Phương Tây liên tục trừng phạt giới tài phiệt Nga với hy vọng gây áp lực để Moskva kết thúc cuộc chiến Ukraine, song các tỷ phú bắt đầu phản kháng.
Hơn một năm trước, phương Tây tăng áp lực với Moskva vì cuộc chiến ở Ukraine bằng cách áp lệnh trừng phạt hơn 100 doanh nhân hàng đầu của Nga và gia đình họ. Phương Tây hy vọng những tài phiệt Nga bị trừng phạt sẽ gây sức ép để Tổng thống Vladimir Putin kết thúc xung đột.
"Chưa bao giờ chúng ta thấy nhiều tỷ phú nổi tiếng thế giới bị trừng phạt cùng lúc như vậy", George Voloshin, chuyên gia về lệnh trừng phạt tại Hiệp hội các chuyên gia về chống rửa tiền tại Anh, nói.
Giới chức phương Tây cho hay đòn trừng phạt nhắm vào giới tài phiệt là một phần trong nỗ lực kiềm chế Nga. Họ lập luận rằng các tỷ phú Nga không được phép tiếp tục cuộc sống bình thường khi Điện Kremlin chưa chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Mục tiêu của loạt lệnh trừng phạt là "làm suy giảm ủng hộ dành cho ông Putin, bởi các tài phiệt có ảnh hưởng chính trị và kinh tế rất lớn", John Smith, cựu giám đốc Cơ quan Kiểm soát tài sản nước ngoài tại Bộ Tài chính Mỹ, nói.
Sau hơn một năm, Smith thừa nhận "chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu đó", dù thêm rằng nó không có nghĩa là sóng trừng phạt với các tỷ phú Nga "không thể thành công".
Chiến sự tại Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt và hầu như không tỷ phú Nga nào công khai chỉ trích Tổng thống Putin hay bán tháo tài sản ở Nga. Trong khi đó, một số tài phiệt Nga sau thời gian dài hứng chịu lệnh trừng phạt đã bắt đầu phản kháng bằng con đường pháp lý tại các tòa án ở châu Âu, nhằm dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại và đóng băng tài sản mà phương Tây áp đặt với họ.
Luật sư của Roman Abramovich, tỷ phú Nga bị phương Tây trừng phạt, gần đây xuất hiện tại tòa án ở Luxembourg để khiếu nại về quyết định của EU đối với thân chủ. Họ tranh luận rằng lệnh trừng phạt đã ngăn cản Abramovich tham gia hiệu quả vào các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Tỷ phú Abramovich cũng cho rằng ông đang bị nhắm mục tiêu một cách không công bằng chỉ vì là doanh nhân Nga, thêm rằng mối quan hệ với ông Putin cũng bị phóng đại. Tòa án dự kiến ra phán quyết trong vài tháng tới.
Eugene Shvidler, đối tác cũ của Abramovich, cũng trở thành tỷ phú Nga đầu tiên thách thức lệnh trừng phạt của Anh. Ông tuyên bố lệnh trừng phạt do London ban hành khiến gia đình ông trở nên "khốn đốn" và là biện pháp bất công. Tỷ phú có quốc tịch Anh và Mỹ này cho biết ông chưa bao giờ có hộ chiếu Nga và cũng chưa từng gặp mặt ông Putin kể từ năm 2007.
Chính phủ Anh giải thích rằng biện pháp trừng phạt nhắm vào Shvidler là nhằm gây áp lực đối với Abramovich, người có thể tăng sức ép với ông Putin.
Trong những thập kỷ gần đây, lệnh trừng phạt đã trở thành công cụ quan trọng trong kho vũ khí chính trị của phương Tây. Chúng có chi phí tương đối thấp, tránh khả năng can thiệp quân sự nhưng có thể gây tác động lớn. Iran, Triều Tiên, Venezuela và Syria đều là mục tiêu trừng phạt của Mỹ và đồng minh trong những năm qua.
Động thái trừng phạt giới tài phiệt có liên hệ với chính phủ được xem là bước tiến mới của công cụ này. Năm 2022, không lâu sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, EU và Anh đã sửa đổi quy tắc trừng phạt nhằm đảm bảo có thể áp dụng cho nhiều người Nga nhất có thể.
Tỷ phú Oleg Tinkov từng nằm trong danh sách trừng phạt của Anh. Tuy nhiên, mùa hè này, chính phủ Anh đã loại ông ra khỏi danh sách trừng phạt, sau khi Tinkov từ bỏ quốc tịch Nga và lên án cuộc chiến ở Ukraine. Anh cũng gỡ lệnh trừng phạt với Lev Khasis, người đã từ bỏ vai trò cấp cao tại ngân hàng Sberbank và rời khỏi Nga trước khi xung đột bắt đầu.
Tuy nhiên, kết quả không phải lúc nào cũng như mong đợi. Việc gây áp lực bằng lệnh trừng phạt để buộc một quốc gia từ bỏ mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng hiếm khi thành công, theo giới phân tích. Chúng thậm chí có thể gây ra sự phẫn nộ ở nhóm người bị trừng phạt và khiến họ quay lại đối đầu phương Tây.
Một số người Nga đã tranh luận thành công rằng họ bị cuốn vào sóng trừng phạt một cách không công bằng. EU gần đây đã dỡ biện pháp trừng phạt đối với mẹ của ông trùm tập đoàn quân sự tư nhân Nga Wagner Yevgeny Prigozhin, sau khi thừa nhận đã sai lầm khi tuyên bố bà Violetta Prigozhina vẫn kiểm soát các công ty liên quan tới con trai.
Nikita Mazepin, tay đua Công thức Một có cha từng là chủ sở hữu tập đoàn phân bón Uralchem, cũng được dỡ lệnh trừng phạt của EU với lý do nó cản trở sự nghiệp đua xe và anh không có vai trò gì trong cuộc chiến.
Chuyên gia George Voloshin cho biết hầu hết các tài phiệt Nga bị phương Tây trừng phạt không nằm trong vòng tròn thân cận với ông Putin. "Lệnh trừng phạt ảnh hưởng nặng nề tới họ và gia đình, nhưng không thực sự đem lại hiệu quả về mặt chính sách", ông nói.
Nhiều tài phiệt không muốn công khai chỉ trích chính phủ hoặc cuộc chiến ở Ukraine vì cân nhắc tới khối tài sản ở Nga.
Tỷ phú Nga Oleg Deripaska, người được gọi là vua nhôm, là một trong những tài phiệt đầu tiên chỉ trích cuộc chiến ở Ukraine. Tháng 12 năm ngoái, tòa án Nga ra lệnh tịch thu khu phức hợp khách sạn sang trọng mà ông sở hữu ở Sochi, trong khi ông vẫn chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, Anh và châu Âu.
Max Colchester, nhà phân tích của WSJ, cảnh báo những biện pháp trừng phạt của phương Tây thậm chí có thể phản tác dụng.
Abramovich, người đã sống và làm việc ở Anh nhiều năm trước khi London không tiếp tục gia hạn thị thực cho ông vào năm 2018, hiện qua lại giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Andrei Guryev, người trong danh sách trừng phạt của Mỹ, đã chuyển công ty từ Thụy Sĩ tới khu vực có thuế suất thấp ở Nga.
Tổng thống Putin cũng kêu gọi các doanh nhân trở về Nga.
"Việc phải chạy vạy cầu xin những đồng tiền của chính các bạn là điều thật vô lý và quan trọng hơn là nó không mang lại kết quả. Đừng bám víu vào quá khứ hay nhờ tòa án để lấy lại chút ít trong đó", ông Putin nói trong thông điệp liên bang hồi tháng 2.
"Khi họ không thể tiếp cận tài sản ở phương Tây, một số tài phiệt có thể phụ thuộc nhiều hơn vào tài sản ở Nga và sự đảm bảo của ông Putin", Colchester nhận định.
Thanh Tâm (Theo WSJ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét