Xung đột triền miên, chia rẽ về vấn đề kinh tế, an ninh hay sắc tộc được coi là những nguyên nhân thúc đẩy cuộc đảo chính quân sự ở Niger.
Sau khi bất ngờ tiến hành cuộc đảo chính ở Niger hôm 26/7, tướng Abdourahamane Tiani, chỉ huy đội cận vệ đã lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum, tuyên bố họ phải hành động để tránh "sự sụp đổ dần dần và không thể tránh khỏi" của đất nước.
Phe của tướng Tiani cho rằng ông Bazoum, người lên nắm quyền từ năm 2021, đã không thể làm gì để ngăn chặn tình trạng bất ổn gia tăng cũng như nền kinh tế trì trệ, chìm đắm trong nghèo đói của Niger.
Olayinka Ajala, nhà khoa học chính trị chuyên về châu Phi tại Đại học Leeds Beckett ở Anh, cũng cho rằng tình trạng bất ổn về an ninh và đình trệ về kinh tế đã góp phần dẫn tới cuộc đảo chính.
Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất ở vùng Sahel của châu Phi, khu vực giữa sa mạc Sahara ở phía bắc và thảo nguyên nhiệt đới ở phía nam, nhưng lại rất giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ và uranium.
Từ năm 2015, các nhóm Hồi giáo cực đoan từ nước láng giềng Mali bắt đầu mở động địa bàn hoạt động sang Niger, biến quốc gia này thành một điểm nóng của chủ nghĩa cực đoan, khi chính phủ Niger hầu như không có biện pháp hiệu quả để đối phó.
Chính phủ Niger đã nhận nhiều hỗ trợ từ lực lượng nước ngoài, đặc biệt từ Pháp và Mỹ, nhưng không ngăn chặn được các cuộc nổi dậy. Có một số nhóm phiến quân hoạt động mạnh ở Niger gồm al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Boko Haram.
Các nhóm phiến quân này kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn, thường xuyên đụng độ với quân đội chính phủ, gây ra nhiều vụ tấn công đã khiến hàng nghìn binh sĩ và dân thường thiệt mạng trong thập kỷ qua.
Tướng Tiani sinh ra tại vùng Filingue, tây nam Niger, nơi đã chứng kiến những cuộc giao tranh đẫm máu suốt gần 8 năm qua giữa quân đội chính phủ với lực lượng nổi dậy có liên kết với al-Qaeda và IS, cũng như các tay súng cực đoan từ nước láng giềng Nigeria. Đây có thể là một trong những lý do thổi bùng nỗi bức xúc của ông này với cách chính quyền Tổng thống Bazoum đối phó với các nhóm nổi dậy.
Hàng trăm thanh niên ở thủ đô Niamey hôm 26/7 đã tụ tập ăn mừng khi quân đội đảo chính, đồng thời hô vang "Wagner". Điều này cho thấy một số người ở Niger tin rằng quân đội với sự hỗ trợ của lực lượng quân sự tư nhân Wagner sẽ làm tốt hơn chính phủ trong các chiến dịch chống quân nổi dậy, theo Ajala.
Ngoài về vấn an ninh và kinh tế, chuyên gia này cho rằng còn ba yếu tố khác thúc đẩy quân đội Niger tiến hành đảo chính.
Đầu tiên, cuộc tranh luận về sắc tộc và tính hợp pháp của Tổng thống Bazoum là vấn đề xuyên suốt cuộc bầu cử vừa qua. Ông Bazoum là người thuộc cộng đồng thiểu số Arab ở Niger và luôn được cho là có nguồn gốc ngoại quốc.
Điều này không được giới quân sự chấp nhận, khi họ chủ yếu thuộc các nhóm dân tộc chiếm đa số ở Niger, dù ông Bazoum nhận được khoảng 56% phiếu bầu và thuộc cùng đảng với cựu tổng thống Mahamadou Issoufou. Giới quan sát cho biết những quyết định bổ nhiệm trong quân đội cũng được đưa ra dựa trên yếu tố sắc tộc.
Khi ông Bazoum được bầu làm tổng thống năm 2021, các binh sĩ từ một căn cứ quân sự gần thủ đô Niamey đã tìm cách chiếm dinh tổng thống chỉ 48 giờ trước khi ông tuyên thệ nhậm chức. Đơn vị cận vệ của tướng Tiani khi đó đã đập tan kế hoạch này.
Yếu tố tiếp theo gây rạn nứt ở Niger là sự hiện diện của lực lượng quân sự nước ngoài tại Niger, theo Ajala. Quân đội Niger không chấp nhận điều này vì cho rằng lực lượng nước ngoài xuất hiện nhiều sẽ làm suy yếu vai trò của họ.
Niger là một đồng minh quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến chống lại các nhóm nổi dậy trong khu vực. Những khoản đầu tư lớn của Pháp trong lĩnh vực khai thác mỏ của Niger cũng làm dấy lên những lo ngại.
Năm 2019, Mỹ mở căn cứ máy bay không người lái ở Niger bất chấp phản đối từ dư luận nước này. "Căn cứ máy bay không người lái có thể khiến Niger trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố và làm gia tăng bất ổn", chuyên gia Ajala cho hay.
Năm 2022, Pháp và các đồng minh châu Âu rút quân khỏi Mali, nước láng giềng của Niger. Tổng thống Bazoum khi đó đã nhanh chóng mời họ triển khai quân đến Niger để tăng cường an ninh. Giới lãnh đạo quân sự Niger và một số người có ảnh hưởng trong nước đã lên án nỗ lực gia tăng hiện diện quân sự nước ngoài ở quốc gia châu Phi này.
"Yếu tố cuối cùng thúc đẩy đảo chính ở Niger là các tổ chức khu vực như ECOWAS và Liên minh châu Phi (AU) đã không thể hiện lập trường cứng rắn với những cuộc đảo chính đã diễn ra liên tục trong khu vực. Điều đó thúc đẩy quân đội Niger hành động", Ajala cho biết.
Trong bốn năm qua, vùng Sahel đã ghi nhận 7 cuộc đảo chính, trong đó ba cuộc thành công, giúp quân đội lên nắm quyền ở Guinea, Burkina Faso và Mali. Các lãnh đạo ECOWAS và AU đã đe dọa trừng phạt ba quốc gia này, nhưng sau đó hầu như không làm gì thêm để ngăn chặn các cuộc đảo chính khác xảy ra trong khu vực.
Trong một hội nghị bàn tròn do Viện Chatham House tại London tổ chức về tác động của can thiệp quân sự ở Tây Phi, một lãnh đạo ECOWAS cho biết họ vẫn duy trì kênh liên lạc với ba chính quyền quân sự như "phép lịch sự".
"Tuy nhiên, điều này tạo ra ấn tượng rằng ECOWAS không tạo ra sức răn đe đủ mạnh với bất cứ lực lượng quân sự nào đang nhăm nhe chiếm quyền lãnh đạo đất nước", ông Ajala nói.
Đây cũng là lý do Mali và Burkina Faso đã nhanh chóng tuyên bố rằng họ sẵn sàng tuyên chiến nếu ECOWAS can thiệp quân sự vào Niger. Bất cứ cuộc xung đột quy mô lớn nào nổ ra cũng có thể đẩy vùng Sahel vào lửa chiến tranh tàn phá vùng đất vốn đã nghèo đói này.
Cuộc đảo chính của quân đội Niger đã hứng làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, AU và ECOWAS.
"Lãnh đạo ECOWAS sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động nào cản trở hoạt động của chính quyền hợp pháp ở Niger hoặc bất kỳ nước nào ở Tây Phi", Bola Tinubu, Tổng thống Nigeria và chủ tịch ECOWAS, tuyên bố. "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo nền dân chủ được nuôi dưỡng và phát triển tốt trong khu vực của chúng tôi".
Ông Tinubu cũng đã cử Tổng thống Cộng hòa Benin Patrice Talon tới thủ đô Niger để đàm phán giải quyết tình hình. Tuy nhiên, quân đội Niger đến nay chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ nhượng bộ và trao lại quyền lực cho ông Bazoum.
Thanh Tâm (Theo The Conversation, Al Jazeera)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét