Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2023

Làng chài Thái Lan chật vật vì đập thượng nguồn sông Mekong

Từ tháng 2 tới tháng 4 hàng năm, Kam Thon dành phần lớn thời gian trong ngày lội sông Mekong gần làng, mò rong đem bán.

Kam Thon và những phụ nữ khác trong ngôi làng ở miền bắc Thái Lan gần sông Mekong đã mò rong hàng thập kỷ nhưng thu hoạch giảm đáng kể từ khi Trung Quốc xây dựng khoảng 10 con đập ở thượng nguồn.

Các nhà nghiên cứu cho hay đập thay đổi dòng chảy nước, chặn phần lớn trầm tích, nguồn dinh dưỡng quan trọng với rong và lúa.

Kam Thon mò rong trên sông Mekong gần làng Chiang Khong ngày 6/2. Ảnh: Reuters

Kam Thon mò rong trên sông Mekong gần làng Chiang Khong ngày 6/2. Ảnh: Reuters

"Mùa khô nước trong và thấp, chúng tôi có thể dễ dàng lội sông mò vớt rong. Nhưng bây giờ, mực nước dâng cao hơn vào mùa khô, khiến công việc khó khăn hơn", Kam Thon, người thường mò rong đem bán ở chợ địa phương, nói.

"Chúng tôi mất nhiều thời gian hơn để mò rong, nhưng mò được ít hơn, ảnh hưởng thu nhập", người phụ nữ 48 tuổi nói khi cuộn những đám rong xanh thành hình tròn, đặt vào túi nilon đeo trên vai.

Kham Thon sống ở làng Chiang Khong, gần biên giới Thái Lan - Lào. Bà cho hay thu nhập bây giờ chỉ bằng 1/3 trước đây khi sông Mekong vào mùa khô và đầy rong. Lượng cá mà chồng bà bắt được cũng giảm.

Sông Mekong trải dài 4.350 km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và đổ ra Biển Đông, là huyết mạch nuôi sống hàng chục triệu người khắp Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam sống bằng nghề nông và đánh bắt thủy sản.

Việc Trung Quốc đang xây dựng thêm nhiều đập để sản xuất thủy điện khiến nguy cơ xảy ra hạn hán và lũ lụt trái mùa gia tăng, đồng thời dấy lên nỗi bất an về tương lai con sông dài nhất Đông Nam Á.

Các cộng đồng địa phương và nhà vận động cho hay nỗi e ngại và các khiếu nại của họ đang bị phớt lờ bởi chính sách thúc đẩy năng lượng sạch.

"Đập ở thượng nguồn đang ảnh hưởng tới đánh bắt cá, trồng lúa và thu hoạch rong trên sông, nguồn thu nhập chính với phụ nữ và người lớn tuổi", Pianporn Deetes, giám đốc khu vực Thái Lan và Myanmar của tổ chức phi chính phủ Sông ngòi Quốc tế, nói.

"Khi người ta chỉ tập trung vào biến dòng sông thành nguồn khai thác thủy điện, điều đó sẽ ảnh hưởng sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người. Con sông là nguồn cung cấp thực phẩm, gắn liền truyền thống và phong tục, lối sống của các cộng đồng", bà nói.

Trong nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc than đá, Trung Quốc đã xây dựng khoảng 10 con đập, trong đó có 5 đập lớn cao hơn 100 mét, kể từ năm 1995 trên sông Mekong, hay còn gọi là Lan Thương ở Trung Quốc.

Quốc gia này cũng cho xây dựng ít nhất 95 đập thủy điện trên các nhánh sông đổ vào Mekong. Hàng chục dự án khác đang được lên kế hoạch ở Trung Quốc, quốc gia đang tài trợ cho nhiều dự án xây đập khác ở hạ lưu con sông.

Điện năng tạo ra từ các đập thủy điện ở thượng nguồn Mekong, bao gồm cao nguyên Tây Tạng và lưu vực Lan Thương tại Trung Quốc và Myanmar, trị giá khoảng 4 tỷ USD mỗi năm, theo Ủy hội sông Mekong (MRC), cơ quan liên chính phủ các nước thuộc hạ lưu sông gồm Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Các đập ở thượng nguồn sông Mekong. Đồ họa: VnExpress

Các đập ở thượng nguồn sông Mekong. Đồ họa: Đức Hoàng

Nhiều nghiên cứu ước tính gần như toàn bộ trầm tích của sông bị giữ lại ở thượng nguồn nếu tất cả dự án đập ở Mekong được phát triển, ảnh hưởng tới việc trồng lúa, nguồn lương thực chính của hàng chục triệu người trong khu vực.

Ngoài ra, đập còn ngăn chặn loài cá di cư và làm thay đổi dòng chảy. MRC ước tính nghề cá trên sông Mekong sẽ chịu ảnh hưởng tới gần 23 tỷ USD vào năm 2030. Thiệt hại từ việc mất rừng, đầm lầy và rừng ngập mặn sẽ lên tới 145 tỷ USD.

Brian Eyler, chuyên gia từ Trung tâm Stimson trụ sở tại Mỹ, cơ quan theo dõi các đập trên sông Mekong, cho hay các cộng đồng sống gần đập bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có Chiang Khong.

Việc xả nước từ hồ chứa để sản xuất thủy điện trong mùa khô có thể tăng gấp đôi thậm chí gấp ba lần lượng nước so với bình thường. Việc tích nước vào mùa mưa cũng có thể làm giảm hơn một nửa lưu lượng dòng chảy, ông nói.

"Điều này biến các làng chài dọc biên giới Thái Lan - Lào trở thành thị trấn ma", Eyler cảnh báo. "Những cộng đồng này có rất ít lựa chọn. Người già khó tìm sinh kế mới, thanh niên có thể chọn di cư hoặc tìm nghề khác, nhưng quá trình thích nghi luôn đi kèm rủi ro".

Trước những lo ngại này, MRC đang đánh giá tác động xã hội, giám sát dòng chảy và chất lượng nước của sông để xác định những thay đổi ảnh hưởng tới nông nghiệp hay cộng đồng dân cư.

MRC cho hay đã đưa ra "hướng dẫn khoa học kỹ thuật về thiết kế, xây dựng, vận hành đập" nhằm quản lý rủi ro và giảm thiểu mọi tác động bất lợi của các dự án thủy điện.

Niwat Roykaew chụp ảnh sông Mekong gần biên giới Thái Lan - Lào ngày 6/2. Ảnh: Reuters

Niwat Roykaew chụp ảnh sông Mekong gần biên giới Thái Lan - Lào ngày 6/2. Ảnh: Reuters

Các đập Trung Quốc đã giữ lại một lượng lớn nước trong các đợt hạn hán từ năm 2019 tới 2021, khiến mực nước sông Mekong giảm xuống mức thấp kỷ lục và tình trạng khô hạn nghiêm trọng hơn, theo nghiên cứu của Trung tâm Stimson và Eyes On Earth (Dõi theo Trái đất), đơn vị giám sát vệ tinh trụ sở tại Mỹ.

Trung Quốc bác bỏ những phát hiện này, cho rằng vấn đề nằm ở lượng mưa thấp và năm 2020 họ đã ký thỏa thuận với MRC để chia sẻ dữ liệu quanh năm về dòng chảy Lan Thương.

Trong báo cáo năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gọi thủy điện là "xương sống của sản xuất điện carbon thấp", có tiềm năng lớn tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Trung Quốc là thị trường thủy điện lớn nhất thế giới. Các công ty Trung Quốc đứng sau hơn một nửa số dự án thủy điện mới ở châu Phi cận Sahara, Đông Nam Á, Mỹ Latinh cho tới năm 2030, theo IEA.

Theo ước tính của MRC, nhu cầu năng lượng được dự báo tăng 6-7% hàng năm ở khu vực hạ lưu sông Mekong và việc "phát triển thủy điện toàn diện" có thể mang lại lợi ích kinh tế hơn 160 tỷ USD vào năm 2040.

Nhưng nỗi lo về tác động của các dự án thủy điện cũng tăng lên, trong đó có việc di dời dân. Năm 2018, đập thủy điện Lào đang xây dựng bị vỡ khiến hàng chục người thiệt mạng khi nước từ con đập cuốn trôi nhà cửa, ảnh hưởng lớn tới hình ảnh thủy điện tại quốc gia đang hướng tới mục tiêu trở thành "ắc quy châu Á".

Các cộng đồng vốn phụ thuộc vào dòng sông suốt nhiều thế hệ bây giờ không biết làm thế nào để duy trì điều đó, theo Niwat Roykaew, chủ tịch nhóm Bảo tồn Rak Chiang Khong ở Thái Lan.

"Do đập thủy điện, con sông trở nên khó lường, những gì họ biết trước đây không còn hữu dụng nữa", Niwat, 63 tuổi, người từng đoạt giải thưởng môi trường Goldman năm 2022, nói.

Mekong Dam Monitor, nền tảng giám sát đập Mekong do Trung tâm Stimson và Eyes On Earth hợp tác thành lập, sử dụng ảnh vệ tinh và viễn thám để cảnh báo dân cư vùng biên giới Thái Lan - Lào về những thay đổi của dòng chảy từ nửa mét trở lên trong 24 giờ.

Nhưng các thông tin này không mấy hữu dụng với những cộng đồng không có nơi nào khác để đi ngoài quê hương mình, theo Niwat.

"Điều mọi người muốn, điều chúng tôi xứng đáng được hưởng, là đồng quản lý dòng sông thông qua quy trình tham vấn toàn diện", ông nhấn mạnh.

Bây giờ đang là mùa khô ở Chiang Khong. Từ nay tới hết tháng 4, Kam Thon tập trung thu hoạch rong. Ngày đẹp trời, bà có thể mò được vài kg, một ít đem phơi khô làm đồ ăn vặt, còn lại đem ra chợ bán.

"Tôi không biết đi chỗ nào kiếm ăn ngoài dòng sông. Tôi cũng không biết mỗi ngày sẽ thu hoạch được bao nhiêu", bà nói. "Tôi chỉ biết mò hết sức có thể".

Hồng Hạnh (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét