Mỹ chỉ trích Nga vì triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus, song Washington từ lâu cũng cất giữ khoảng 100 quả bom nguyên tử ở các nước châu Âu.
Alexey Polishchuk, vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ngày 31/7 nêu điều kiện để Moskva rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus là Mỹ làm điều tương tự với khí tài cùng loại ở châu Âu.
"Điều này có nghĩa là Mỹ rút hoàn toàn vũ khí hạt nhân tại châu Âu về nước, cũng như phá hủy toàn bộ hạ tầng liên quan ở khu vực này", quan chức Nga cho biết.
Đây là lần đầu tiên Nga nêu điều kiện "có đi có lại" với Mỹ để rút vũ khí hạt nhân khỏi Belarus. Tuy nhiên, Moskva đã nhiều lần bày tỏ tức giận với những quả bom hạt nhân mà Mỹ triển khai trên lãnh thổ các đồng minh ở châu Âu.
Theo thỏa thuận chia sẻ vũ khí hạt nhân với các thành viên NATO, Mỹ đã triển khai đầu đạn tại các căn cứ của đồng minh ở Tây Âu từ những năm 1950, khi căng thẳng với Liên Xô leo thang trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những vũ khí hạt nhân đầu tiên được Mỹ đưa tới Anh năm 1954, sau đó triển khai tới lãnh thổ Đức, Italy, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Hy Lạp và Bỉ.
Số lượng vũ khí hạt nhân Mỹ triển khai ở châu Âu đạt đỉnh hơn 7.000 vũ khí vào những năm 1970, sau đó giảm mạnh vào cuối những năm 1980 và đầu 1990, do ảnh hưởng của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và việc chấm dứt cạnh tranh siêu cường với Liên Xô.
Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) từng được xem là thành công lớn về kiểm soát vũ khí. Theo hiệp ước có hiệu lực từ ngày 1/6/1988, Mỹ và Liên Xô đã rút toàn bộ bệ phóng và tên lửa tầm trung có khả năng mang hạt nhân mà họ từng triển khai ở châu Âu.
Năm 2001, Mỹ cũng rút những quả bom hạt nhân cuối cùng khỏi Hy Lạp, khi nước này loại biên những chiến đấu cơ A-7E cuối cùng mà không thay thế chúng bằng những phi cơ có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, quá trình kiểm soát vũ khí hạt nhân ở châu Âu đình trệ sau khi chính quyền tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi INF từ ngày 1/2/2019. Nga cũng tuyên bố rút khỏi hiệp ước ngay sau đó.
Hiện nay, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ vẫn được bố trí tại 6 căn cứ ở 5 quốc gia thành viên NATO gồm Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Anh và Pháp có lực lượng hạt nhân riêng nên không còn giữ vũ khí Mỹ.
Một báo cáo được Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Hội đồng Nghị viện NATO công bố năm 2019 cho thấy Mỹ đang lưu trữ hơn 150 vũ khí hạt nhân tại căn cứ Kleine Brogel ở Bỉ, Buchel ở Đức, Aviano và Ghedi-Torre ở Italy, Volkel (Hà Lan) và Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ).
Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu hoàn toàn là bom trọng lực hạt nhân B61, được thiết kế để thả từ máy bay ném bom hoặc máy bay chiến đấu của đồng minh.
B61 là vũ khí hạt nhân chiến thuật cuối cùng còn lại của Mỹ, có thể mang đầu đạn với sức nổ khoảng 50 kiloton, tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT. Hai quả bom hạt nhân Mỹ từng thả xuống Hiroshima và Nagasakhi năm 1945, khiến hơn 100.000 người chết, có sức công phá lần lượt là 15.000 và 21.000 tấn TNT.
Bom B61 không được gắn sẵn trên các hệ thống vũ khí hoặc máy bay, mà được cất giữ trong các hầm ngầm của Hệ thống An ninh và Lưu trữ Vũ khí (WS3). Mỹ là bên duy nhất giữ mã kích hoạt các vũ khí hạt nhân này, dù chúng được lưu trữ trên lãnh thổ châu Âu.
Vũ khí hạt nhân Mỹ ban đầu được triển khai để trấn an đồng minh NATO ở Tây Âu, khi lực lượng quân đội của các nước NATO bị lép vế so với Liên Xô và khối Warsaw. Sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu được xem là cách bù đắp cho điểm yếu về quân số của NATO.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều chiến lược gia quân sự phương Tây, nhà hoạt động hòa bình và chính trị gia hoài nghi về nhu cầu giữ lại những quả bom hạt nhân này ở châu Âu.
Tuy nhiên, những người ủng hộ duy trì lực lượng hạt nhân của Mỹ ở châu Âu nói rằng những vũ khí này giúp cung cấp cho NATO khả năng răn đe quân sự có giá trị và là biểu tượng quan trọng cho cam kết của Washington với đồng minh. Họ nói rút vũ khí khỏi châu Âu sẽ gửi thông điệp nguy hiểm về sự "thoái lui" của Mỹ tới các đối thủ tiềm năng của châu Âu.
Ngay cả khi những vũ khí này có ít giá trị quân sự, những người ủng hộ nói rằng chúng có thể được sử dụng như con bài mặc cả trong ngoại giao tương lai với Nga, đặc biệt khi Moskva từ lâu đã thúc đẩy loại bỏ chúng. Do đó, họ cho rằng Mỹ không nên rút vũ khí nếu chưa nhận được nhượng bộ đáng kể từ Nga.
Pháp, Anh và Nga là ba nước châu Âu tự sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga biên chế khoảng 5.977 đầu đạn hạt nhân, nhiều nhất trên thế giới, dù khoảng 1.500 đầu đạn trong số đó đã quá hạn sử dụng.
Khoảng 1.588 đầu đạn hạt nhân đang được Nga triển khai, đồng nghĩa chúng đã gắn trong tên lửa hoặc đặt tại căn cứ có lực lượng thường trực, sẵn sàng khai hỏa khi có lệnh.
Mỹ chưa bình luận về yêu cầu rút vũ khí hạt nhân mà ông Polishchuk đưa ra. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 28/3 nói Washington "đạo đức giả" khi chỉ trích quyết định triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus của Nga.
"Chúng tôi nhiều lần chứng minh cho thế giới về tiêu chuẩn kép trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính quyền Mỹ truyền tải thông điệp đến mọi người rằng nước này được quyền làm mọi chuyện, trong khi phần còn lại của thế giới không được phép làm gì, đặc biệt là Nga", Đại sứ Antonov tuyên bố.
Thanh Tâm (Theo CFR, Euronews, Arms Control Center)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét