Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Lãnh chúa Libya có thể biến xung đột Sudan thành ác mộng

Lãnh chúa Libya Khalifa Haftar có thể thể hiện vai trò ngày càng lớn trong xung đột ở Sudan khi ủng hộ lực lượng RSF, khiến giao tranh trở nên khốc liệt hơn.

Nỗ lực duy trì lệnh ngừng bắn giữa các phe phái ở Sudan thất bại cuối tuần qua, khi các cuộc giao tranh, không kích và bắn phá tiếp tục diễn ra ở thủ đô Khartoum. Các cuộc đụng độ cũng được ghi nhận ở vùng Darfur, tây nam đất nước. Hơn 400 người đã chết vì xung đột, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Xung đột ở quốc gia 48 triệu dân nổ ra giữa quân đội Sudan do tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) do tướng Mohamed Hamdan Dagalo, hay còn gọi là Hemedti, chỉ huy. Al-Burhan muốn sáp nhập RSF vào quân đội chính quy, nhưng Hemedti không chấp nhận kế hoạch này, khiến mâu thuẫn bùng phát thành đụng độ.

Cả hai tướng đều nắm trong tay lực lượng vũ trang có sức mạnh ngang ngửa nhau, đều tuyên bố kiểm soát các nguồn tài nguyên và đất nước Sudan và không chấp nhận thỏa hiệp.

Các tổ chức phi chính phủ địa phương cảnh báo nhân viên chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống leo thang bạo lực khi tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo đã kết thúc. Và sự xuất hiện của lãnh chúa Libya Khalifa Haftar, người kiểm soát phần lớn miền đông Libya, nước láng giềng ở tây bắc Sudan, có thể tác động không nhỏ tới cuộc xung đột này.

Lãnh chúa Khalifa Haftar tại Bengazhi, Libya hồi tháng 12/2020. Ảnh: Reuters

Lãnh chúa Khalifa Haftar tại Bengazhi, Libya hồi tháng 12/2020. Ảnh: Reuters

Haftar sinh năm 1943, từng phục vụ trong quân đội Libya dưới thời Muammar Gaddafi, nhưng sau đó tham gia một nhóm tìm cách lật đổ lãnh đạo này. Haftar tới Mỹ năm 1990 và đã sống ở nước này gần 20 năm, được cấp quốc tịch Mỹ.

Khi Mỹ can thiệp quân sự vào Libya năm 2011, Haftar giữ vị trí quan trọng trong lực lượng đối lập lật đổ Gaddafi. Năm 2015, ông này được bổ nhiệm làm chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trung thành với Hạ viện Libya, kiểm soát vùng Tobruk ở miền đông đất nước.

Hafta được mô tả là "lãnh chúa mạnh nhất Libya" và đã chiến đấu "ủng hộ hoặc chống lại gần như mọi phe phái" trong xung đột ở quốc gia này. Các nguồn tin cho biết lãnh chúa Haftar là bên ủng hộ quan trọng đối với RSF ở nước láng giềng Sudan, cung cấp các thông tin tình báo quan trọng, hỗ trợ nhiên liệu và có thể đã huấn luyện một biệt đội hàng trăm lính RSF trong khoảng từ tháng 2 tới giữa tháng 4.

Mối liên hệ giữa Haftar và Hemedti bắt nguồn từ trước cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir của Sudan năm 2019. Tuy nhiên, quan hệ đã trở nên nồng ấm hơn trong những năm gần đây, khi Hemedti gửi lính đánh thuê tới Libya để chiến đấu cùng lực lượng LNA của Haftar.

Vài tuần gần đây, khi cuộc đối đầu giữa RSF và quân đội Sudan dần căng thẳng, Haftar đã nỗ lực hỗ trợ cho Hemedti. Tuy nhiên, các hoạt động này được tính toán cẩn thận, bởi Harftar không muốn thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn với một bên trong cuộc xung đột mà kết quả chưa rõ ràng.

Giới quan sát cho hay Haftar cũng phải đề phòng nguy cơ làm phật lòng các bên ủng hộ tướng Burhan. Một chỉ huy dân quân trong LNA cho biết lực lượng của ông "sẵn sàng ủng hộ Hemedti, nhưng chúng tôi vẫn cần theo dõi thêm tình hình ở Sudan".

Chỉ vài ngày trước khi xung đột nổ ra, Haftar yêu cầu bắt một cấp phó của Musa Hilal, chỉ huy dân quân Sudan là kẻ thù của Hemedti. Trong một động thái ủng hộ khác, Sadeeq Haftar, con trai của lãnh chúa Haftar, đã bay tới Khartoum để tặng 2 triệu USD cho câu lạc bộ Al-Merrikh, đội bóng đá lớn ở Sudan đang gặp khó khăn về tài chính. Câu lạc bộ này có liên quan tới Hemedti, người từng giúp tu sửa sân vận động của họ. Sau thông báo về món quà, Sadeeq đã được Hemedti tiếp đón.

Trong cuộc gặp, Sadeeq thông báo với Hemedti thông tin quan trọng rằng các đối thủ ở Sudan đang chuẩn bị hành động chống lại ông, theo nguồn tin tình báo thân cận với LNA. Một ngày sau khi Sadeeq rời Sudan, tướng Hemedti đã triển khai lực lượng kiểm soát sân bay quốc tế ở Merowe, thị trấn có vị trí chiến lược cách thủ đô Khartoum khoảng 300 km về phía bắc, bố trí nhiều tay súng chiếm giữ các địa điểm quan trọng ở thủ đô.

Tuần trước, báo Mỹ WSJ dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay Haftar đã gửi ít nhất một lô vũ khí cho Hemedti. CNN cho biết các máy bay từ căn cứ không quân do LNA kiểm soát đã xuất hiện ở cả Libya và Sudan. Theo nhiều nhân chứng, những phi cơ này mang theo vũ khí và hạ cánh xuống sân bay Al-Jawf ở Kufra, miền nam Libya. Số hàng trên máy bay sau đó được chuyển bằng xe tải về phía Sudan.

Năm 2019, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết Hemedti đã điều hàng nghìn lính thuộc lực lượng RSF tới Libya để giúp LNA trong cuộc chiến với chính phủ được quốc tế công nhận ở Tripoli.

Nhiều quan chức và cựu quan chức Libya nói rằng trong vài tháng gần đây, Haftar đã huấn luyện hàng trăm tay súng RSF, lực lượng thiếu kinh nghiệm tác chiến đô thị, về những kỹ chiến thuật họ cần cho cuộc giao tranh ở Khartoum hoặc các thành phố khác.

Jalel Harchaoui, chuyên gia về Libya kiêm thành viên Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho biết sự hỗ trợ từ Haftar sẽ được tính toán cẩn thận. "Họ muốn Hemedti tồn tại. Xăng dầu hiện có ý nghĩa hơn vũ khí hoặc đạn dược và là thứ Hemedti chắc chắn có thể nhận được từ Libya", Harchaoui nói.

Vị trí thủ đô Khartoum của Sudan. Đồ họa: Britannica

Vị trí Libya và Sudan. Đồ họa: Britannica

Các chuyến hàng nhiên liệu đang được vận chuyển bằng xe tải từ cảng Benghazi ở Địa Trung Hải, theo các nguồn tin. Một số nguồn tin khác thêm rằng nguồn bổ sung xăng dầu cho RSF có thể đến từ nhà máy lọc dầu Sarir mà LNA kiểm soát gần đây ở miền nam Libya.

Lực lượng của Hemedti đang thiếu nhiên liệu vì nguồn cung cho các căn cứ chính của họ ở Darfur đã bị cắt giảm, do quân đội của tướng Burhan vẫn kiểm soát phần lớn cơ sở hạ tầng xăng dầu ở Sudan.

Bởi vậy, Jason Burke và Zeinab Mohammed Salih, hai nhà phân tích của Observer, cho rằng sự tham gia của lãnh chúa Haftar có thể khiến xung đột ở Sudan kéo dài ở hơn và trở thành "kịch bản thảm họa" khi quốc gia này đứng trên bờ vực sụp đổ, theo cảnh báo của Liên Hợp Quốc.

Thanh Tâm (Theo Guardian)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét