Sự kết hợp của bão Doksuri cùng vùng áp cao và hai dãy núi lớn đã tạo nên đợt mưa lớn chưa từng thấy, gây lũ lụt tàn phá Bắc Kinh và vùng lân cận.
Bắc Kinh từ ngày 29/7 đến sáng 2/8 đã hứng chịu đợt mưa lớn nhất trong 140 năm qua. Trạm khí tượng ở quận Xương Bình ghi nhận lượng mưa lớn kỷ lục 744,8 mm trong khoảng thời gian này, mức cao nhất từ năm 1891, theo Cơ quan Khí tượng Trung Quốc.
Shao Sun, nhà khí hậu học tại Đại học California ở Irvine, Mỹ, cho biết đợt mưa lớn này xảy ra do ảnh hưởng của bão Doksuri kết hợp với áp cao nhiệt đới đẩy luồng hơi ẩm theo trục bắc - nam ở miền đông Trung Quốc. Luồng hơi ẩm khổng lồ này sau đó bị dãy Thái Hành Sơn và Yên Sơn ở miền bắc Trung Quốc chặn lại, gây ra lượng mưa lớn.
Chuyên gia này thêm rằng tình hình càng tồi tệ hơn khi bão Khanun hình thành trên biển Hoa Đông vào thời gian đó. Bão Khanun tiếp tục đẩy lượng hơi ẩm lớn tới miền bắc Trung Quốc, dẫn tới hiện tượng thời tiết "chưa từng thấy", vượt quá khả năng giám sát, dự báo của cơ quan khí tượng nước này.
Huyện Lâm Thành ở tỉnh Hà Bắc, giáp Bắc Kinh, chứng kiến lượng mưa lớn nhất lên tới 1.003 mm từ ngày 29/7 đến 1/8, tương đương tổng lượng mưa trong hai năm ở đây. 4 trạm khí tượng tại Bắc Kinh và 10 trạm tại Hà Bắc ghi nhận lượng mưa hàng ngày chưa từng thấy trong lịch sử.
Sun cho hay đây là đợt mưa lớn nhất ở miền bắc Trung Quốc kể từ năm 1964, phá kỷ lục của trận lụt năm 2012 từng khiến 79 người chết và hơn 1,6 triệu người bị ảnh hưởng.
Kể từ đầu thế kỷ 21, những trận mưa lớn đã xảy ra nhiều hơn ở miền bắc Trung Quốc. "Trong giai đoạn 1950-1970, vành đai mưa chính tập trung ở miền bắc Trung Quốc, sau đó dịch chuyển dần xuống miền nam trong giai đoạn 1980-1990. Song từ đầu thế kỷ 21, vành đai mưa lại dần dịch về phía bắc", ông nói.
Theo ông, do miền bắc Trung Quốc đang trải qua thời kỳ mưa lớn gia tăng, các hiện tượng thời tiết cực đoan và lũ lụt sẽ xảy ra thường xuyên hơn, với mức độ lớn hơn.
Đây là lý do giới chuyên gia cho rằng cơ quan khí tượng Trung Quốc cần nâng cao khả năng dự báo và cảnh báo, trong khi chính quyền các tỉnh thành cũng cần cải thiện năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Zhang Jianyun, cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Thủy văn Nam Kinh, nói rằng Trung Quốc nên tăng cường cơ chế dự báo về mưa bão cực đoan và cải thiện khả năng dự báo thời tiết chính xác. "Nhiều trạm thủy văn của chúng ta ở vùng nông thôn có điều kiện rất tồi tàn. Khi lũ tới, trạm có thể bị cuốn trôi, ảnh hưởng tới các thiết bị quan trắc và công tác báo cáo thông tin", ông nói.
Zhang từng là người đứng đầu nhóm chuyên gia do chính phủ Trung Quốc thành lập để điều tra vụ lũ lụt thảm khốc ở thành phố Trịnh Châu năm 2021, khiến 398 người thiệt mạng.
Báo cáo của nhóm, được công bố hồi tháng 1/2022, kêu gọi cơ quan chức năng tăng cường khả năng cảnh báo và ứng phó sớm, trong khi các thành phố cũng cần cải thiện năng lực phòng chống hoặc giảm nhẹ hậu quả thiên tai.
Vấn đề này ngày càng trở nên quan trọng khi nghiên cứu của nhóm ông cho thấy do hiện tượng nóng lên toàn cầu, Bắc Kinh nằm trong số 6 thành phố miền đông Trung Quốc có nguy cơ ngập úng cao nhất.
Duafang Lu, chuyên gia phát triển đô thị Trung Quốc ở Đại học Sydney, Australia, cho rằng quá trình đô thị hóa quá nhanh đã xóa sổ nhiều vùng trũng của Bắc Kinh, vốn giúp giảm nguy cơ lũ lụt bằng cách hấp thụ lượng nước mưa dư thừa.
Junqing Tang, nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh, cho biết hệ thống thoát nước ở thủ đô Trung Quốc không theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của thành phố. Nhiều hệ thống trong số này không được thiết kế để xử lý lượng nước khổng lồ và không được bảo trì thường xuyên.
"Điều này có thể dẫn tới ngập úng và làm trầm trọng thêm tác động của lũ lụt", ông nói.
"Những phát hiện này nhấn mạnh thách thức nghiêm trọng mà các thành phố Trung Quốc phải đối mặt do hệ thống thoát nước kém, mạng lưới sông ngòi hạn chế và quy hoạch không gian xanh đô thị chưa phù hợp. Điều này khiến các địa phương đó dễ chịu lũ lụt nghiêm trọng khi mưa lớn bất ngờ", chuyên gia Sun cho hay.
Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm nguy cơ lũ lụt đô thị, trong đó có sáng kiến "thành phố bọt biển" được đưa vào kế hoạch xây dựng năm 2015. Mục tiêu của các thành phố này là giúp hấp thụ 70% lượng mưa để tránh nguy cơ ngập úng.
Hongzhang Xu, chuyên gia về quy hoạch đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, cho rằng dù chiến lược trên "rất tham vọng", cách tiếp cận này không đủ để đối phó với những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão Doksuri.
"Thiết kế của thành phố bọt biển được tính toán dựa trên lượng mưa trung bình hàng năm", Xu nói. Ông cho rằng với vị trí trũng thấp của Bắc Kinh, hệ thống thoát nước cần đảm bảo vận chuyển lượng nước dư thừa nhanh nhất có thể, thay vì giữ nước.
Shao Sun cho rằng hệ thống thoát nước ở Bắc Kinh và nhiều thành phố khác ở Trung Quốc cần được cải thiện để chống chọi với thời tiết cực đoan, vốn có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Ông nói dù đây là thách thức lớn, nó sẽ làm giảm "đáng kể nguy cơ ngập úng đô thị trong mùa mưa".
Ngoài ra, Bắc Kinh và các thành phố khác cũng cần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi để giúp sơ tán dân và cung cấp thông tin cần thiết về thời tiết cực đoan cho mọi người, theo nhà nghiên cứu Junqing Tang. "Xét cho cùng, chính họ mới là những người phải ứng phó với hậu quả của những thảm họa đó", ông nói.
Thanh Tâm (Theo SCMP, Nature)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét