Giáo hoàng Francis sẽ cho phép phụ nữ lần đầu tiên trong lịch sử được bỏ phiếu tại Thượng Hội đồng Giám mục ở Rome vào tháng 10.
"Đây không phải cuộc cách mạng, mà là một thay đổi quan trọng", Ban Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục nhấn mạnh trong cuộc họp báo tại văn phòng báo chí Tòa thánh ngày 26/4. Thượng Hội đồng Giám mục là hội nghị tập hợp các giám mục hàng đầu trên thế giới để đóng góp ý kiến và cố vấn cho Giáo hoàng.
Theo quy định mới, Giáo hoàng Francis sẽ cho phép 70 thành viên không phải giám mục bỏ phiếu về các vấn đề kiến nghị với Giáo hoàng tại Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10 tại Rome.
Nhóm 70 người này gồm có các linh mục, nữ tu, phó tế, giáo dân, được các hội đồng giám mục quốc gia đề bạt, trong đó 1/2 là phụ nữ. Tất cả 70 người đều có quyền biểu quyết. Thượng Hội đồng tại Rome có hơn 400 người tham gia, trong đó có 370 thành viên được quyền bỏ phiếu.
Đây được xem là thay đổi đáng chú ý, theo mục tiêu của Giáo hoàng Francis nhằm đưa nữ giới vào các vị trí quan trọng tại Vatican. Trước đây, phụ nữ được phép tham gia Thượng Hội đồng nhưng với tư cách dự thính và không có quyền bỏ phiếu.
Tháng 3/2022, Giáo hoàng công bố cải cách mang tính bước ngoặt, cho phép bất kỳ giáo dân nào đã được rửa tội, kể cả phụ nữ, có thể đứng đầu hầu hết các cơ quan của Vatican. Tháng 7/2022, ông bổ nhiệm ba phụ nữ vào một ủy ban cố vấn, hỗ trợ ông lựa chọn các giám mục trên thế giới.
Các nhóm phụ nữ trong Giáo hội nhiều năm qua đã đấu tranh vì quyền bỏ phiếu tại các Thượng Hội đồng. Hội nghị của các giám mục ở Rome sẽ thảo luận về tầm nhìn của giáo dân trên toàn cầu về tương lai Giáo hội.
Đức Trung (Theo Reuters, Vatican News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét