bay thấp, đặc biệt nguy hiểm với trực thăng và máy bay vận tải. Mẫu Stinger cơ bản có tầm bắn 4,5 km, trong khi các biến thể hiện đại nhất của quân đội Mỹ có thể đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách 8 km.

Tập đoàn Raytheon hồi tháng 4/2022 cảnh báo sẽ mất nhiều năm để bù đắp kho dự trữ tên lửa Stinger của Mỹ sau khi chuyển giao lượng lớn cho Ukraine.

Vũ Anh (Theo Newsweek)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét