Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

'Kịch bản thảm họa' nếu Ukraine cạn tên lửa phòng không

Khi cạn nguồn tên lửa S-300 và Buk, Ukraine đối mặt tình huống tồi tệ nhất là mất ô phòng không, cho phép không quân Nga hoạt động tự do hơn.

Các tài liệu được tình báo Mỹ soạn thảo cuối tháng 2 mới rò rỉ gần đây cho thấy lực lượng phòng không Ukraine ngày càng bị bào mòn sau hơn một năm chiến sự và không thể ngăn chặn Nga chiếm hoàn toàn ưu thế trên không.

Theo tài liệu tình báo bị rò rỉ, Mỹ đánh giá "khả năng bảo vệ tiền tuyến của các hệ thống phòng không Ukraine sẽ suy giảm mạnh từ ngày 23/5". Kho dự trữ đạn cho tên lửa tầm trung Buk-M1 và tầm xa S-300, vốn chiếm 89% năng lực phòng thủ của Ukraine, được dự báo sẽ cạn kiệt vào tháng 4-5. Tình trạng tương tự cũng có thể xảy đến với hệ thống NASAMS được Mỹ cung cấp.

Giới chuyên gia phương Tây cho rằng trong tình huống này, quân đội Ukraine sẽ đối mặt với "kịch bản thảm họa" khi đánh mất lưới phòng không vốn đã giúp họ kìm chân các loại chiến đấu cơ, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình Nga suốt nhiều tháng qua.

Nga công bố video trận địa S-300 Ukraine bị phá hủy

Trận địa S-300 Ukraine bị phá hủy hồi tháng 3/2022. Video: BQP Nga

"Trong tình huống đó, không quân Nga có thể hoạt động tự do hơn ở khu vực tiến tuyến, cũng như tiếp cận sâu hơn vào vùng trời miền trung và miền tây Ukraine, cho phép họ tập kích nhiều mục tiêu quan trọng như sân bay và căn cứ quân sự, cũng như hạ tầng dân sự thiết yếu", chuyên gia Tyler Rogoway viết trên chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ.

Việc cạn đạn tên lửa sẽ khiến lưới phòng không của Ukraine xuất hiện nhiều lỗ hổng mà máy bay Nga có thể tận dụng để tiếp cận nhiều mục tiêu hơn và khai hỏa loạt vũ khí tầm ngắn, vốn có rất nhiều trong kho dự trữ, thay vì phải dựa vào tên lửa tầm xa có chi phí cao và nguồn cung hạn chế.

"Nếu dự báo của Lầu Năm Góc trở thành hiện thực, bức tranh tác chiến đường không tại Ukraine có thể thay đổi đáng kể", Rogoway cho hay.

Khi xung đột bùng phát, Ukraine sở hữu khoảng 250 bệ phóng thuộc tổ hợp phòng không tầm xa S-300P/V và hơn 70 xe chiến đấu thuộc hệ thống phòng không tầm trung Buk-M1. Đây đều là những hệ thống có từ thời Liên Xô, nhưng đủ uy lực để tạo nên lưới phòng không đa tầng và mật độ hỏa lực dày đặc ngăn chặn không quân Nga.

Lưới phòng không đó của Ukraine đã khiến không quân Nga chịu nhiều thiệt hại trong giai đoạn đầu, đồng thời hạn chế đáng kể khả năng hoạt động của máy bay cánh bằng và trực thăng.

Để đối phó với tên lửa Buk-M1 và các loại tên lửa phòng không vác vai Ukraine, cường kích, trực thăng tấn công Nga thường phải bay sát mặt đất và ngóc mũi phóng rocket từ xa, giảm đáng kể độ chính xác so với phương thức bổ nhào công kích thông thường. Tiêm kích hiện đại như Su-35S, được trang bị cảm biến và vũ khí uy lực, cũng thường hoạt động ngoài không phận Ukraine và phóng tên lửa tầm xa nhằm vào chiến đấu cơ đối phương, nhằm đề phòng S-300.

"Ukraine sẽ đối mặt với nhiều khoảng trống phòng không nếu các hệ thống S-300 và Buk-M1 cạn tên lửa. Các tổ hợp phòng không do phương Tây cung cấp với số lượng hạn chế không đủ để bù đắp, nhất là khi những vũ khí hiện đại nhất như Patriot và NASAMS phải ưu tiên bảo vệ các đô thị chủ chốt, đặc biệt là thủ đô Kiev", Rogoway nói.

Nga vẫn áp đảo Ukraine về năng lực không quân, bao gồm cả số lượng lẫn mức độ hiện đại của khí tài. Tài liệu mật của Lầu Năm Góc cho thấy không quân Ukraine hiện còn 85 tiêm kích đủ khả năng chiến đấu, trong khi Nga đang huy động khoảng 485 chiến đấu cơ các loại cho chiến dịch.

Triiển khai không quân trên lãnh thổ rộng lớn sẽ giúp máy bay Nga thực hiện hoạt động chế áp và tiêu diệt phòng không đối phương (SEAD/DEAD) hiệu quả hơn, nhờ khả năng tiếp cận mục tiêu từ nhiều hướng để phóng tên lửa diệt radar hoặc bom dẫn đường, thay vì phải hoạt động theo một số tuyến nhất định và có nguy cơ bị đón lõng.

Với các cuộc không kích thông thường, Nga có thể sử dụng nhiều vũ khí giá rẻ hơn, thay vì phải trông cậy vào tên lửa dẫn đường tầm xa như Kh-101, Kh-555 và Kh-59.

Trận địa phòng không Ukraine bị Nga phá hủy hồi năm 2022. Ảnh: AP

Trận địa phòng không Ukraine bị Nga phá hủy hồi năm 2022. Ảnh: AP

Truyền thông Ukraine cho biết không quân Nga đang sử dụng bom thông thường gắn Mô-đun Dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK), tương tự bom dẫn đường JDAM-ER của Mỹ, gây ra mối đe dọa không nhỏ với các đơn vị Ukraine.

Ưu thế không quân cho phép máy bay Nga thả bom dẫn đường gắn bộ kit UMPK từ độ cao lớn, giúp nó đạt tầm bay tối đa khoảng 50 km, ngoài tầm bắn của phần lớn hệ thống phòng không Ukraine. Chiến đấu cơ Nga có thể nhắm đến nhiều mục tiêu hơn khi lưới phòng không Ukraine bị suy giảm.

"Việc Nga chiếm ưu thế trên một phần bầu trời Ukraine có thể thay đổi cục diện chiến sự. Tiêm kích Ukraine sẽ đối mặt với nguy cơ lớn hơn nhiều, khi chiến đấu cơ Nga chủ động tiến công hủy diệt máy bay trên mặt đất hoặc buộc phi công Ukraine giao chiến ở thế bất lợi", Rogoway cảnh báo.

Tên lửa phòng không S-300 và Buk-M1 đã và đang đóng vai trò then chốt trong chiến sự tại Ukraine, nhưng Kiev cũng như các đồng minh phương Tây chưa có phương án bù đắp. Tài liệu về năng lực phòng không của Ukraine đánh giá hệ thống do phương Tây gửi đến có số lượng hạn chế, đôi khi không phù hợp và không thể bắt kịp Nga về số lượng.

"Nga sẽ không bỏ qua cơ hội triển khai sức mạnh không quân vào sâu trong vùng trời Ukraine, tiếp tục bào mòn năng lực phòng không đối phương nếu vắng bóng các hệ thống như S-300 và Buk-M1", Rogoway dự báo.

Vũ Anh (Theo Drive)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét