Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

NATO nói Ukraine có thể giành lại nhiều lãnh thổ khi phản công

Tổng thư ký NATO nhận định Ukraine có thể giành lại nhiều vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát trong đợt phản công.

Đại diện từ khoảng 50 quốc gia gặp nhau tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức để thảo luận về "tất cả những khả năng, hệ thống và nguồn cung khác nhau mà Ukraine cần để tái kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn".

"Tôi tin tưởng rằng giờ đây họ có thể giành lại thêm nhiều khu vực nữa", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 21/4 cho biết sau khi được hỏi liệu Ukraine có những gì cần thiết để đảm bảo cuộc phản công thành công hay chưa.

Ông Stoltenberg thừa nhận các bên cần thảo luận về các nền tảng mới để hỗ trợ cho Ukraine khi xung đột với Nga đã bước sang năm thứ hai. Tổng thư ký NATO cũng khẳng định cần đảm bảo vũ khí phương Tây mà Ukraine đã nhận tiếp tục hoạt động.

Thiết giáp Ukraine trên khu vực gần thành phố Bakhmut ngày 9/4. Ảnh: Reuters

Thiết giáp Ukraine trên khu vực gần thành phố Bakhmut ngày 9/4. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, người chủ trì cuộc hội đàm tại Ramstein, cho biết ba vấn đề chính được thảo luận là "phòng không, đạn dược và các thiết bị hỗ trợ". "Chúng tôi sẽ ủng hộ Ukraine tới chừng nào có thể", ông Austin tuyên bố.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục hối thúc các đồng minh chuyển tên lửa tầm xa, tiêm kích hiện đại, xe tăng và thiết giáp. Một số thành viên NATO đã chuyển cho Ukraine tiêm kích từ thời Liên Xô, song liên minh từ chối viện trợ những mẫu hiện đại hơn như F-16 do Mỹ sản xuất.

Nga chỉ trích cuộc hội đàm về viện trợ quân sự cho Ukraine tại Đức. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố hành động của phương Tây đối với Ukraine "xác nhận họ tham gia trực tiếp vào xung đột và lên kế hoạch cho các hoạt động quân sự".

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc NATO đang cố gắng lôi kéo Ukraine vào liên minh, cho biết đây là mối đe dọa tiềm ẩn mà Tổng thống Vladimir Putin nhắc tới trước khi chiến sự bùng phát.

Ông Peskov nói quyết định mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" là đúng đắn dựa trên lợi ích và nhu cầu đảm bảo an ninh của Nga. "Chúng tôi đang đối phó với liên minh hiếu chiến NATO, vốn coi Nga là kẻ thù và xâm phạm an ninh của chúng tôi", ông Peskov cho biết.

Cục diện chiến trường Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Cục diện chiến trường Nga - Ukraine. Đồ họa: WP

Các quan chức phương Tây và Ukraine gần đây nhiều lần đề cập về cuộc phản công quy mô lớn trên nhiều hướng. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar ngày 20/4 cho biết quân đội nước này "đã triển khai một số hoạt động phản công" để giành lại lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát.

Tuy nhiên, một số tài liệu rò rỉ gần đây cho thấy Mỹ bi quan về chiến dịch phản công của Ukraine, nhận định nước này không đủ nguồn lực và quân số để giành lại đáng kể lãnh thổ. Ukraine cũng đối mặt nguy cơ thương vong trầm trọng do vấn đề trong huấn luyện và cung ứng đạn dược, cũng như việc Nga đã củng cố phòng tuyến.

Một số chuyên gia phương Tây đánh giá Ukraine khó giành chiến thắng mang tính quyết định và thay đổi cục diện chiến trường với nguồn lực hiện tại. Họ nhận định không có gì đảm bảo Ukraine đạt "kỳ tích" như đợt phản công tháng 9/2022, giúp họ tái kiểm soát nhiều địa phương thuộc tỉnh Kharkov.

Nguyễn Tiến (Theo AFP, TASS)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét