Hệ thống Zemledeliye có thể rải 600 quả mìn trên diện tích rộng bằng sân bóng trong vài phút, cho phép Nga bố trí bãi mìn dày đặc ngăn lực lượng Ukraine.
Truyền thông Ukraine gần đây công bố hình ảnh từ máy bay không người lái (UAV), cho thấy một phân đội xung kích nước này bị vô hiệu hóa hoàn toàn vì bãi mìn ngay khi họ từ trên thiết giáp đổ quân xuống cánh đồng trước phòng tuyến Nga.
Những quả mìn chống bộ binh liên tiếp phát nổ khiến nhóm binh sĩ Ukraine bị loại khỏi vòng chiến mà chưa kịp nổ một phát súng nào. Một số xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley gần đó dường như cũng bị phá hỏng do trúng mìn chống tăng hoặc đạn pháo của Nga.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hồi đầu năm nói rằng Nga đã tạo ra "bãi mìn lớn nhất thế giới" ở tiền tuyến. Một trong những khí tài được Moskva sử dụng triệt để cho nhiệm vụ này là tổ hợp rải mìn từ xa (ISDM) Zemledeliye.
Những hệ thống Zemledeliye (Nông nghiệp) đầu tiên được bàn giao cho quân đội Nga từ năm 2021 và bắt đầu tham chiến tại tỉnh Kharkov, đông bắc Ukraine, hồi tháng 3/2022. Tổ hợp này nằm trong biên chế các đơn vị công binh, thay vì trực thuộc pháo binh.
Quân đội Nga bắt đầu sử dụng rộng rãi Zemledeliye trong quá trình xây dựng phòng tuyến ở tỉnh Donetsk và Zaporizhzhia những tháng qua, nhằm đối phó với chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine.
Một tổ hợp Zemledeliye gồm xe chiến đấu và xe nạp đạn, tất cả đều được đặt trên khung gầm xe tải KamAZ 6560 8x8 để bảo đảm khả năng cơ động trên nhiều địa hình. Khoang lái các xe được bọc giáp và bổ sung ống phóng lựu đạn khói để tăng khả năng sống sót trước đòn tập kích bằng UAV của đối phương.
Xe phóng được trang bị hệ thống định vị vệ tinh, đài quan trắc thời tiết và máy tính trung tâm. Điều này cho phép kíp vận hành tính toán yếu tố môi trường và điều chỉnh đường đạn để tối ưu vị trí bãi mìn, thậm chí thiết lập loạt bắn phù hợp để tạo các tuyến đường an toàn cho bộ binh đi qua.
Xe chiến đấu được lắp hai bệ với tổng cộng 50 ống phóng cỡ 122 mm. Mỗi quả đạn trong ống phóng chứa được tối đa 12 quả mìn và bay xa 15 km, cho phép một xe Zemledeliye rải tới 600 quả mìn trên khu đất dài 105 m và rộng 70 m, tương đương một sân bóng đá, trong vài phút. Quá trình nạp đạn bổ sung có thể tiến hành ngay gần trận địa trong không quá 15 phút.
Một trong những tính năng đặc biệt của Zemledeliye là khả năng lập trình mìn trước khi phóng. Kíp vận hành có thể cài đặt để mìn tự hủy hoặc ngừng hoạt động sau thời gian nhất định, hạn chế nguy hiểm cho dân thường trong tương lai.
Tổ hợp cũng có thể xây dựng bản đồ kỹ thuật số về vị trí các quả mìn để chuyển cho các đơn vị khác, tránh nguy cơ bãi mìn gây thương vong cho đồng đội.
ISDM Zemledeliye có thể triển khai mìn chống bộ binh POM-2 và POM-3, trong đó mẫu POM-3 sử dụng cảm biến địa chấn phát hiện được bước chân người và kích hoạt khi bộ binh đối phương tiến vào bán kính sát thương khoảng 15 m.
Nhiều loại mìn chống tăng cũng được triển khai từ ISDM Zemledeliye. Nổi bật nhất là mìn thông minh PTKM-1R, được thiết kế nhằm tiêu diệt các mục tiêu dựa trên thông số cụ thể về tiếng ồn và độ rung mặt đất, cho phép nó nhắm vào tăng thiết giáp và bỏ qua phương tiện dân sự.
Cảm biến âm thanh và địa chấn của PTKM-1R có tầm hoạt động khoảng 250 m để phát hiện mục tiêu từ xa, sau đó phóng đạn chiến đấu khi xe tăng thiết giáp tiến vào bán kính 50 m. Đạn sẽ bay lên cao về hướng mục tiêu, sử dụng cảm biến nhiệt và đầu dò radar để phát hiện thiết giáp rồi kích hoạt đầu đạn xuyên phá, nhằm vào phần nóc xe có vỏ giáp mỏng nhất.
"Zemledeliye cho phép rải mìn trong thời gian rất ngắn, tại những khu vực không có đơn vị đồng đội đóng quân. Chúng cũng có thể biến phương thức phòng thủ cố định trở thành biện pháp tấn công chủ động, như chặn đường rút lui và tiếp viện của đối phương, tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ", chuyên gia Sebastien Roblin viết trên chuyên trang quân sự 19fortyfive của Mỹ.
Mìn chống tăng rải bằng đạn pháo hoặc phương tiện cơ giới dễ bị phát hiện hơn những quả mìn được công binh chôn và ngụy trang dưới đất. Tuy nhiên, các tổ lái thiết giáp thường bị hạn chế tầm nhìn và không thể kịp né tránh ngay cả khi những quả mìn nằm trên mặt đất. Bộ binh đi theo thiết giáp có thể giúp phát hiện và gỡ mìn, nhưng sẽ làm mũi tiến công bị chậm lại đáng kể.
"Ngay cả khi phát hiện được bãi mìn, phe tấn công cũng không có lựa chọn khả dĩ. Họ phải chờ đợi công binh tháo gỡ mìn và mất đà tiến quân, hoặc mạo hiểm đi qua bãi mìn và hứng chịu thương vong, hay đi vòng và có thể lọt vào trận địa phục kích của phe phòng thủ. Zemledeliye cũng cho phép Nga nhanh chóng rải mìn tại những khu vực đã được rà phá, cản trở nỗ lực rút lui hoặc tăng viện cho đơn vị đối phương kẹt trong bãi mìn", Roblin nhận xét.
Vũ Anh (Theo 19fortyfive)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét