Quân đội Đức thông báo đã chuyển giao một tổ hợp Patriot cho Ukraine, giữa lúc Kiev đối mặt nguy cơ cạn tên lửa phòng không.
Bộ Quốc phòng Đức hôm 18/4 bổ sung "hệ thống tên lửa phòng không Patriot" cùng một số xe tải và xe tuần tra biên giới vào danh sách các khí tài đã cung cấp cho quân đội Ukraine. Đây là lần đầu xuất hiện thông tin Kiev đã tiếp nhận tên lửa Patriot.
Quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Thông tin được công bố trong bối cảnh các tài liệu tuyệt mật của Mỹ bị rò rỉ gần đây cho thấy phòng không Ukraine ngày càng bị bào mòn sau hơn một năm chiến sự. Tình báo Mỹ cảnh báo Kiev sẽ cạn tên lửa phòng không tầm trung Buk trong tháng 4, trong khi hệ thống phòng không tầm xa S-300 và tầm trung IRIS-T, NASAMS cũng rơi vào tình trạng tương tự trong tháng 5.
Theo đánh giá của tình báo Mỹ, lưới phòng không Ukraine cũng "không thể ngăn chặn Nga chiếm hoàn toàn ưu thế trên không". Điều đó cho phép máy bay Nga hoạt động tự do hơn để tiến hành các cuộc tấn công hay chuyển quân, cũng như đóng vai trò quan trọng hơn trong ngăn chặn lực lượng Ukraine phản công.
Mỹ cuối năm ngoái xác nhận sẽ chuyển một hệ thống Patriot cho Ukraine, nhưng không công bố thời điểm bàn giao. Đức và Hà Lan sau đó thông báo sẽ góp thêm một tổ hợp tương tự cho quốc gia Đông Âu.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay Washington đã cam kết huấn luyện cấp tốc kíp tên lửa cho Kiev trong 10 tuần, bằng 20% so với thời gian đào tạo bình thường, nhằm giúp quân nhân Ukraine nhanh chóng hoàn thành chương trình và về nước tham chiến.
Mỹ cuối tháng 3 tuyên bố các kíp tên lửa Ukraine đã hoàn tất khóa học và sẽ tiếp tục huấn luyện tăng cường ở châu Âu. Trong 10 tuần huấn luyện, binh sĩ Ukraine được học lý thuyết, kết hợp thực hành với thiết bị mô phỏng và tổ hợp thực tế, tập trung vào vận hành và bảo dưỡng các khẩu đội Patriot.
Patriot là tên lửa phòng không do Mỹ phát triển và được biên chế từ năm 1981. Biến thể mới nhất trong dòng Patriot là PAC-3, có khả năng tiêu diệt các mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Patriot được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà Washington từng chuyển cho Kiev. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo kỳ vọng Patriot đóng vai trò như "viên đạn bạc" có thể giải quyết mọi vấn đề phòng không của Ukraine là "không thực tế".
Trung tướng Mark Hertling, người từng là chỉ huy lục quân Mỹ tại châu Âu, cho rằng ngay cả khi lính Ukraine được huấn luyện vận hành tổ hợp Patriot, binh sĩ Mỹ sẽ phải đảm nhận nhiệm vụ bảo trì hoặc sửa chữa trong khoảng một năm, trước khi Kiev tự chủ được quá trình này.
Vũ Anh (Theo Drive)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét