Kiev cáo buộc Moskva phá hủy gần 40.000 tấn ngũ cốc trong đòn tập kích nhằm vào cảng miền nam Ukraine gần sông Danube.
Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov ngày 2/8 cáo buộc Nga sử dụng máy bay không người lái (UAV) của Iran tấn công vào các kho ngũ cốc Ukraine ở Izmail, tỉnh Odessa. Ông nói rằng gần 40.000 tấn ngũ cốc, vốn để chuyển đến một số quốc gia châu Phi, Trung Quốc và Israel, đã bị phá hủy.
"Cảng này vốn là nền tảng an ninh lương thực hiện nay", Bộ trưởng Ukraine nói. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga "tấn công an ninh lương thực toàn cầu".
Thống đốc Odessa Oleh Kiper cho biết không ghi nhận thương vong trong đòn tập kích.
Cảng Izmail nằm bên sông Danube là nơi ngũ cốc Ukraine được chuyển bằng sà lan tới cảng Constanta của Romania trước khi lên đường tới nơi khác. Các cảng ven sông Danube trở thành tuyến vận tải ngũ cốc quan trọng của Ukraine sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hồi tháng 7 với lý do các điều khoản liên quan đến họ không được thực hiện. Thỏa thuận này được ký tháng 7/2022 với 4 bên tham gia là Nga, Ukraine, Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Pháp cáo buộc Nga "cố tình gây nguy hiểm cho an ninh lương thực toàn cầu" khi tấn công vào cảng Ukraine, nhằm "phá hủy cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc thiết yếu".
Bộ Ngoại giao Pháp chỉ trích Nga "chỉ theo đuổi lợi ích của mình", từ đó khiến những người dân dễ bị tổn thương phải trả giá và đẩy giá nông sản lên cao.
Trong khi đó, hãng thông tấn Nga RIA cho biết cảng và cơ sở hạ tầng ngũ cốc Ukraine bị tấn công là nơi trú ngụ của lính đánh thuê nước ngoài cũng như chứa các khí tài quân sự. Quân đội Nga cũng nhắm mục tiêu vào xưởng sửa chữa tàu hải quân của Ukraine.
Ukraine tháng trước cáo buộc đòn tập kích của Nga vào thành phố cảng chiến lược Odessa đã phá hủy 60.000 tấn ngũ cốc, song Moskva nói chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở quân sự.
Nga hôm 17/7 dừng gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vì cho rằng những điều khoản liên quan tới quyền lợi nước này không được thực hiện. Moskva cho biết thêm vẫn có thể xem xét quay lại thỏa thuận nếu thấy kết quả cụ thể, thay vì những lời hứa hẹn.
Sáng kiến ngũ cốc được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán vào tháng 7/2022, cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngô, lúa mì và các loại nông sản bằng đường biển. Đổi lại, phương Tây loại bỏ rào cản đối với xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.
Tổng thống Putin ngày 2/8 đề nghị người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan giúp Nga xuất khẩu ngũ cốc sang các nước châu Phi đang thiếu lương thực, sau khi tuyên bố tặng 20-50 nghìn tấn ngũ cốc cho khu vực này.
Ngọc Ánh (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét