Trung Quốc tiến hành đợt tập trận lớn để răn đe Đài Loan, nhưng cũng thận trọng trong hành động để không ảnh hưởng mục tiêu ngoại giao chiến lược khác.
Trung Quốc vừa tổ chức đợt tập trận tại nhiều địa điểm quanh đảo Đài Loan, mô phỏng hoạt động phong tỏa đường biển, đường không và tập kích tên lửa vào các mục tiêu chiến lược trên hòn đảo. Hoạt động quân sự quy mô lớn này diễn ra sau khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh tại Mỹ và gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy ở California.
Cuộc tập trận có số lượng kỷ lục máy bay quân sự từ đại lục vượt đường trung tuyến trên eo biển và đi vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan. Tuy nhiên, khác với loạt phản ứng vào tháng 8/2022, sau khi chủ tịch Hạ viện Mỹ lúc đó là bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan, quân đội Trung Quốc không phóng tên lửa nào bay qua hòn đảo.
Dù Trung Quốc đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn rằng đợt tập trận là "lời cảnh báo mạnh mẽ đối với hành vi thông đồng của lực lượng ly khai ủng hộ 'Đài Loan độc lập' với thế lực bên ngoài", các hoạt động chủ yếu diễn ra trên môi trường mô phỏng.
Cuộc tập trận kéo dài ba ngày thay vì hơn 10 ngày như lần trước, Bắc Kinh cũng không tung ra bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhắm vào ông McCarthy như cách họ phản ứng người tiền nhiệm của ông. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã tính toán giảm quy mô tập trận và mức độ phản ứng, đảm bảo vừa gửi được thông điệp răn đe, lại vừa duy trì những ưu tiên ngoại giao có giá trị chiến lược.
"Quy mô và hình thức tập trận cho thấy Trung Quốc đang muốn cân bằng giữa mục tiêu gửi thông điệp đến Đài Loan với tính toán chiến lược của họ trong củng cố quan hệ cùng các đối tác thương mại và xây dựng hình ảnh bên kiến tạo hòa bình trên trường quốc tế", Ava Shen, chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc và các vấn đề Đài Loan tại tổ chức tư vấn chiến lược Eurasia Group, nhận định.
Nghiêm Chấn Sinh, giáo sư Đại học Chính trị Đài Loan, cho rằng thông qua đợt cuộc tập trận "có chừng mực", Trung Quốc vừa muốn thể hiện lập trường cứng rắn với đảo Đài Loan và Mỹ, nhưng cũng không muốn châm ngòi phản ứng thái quá từ các bên có liên quan.
Giáo sư Nghiêm cho rằng tập trận đã trở thành một phần "quy trình phản ứng tiêu chuẩn" của Trung Quốc với những diễn biến tương tự chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan vào năm ngoái.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng sử dụng biện pháp mạnh để thống nhất. Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhiều lần khẳng định không loại trừ biện pháp vũ lực để thu hồi hòn đảo, dù chủ trương chung vẫn là đối thoại và thống nhất trong hòa bình.
Ba ngày tập trận của Trung Quốc trên các vùng biển quanh đảo Đài Loan diễn ra ngay sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh. Cũng trong giai đoạn này, cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu, thành viên có nhiều ảnh hưởng trong Quốc Dân đảng (KMT), có chuyến thăm quê hương ở đại lục.
Trần Phương Ngung, giáo sư Đại học Tô Châu ở Đài Loan, nhận định Bắc Kinh muốn truyền tải thông điệp vừa răn đe, vừa trấn an người dân trên hòn đảo rằng "bầu cho đảng Dân tiến cầm quyền đồng nghĩa rủi ro chiến tranh, nhưng nếu muốn hòa bình, họ nên bầu cho KMT".
Đảng KMT của ông Mã ủng hộ giảm căng thẳng trên eo biển Đài Loan và xây dựng quan hệ thân thiện với đại lục. KMT đã giành chiến thắng ở nhiều khu vực quan trọng trong cuộc bầu cử cấp địa phương tại Đài Loan năm ngoái, trong đó có ghế thị trưởng Đài Bắc.
Ông Nghiêm Chấn Sinh cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc không muốn đẩy căng thẳng quá cao bằng các cuộc tập trận quân sự quyết liệt, điều có thể gây khó cho KMT khi Đài Loan sẽ bầu lãnh đạo mới sau 9 tháng nữa.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tính toán kỹ lưỡng mức độ phản ứng với hoạt động của bà Thái Anh Văn tại Mỹ để tránh "lợi bất cập hại" với những mục tiêu ngoại giao khác trên trường quốc tế.
Trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc dường như không muốn đóng sập hoàn toàn cánh cửa đối thoại, sau những sóng gió gần đây vì sự việc Washington bắn hạ khí cầu hồi tháng 2. Mỹ đã hủy chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Antony Blinken sau sự cố, còn Trung Quốc đóng băng một số kênh trao đổi, song vẫn phát tín hiệu sẵn sàng nối lại đối thoại cấp cao khi tình hình cho phép.
Theo chuyên gia Ava Shen, Bắc Kinh cũng chú ý đến cách thức tiết chế của Mỹ trong tổ chức hoạt động của bà Thái ở nước này. Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy tiếp bà Thái tại California chứ không phải Washington, và hoạt động của bà trên đất Mỹ được gọi là "quá cảnh" chứ không phải chuyến thăm.
Ông McCarthy không có kế hoạch đặt chân đến hòn đảo, như chuyến thăm gây tranh cãi của bà Pelosi năm ngoái. Bởi vậy, Trung Quốc cũng không muốn phản ứng quá mức, điều có thể khiến căng thẳng vượt tầm kiểm soát.
Theo chuyên gia Trần Phương Ngung, các bên dường như đều đã rút kinh nghiệm từ khủng hoảng lần trước rằng họ không nên đẩy cao căng thẳng bằng những hoạt động thu hút sự chú ý quá mức.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đang muốn xây dựng hình ảnh Bắc Kinh là bên trung gian hòa giải quốc tế, đối lập với chính sách can thiệp chủ động của Mỹ trong một số cuộc xung đột. Trung Quốc hồi tháng 3 đóng vai chủ nhà cho lễ ký thỏa thuận khôi phục quan hệ Iran - Arab Saudi, còn trong tháng 2 công bố đề xuất 12 điểm về "giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine".
Việc Trung Quốc phản ứng mạnh hơn với Đài Loan bằng các cuộc tập trận quân sự rầm rộ hơn nhiều khả năng sẽ phản tác dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh "bên kiến tạo hòa bình" mà Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng.
Theo chuyên gia Nghiêm Chấn Sinh thuộc Đại học Chính trị Đài Loan, chiến thuật phản ứng cứng rắn nhưng kiềm chế này của Trung Quốc giúp căng thẳng hai bờ eo biển không vượt ngưỡng, nhưng đồng thời nó cũng có thể tạo tâm lý chủ quan đối với lực lượng phòng vệ Đài Loan.
"Nó có thể khiến công chúng lẫn giới lãnh đạo Đài Loan dần quen với các cuộc tập trận rầm rộ nhưng cuối cùng không dẫn đến diễn biến nóng. Nhưng đến một ngày, Đài Loan sẽ lúng túng nếu mọi thứ vượt tầm kiểm soát", ông Nghiêm nói.
Thanh Danh (Theo WSJ, BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét