Với Ruslan, kỹ sư ở Minsk, xung đột Nga - Ukraine dường như đang đến gần hơn bao giờ hết khi anh nhận được giấy gọi đi huấn luyện quân sự.
"Họ nói với chúng tôi rằng Belarus sẽ không tham chiến, nhưng tôi vẫn nghe thấy tiếng chiến đấu cơ Nga liên tục gầm rú trên mái nhà, bay về phía căn cứ không quân Machulishchi ở ngoại ô Minsk", Ruslan, 27 tuổi, nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
"Quân đội Nga đã có mặt ở Belarus và tôi thấy chúng tôi đang dần bị biến thành một doanh trại quân đội. Mọi người đều lo sợ rằng người dân Belarus chẳng bao lâu nữa sẽ không còn có thể theo dõi cuộc xung đột từ xa", anh cho hay.
Tổng thống Alexander Lukashenko đã đồng ý cho hàng nghìn binh sĩ Nga đến đóng quân tại Belarus và tiến vào Ukraine khi phát động chiến dịch ngày 24/2/2022, đồng thời chấp nhận để Moskva bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ. Dù vậy, đến nay, ông vẫn cam kết rằng Belarus sẽ không tham gia trực tiếp vào giao tranh.
Giới phân tích đánh giá việc Belarus can dự sâu hơn vào vấn đề Ukraine có thể thổi bùng cơn giận dữ trong công chúng và làm tổn hại hình ảnh của Tổng thống Lukashenko.
Belarus có đường biên giới dài 1.000 km với Ukraine. Nhiều người dân nước này có họ hàng, bạn bè tại quốc gia láng giềng. Đa phần công chúng Belarus cũng tỏ ra thận trọng với cuộc xung đột ở Ukraine.
"Dân chúng Belarus không nhìn thấy bất kỳ ý nghĩa nào ở cuộc xung đột Nga - Ukraine", Svyatlana, quản lý 54 tuổi ở thành phố Luninets gần biên giới, nói.
Quân đội Belarus gần đây thành lập một đơn vị phòng không mới ctrong thành phố Luninets và "nỗi sợ hãi chiến sự đang bao trùm" khi quân số lực lượng này dần tăng lên, bà cho biết thêm.
Nhà phân tích quân sự Aliaksandr Alesin cho rằng nếu quân đội với 45.000 binh sĩ của Belarus được điều động tới Ukraine, "rất nhiều người có thể sẽ từ chối tuân theo mệnh lệnh".
Dù đồng ý để Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ, Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh động thái trên chỉ nhằm bảo vệ Belarus trước cái mà ông gọi là kế hoạch gây hấn từ NATO và âm mưu của phương Tây nhằm chống lại Minsk.
"Họ không ném bom các quốc gia có vũ khí hạt nhân", lãnh đạo Belarus gần đây nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết việc xây dựng các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sẽ hoàn thành trước ngày 1/7. Nga đã sửa đổi loạt máy bay quân sự Belarus để chúng có thể mang vũ khí hạt nhân và cung cấp cho Minsk tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân.
Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Minsk đã lưu trữ khoảng 2/3 kho tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân của Moskva, Alesin cho biết, thêm rằng hàng chục kho lưu trữ từ thời Liên Xô vẫn có thể được tái sử dụng. Sau khi Liên Xô tan rã, vũ khí hạt nhân tại Belarus, Ukraine và Kazakhstan được chuyển đến Nga theo một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian.
"Belarus từng là một pháo đài hạt nhân của Liên Xô, và giờ đây, Tổng thống Putin và Lukashenko đã quyết định không chỉ khôi phục mà còn củng cố nó", Alesin nói. "Từ Belarus, các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Nga có thể vươn tới Ukraine, toàn bộ lãnh thổ Ba Lan, vùng Baltic và một phần của Đức. Vì thế 'ban công hạt nhân Belarus' này sẽ khiến các chính trị gia phương Tây lo lắng trong thời gian tới".
Lãnh đạo phe đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya nhận định việc cho phép Nga bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus sẽ tạo ra rủi ro cho người dân nước này.
"Cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân, Belarus sẽ trở thành mục tiêu trong trường hợp căng thẳng leo thang và gây nguy hiểm nghiêm trọng đến người dân Belarus", Tsikhanouskaya nói, thêm rằng điều này sẽ chỉ khiến phương Tây siết chặt hơn các lệnh trừng phạt với Minsk và Moskva.
Những biện pháp trừng phạt này đang làm tê liệt nền kinh tế Belarus, vốn đã sụt giảm 4,7% vào năm ngoái. Tổng thống Lukashenko kỳ vọng mức tăng 70% trong thương mại với Nga năm 2022 có thể làm dịu tác động tiêu cực và mong muốn Belarus sẽ thu được lợi nhuận từ đơn đặt hàng của Moskva về thiết bị điện tử và các thành phần công nghệ cao khác cho hệ thống vũ khí.
Alesin cho hay Moskva đang cung cấp cho Minsk "những khoản vay và năng lượng giá rẻ, đồng thời mở ra thị trường rộng lớn để đổi lấy cơ hội tiếp cận cơ sở hạ tầng quân sự của Belarus".
Một phần trong 300.000 quân dự bị Nga huy động vào mùa thu năm ngoái đang được huấn luyện trên các thao trường ở Belarus. Tổng thống Lukashenko cho biết 500 sĩ quan nước này đang giúp huấn luyện binh sĩ Nga tại các trại dã chiến bên cạnh doanh trại quân đội Belarus.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây đến thăm lực lượng biên phòng ở vùng Volyn, phía tây bắc đất nước, kêu gọi cảnh giác trước khả năng quân Nga xâp nhập từ Belarus.
"Chúng ta chưa thấy bất kỳ động thái chuẩn bị nào ở Minsk và Tổng thống Lukashenko đến nay vẫn cho thấy ông không muốn bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu với Ukraine, nhưng tình hình có thể thay đổi khi Belarus ngày càng quân sự hóa", nhà phân tích quân sự Ukraine Oleh Zhdanov nhận xét. "Ông Lukashenko sẵn sàng cho Nga bất cứ thứ gì họ muốn, ngoại trừ binh lính Belarus. Nhưng Kiev thực sự lo lắng về việc quân đội Nga gia tăng hiện diện ở Belarus".
Nhà phân tích chính trị Belarus Valery Karbalevich cho rằng việc Minsk liên quan ngày càng nhiều vào cuộc xung đột Nga - Ukraine đang khiến tâm lý hoang mang lan rộng trong dư luận nước này.
Theo Karbalevich, dù Minsk từ chối tham chiến, Kiev vẫn phải duy trì quân số đáng kể ở biên giới Belarus, đề phòng một cuộc tấn công khác từ hướng này.
"Nếu tham chiến, quân đội Belarus sẽ khó tạo ra nhiều thay đổi trên chiến trường, nhưng Điện Kremlin cần tiếp tục cho Kiev và phương Tây thấy rằng mối đe dọa từ Belarus vẫn còn", ông nói. "Sử dụng Minsk làm trung tâm quân sự, Nga sẽ vẫn giữ được mối đe dọa thường xuyên về khả năng Belarus tham chiến, từ đó duy trì áp lực lên Ukraine".
Vũ Hoàng (Theo AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét