Chiến dịch vây hãm giáo phái Branch Davidian ở Texas năm 1993 kết thúc bằng cuộc đột kích vũ trang của cảnh sát khiến 76 người chết và dư luận Mỹ rúng động.
Một ngày cuối tháng 2/1993, luật sư Dick DeGuerin ở Houston, Texas bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ một phụ nữ, nhờ ông hỗ trợ pháp lý cho con trai. Con trai bà là David Koresh, thủ lĩnh giáo phái Branch Davidian gây tranh cãi ở địa phương.
Khi DeGuerin nhận được cuộc điện thoại, máu đã đổ tại khu phức hợp của giáo phái Branch Davidian trên đỉnh đồi Mount Carmel ở Waco, Texas, nơi đã bị các lực lượng hành pháp Mỹ vây hãm suốt nhiều ngày.
Giáo phái Branch Davidian được thành lập năm 1959, tách ra từ Giáo hội Cơ đốc Phục lâm. Họ tin rằng Chúa Jesus sẽ tái sinh và Koresh nổi lên như một thủ lĩnh đầy sức lôi cuốn vào những năm 1980. Hàng trăm thành viên giáo phái sống cùng nhau trong khu trại trên đồi, tách biệt với các khu dân cư xung quanh.
Tháng 2/1993, tạp chí Wac Tribune Herald đăng phóng sự điều tra cáo buộc Koresh lạm dụng tình dục các tín đồ và kết hôn với ít nhất 150 người vợ, trong đó có trẻ vị thành niên. Cảnh sát địa phương cũng nghi ngờ giáo phái Branch Davidian tàng trữ vũ khí, chất nổ trong trại.
Cục quản lý Rượu, Thuốc lá và Súng (ATF) ngày 28/2/1993 phát lệnh bắt Koresh và khám xét khu trại, mở đầu cho 51 ngày vây hãm và đối đầu căng thẳng giữa giới chức với các thành viên giáo phái.
Khi các đặc vụ AFT tiến vào khu trại, một cuộc đấu súng đã diễn ra trong gần hai tiếng. Khi hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn, ít nhất 9 người, cả thành viên giáo phái lẫn đặc vụ AFT, đã thiệt mạng.
Cục Điều tra Liên bang (FBI) sau đó vào cuộc, phối hợp với cảnh sát địa phương bao vây toàn bộ khu trại. Tình thế đối đầu căng thẳng kéo dài nhiều tuần, trước khi mẹ của Koresh gọi điện cho luật sư DeGuerin.
Nhận được điện thoại, ông biết ngay vụ này có quy mô lớn hơn bất kỳ vụ nào mình từng đối mặt. "Tôi từng xử lý một số vụ án lớn, nhưng chưa có vụ nào như thế này", DeGuerin ngồi trong văn phòng ở Houston ngày 5/4, nhớ lại. "Cả thế giới khi đó dõi theo sự việc".
Khi chuẩn bị bước vào khu trại cuối tháng 3, luật sư DeGuerin thỏa thuận với FBI rằng sẽ thuyết phục Koresh đầu hàng. Các đặc vụ đưa ông tới gần khu trại bằng một chiếc xe bọc thép. Họ dừng lại cách hàng rào khu trại khoảng 90 m.
"Đặc vụ FBI hỏi tôi: 'Ông có muốn mặc áo chống đạn không?' Tôi bảo: 'Không, tôi không sợ tín đồ Davidian. Tôi chỉ không muốn các tay súng bắn tỉa FBI bắn tôi thôi", DeGuerin trả lời.
Ông là người bên ngoài đầu tiên vượt qua hàng rào an ninh vào khu trại Mount Carmel, nơi các tín đồ vũ trang của giáo phái Davidian đang ẩn náu.
DeGuerin không biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng khi gặp Koresh, ông nhận thấy anh ta đã bị thương do trúng đạn. Theo ông, lãnh đạo giáo phái 33 tuổi này là người thông minh và biết cách ăn nói. Anh ta rất tức giận trước cuộc bao vây của FBI và ATF.
DeGuerin nhận ra nhiệm vụ của mình là đưa Koresh rời khu trại và nộp mình cho giới chức để máu không tiếp tục đổ.
"Tôi nói với anh ta luật là luật, anh ta phải tuân thủ dù có mâu thuẫn với tín điều tôn giáo mà anh ta theo đuổi. Anh ấy hiểu lời tôi nói", ông nhớ lại.
DeGuerin sau đó trở lại khu trại cùng Jack Zimmerman, luật sư đại diện cho một tín đồ khác, nhưng Koresh cùng các tín đồ vẫn không chịu nộp mình. Lòng kiên nhẫn của các đặc vụ FBI dần cạn.
"Các nhà đàm phán FBI muốn kết thúc trong hòa bình, nhưng cũng có những người 'chủ chiến' chỉ muốn xông vào bắt người", DeGuerin nói. "Những người 'chủ chiến' cuối cùng đã áp đảo".
Ngày 19/4/1993, DeGuerin quay lại khu trại, đề nghị FBI tạo điều kiện để ông tìm cơ hội cuối cùng kêu gọi Koresh đầu hàng. Nhưng đề nghị của ông bị từ chối. "Đặc vụ FBI nói rằng họ không cần tôi nữa", luật sư nhớ lại.
Xe bọc thép của FBI sau đó xông thẳng vào khu trại, các đặc vụ liên tục bắn hơi cay vào trong các tòa nhà. Tiếng súng vang lên không ngớt khi các tín đồ cố thủ trong tòa nhà kiên cố.
Đến giữa trưa, một số tiếng nổ vang lên cùng ngọn lửa thiêu rụi khu nhà, cướp đi sinh mạng của 76 người, trong đó có 20 trẻ em. Nguyên nhân hỏa hoạn vẫn đang gây tranh cãi.
Các cuộc điều tra sau này cho hay FBI không có bất cứ hành động trái pháp luật nào trong cuộc vây hãm. Tuy nhiên, chiến dịch vây ráp Waco đã gây chấn động dư luận Mỹ, làm dấy lên làn sóng chỉ trích giới chức "lạm quyền" và thúc đẩy các phong trào dân quân nở rộ ở nước này.
Năm 1995, vào dịp kỷ niệm hai năm vụ vây hãm, Timothy McVeigh, người từng lái xe đến Waco chứng kiến thảm kịch, đã tiến hành vụ đánh bom thành phố Oklahoma khiến 168 người thiệt mạng.
30 năm sau, luật sư DeGuerin, giờ đây đã 82 tuổi, cho rằng cuộc vây hãm 51 ngày này lẽ ra có thể kết thúc trong hòa bình mà không khiến nhiều người thiệt mạng như vậy.
Ông cho rằng các đặc vụ FBI khi đó tin rằng Koresh "sẽ tìm cách lừa gạt họ lần nữa" và sẽ quyết không đầu hàng.
"Họ đã không chịu chờ đợi. Tôi tin rằng nếu họ chờ thêm, mọi việc sẽ kết thúc trong hòa bình. Nhưng chuyện đó không xảy ra", DeGuerin nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét