Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

Những phụ nữ Hàn Quốc khác xa phim ảnh

Phim truyền hình xứ kim chi đã tự "đóng khung" các nhân vật nữ nước mình, gây ra nhiều hiểu lầm cho khán giả toàn cầu.

Với đôi mắt thiên thần, gương mặt trong veo và mái tóc óng mượt, nữ juingong (từ chỉ nhân vật chính trong tiếng Hàn) của các bộ phim truyền hình xứ kim chi luôn là tâm điểm chú ý. Kiểu nhân vật này còn gây ấn tượng bởi phong thái lạc quan, vui vẻ và luôn biết cách chiếm lấy trái tim các oppa (từ gọi anh trai, người yêu).

Do đó, khán giả thường xuyên bày tỏ sự ghen tỵ, ao ước được trở thành người như các nữ juingong. Tuy nhiên, đời sống thực tế của phụ nữ Hàn Quốc không màu hồng như cách phim ảnh khắc họa.

Dưới đây là sự thật về 5 khuôn mẫu thường thấy về nữ giới trên các bộ K-drama, theo Strait Times.

Cô gái ngổ ngáo

Hình tượng “nữ anh hùng” xấc xược, có khuynh hướng hành xử bạo lực trở thành cơn sốt sau thành công của phim hài lãng mạn My Sassy Girl, ra mắt năm 2001.

Những hành động bắt nạt bạn trai của juingong khiến khán giả thích thú và ngưỡng mộ, ước được trở thành người mạnh mẽ tương tự. Sức ảnh hưởng của kiểu nhân vật chính này lớn đến mức phim được làm mới vào năm 2008 và 2017.

Thực tế, phụ nữ ở Hàn Quốc lại có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của bạo lực hẹn hò, thay vì là thủ phạm.


Những phụ nữ Hàn Quốc khác xa phim ảnh-1Hình tượng cô nàng ngổ ngáo được yêu thích trên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc. Ảnh minh họa: GooglePlay.


Theo số liệu của cảnh sát nước này, có 3.173 vụ bạo hành nữ giới khi yêu đương trong năm 2018. Đến năm 2021, tổng số ca đã vượt mốc 10.000.

Một nghiên cứu riêng của chính phủ xứ kim chi tiết lộ rằng cứ 3 phụ nữ trưởng thành lại có một người từng bị tấn công về thể xác, tinh thần hoặc cả hai. 50% thủ phạm là bạn trai hiện tại hoặc tình cũ quay lại bạo hành.

Phụ nữ Hàn Quốc cũng đối mặt với tình trạng tội phạm tình dục kỹ thuật số: từ quay lén, trả thù khiêu dâm cho đến các đường dây tình dục trực tuyến. Do đó, dù hình tượng cô nàng ngổ ngáo luôn được yêu thích, nữ giới nước này vẫn chưa thực sự tìm được cách chống trả hoặc xử lý triệt để những mối nguy kể trên.

Người mẹ hy sinh

Trong các bộ K-drama, omma (từ gọi mẹ trong tiếng Hàn) thường được mô tả là người phụ nữ tần tảo, đặt lợi ích của chồng và các con lên hàng đầu.

Họ chen lấn nhau trong các siêu thị để tranh hàng giảm giá, luôn nấu một bàn đầy thức ăn cho bữa sáng và tối. Những buổi tụ tập kéo dài nhiều giờ đồng hồ giữa các omma để trao đổi thông tin về bất kỳ ai trong khu phố là tình tiết dễ thấy trong nhiều phim truyền hình.

Đặc biệt, vì đặt lợi ích gia đình lên hàng đầu, họ quên chăm chút cho bản thân. Cuối cùng, hôn nhân của các omma đổ vỡ vì một cô gái trẻ trung, quyến rũ nào đó.

Theo phóng viên Chang May Choon, kiểu phụ nữ này vẫn tồn tại trong xã hội Hàn Quốc.

Những phụ nữ Hàn Quốc khác xa phim ảnh-2
Các omma bị "đóng khung" với hình tượng tần tảo, bỏ qua nhu cầu cá nhân vì chồng con. Ảnh minh họa: Phim Kim Ji-young, Born 1982.


Song, với sự hỗ trợ của công nghệ, cuộc sống của họ không quá khổ sở như phim ảnh đóng khung. Chẳng hạn, các omma đã sớm “đi chợ” bằng ứng dụng mua sắm, tận dụng thực phẩm dạng ăn liền nhằm tiết kiệm thời gian, công sức.

“Mỗi khi đi ngang khu Gangnam, không khó để bạn bắt gặp nhóm các bà mẹ ăn mặc sành điệu, tụ tập trong quán cà phê sang trọng. Câu chuyện của họ xoay quanh những món đồ hiệu và cuộc sống đủ đầy, thay vì cực khổ, hy sinh quá nhiều như trên phim”, Chang nói.

Kẻ đào mỏ

Người hâm mộ phim dài tập Hàn Quốc vốn đã quen với hình tượng “hồ ly tinh” - những cô gái trẻ, đẹp, mưu toan phá hoại hôn nhân của ai đó để chiếm tài sản. Trên màn ảnh, họ luôn diện trang phục sexy, cố tình khoe đường cong và mang phong thái lẳng lơ. Nhiều trường hợp, kiểu nhân vật này được gọi là kkot-baem (nghĩa đen là rắn hoa, ám chỉ một kẻ đào mỏ).

Thực tế, ngoại hình của kkot-baem có thể rất bình thường, giản dị. Thay vì lừa đảo bằng nhan sắc, họ tận dụng khả năng thuyết phục và sự chăm sóc tận tình. Do đó, khó nhận ra kiểu người này nếu chỉ dựa vào những yếu tố thường thấy trong phim.

Mẹ chồng “ác mộng”

Phim truyền hình Hàn Quốc tràn ngập những câu chuyện kịch tính về cách mẹ chồng (sieomeoni) hành hạ vợ mới cưới của con trai.

Trong khi đó, ai cũng hiểu rằng không phải sieomeoni nào cũng xấu tính. Nhiều người chiều chuộng, yêu thương con dâu như ruột thịt, sẵn sàng làm việc nhà, chăm cháu để con dâu đi làm hoặc nghỉ ngơi.

Tác giả Chang May Choon thừa nhận đã từng có thành kiến với mẹ chồng dưới ảnh hưởng của phim ảnh. Song, cô nhanh chóng tìm được nhiều điểm chung và trở thành một người bạn nhỏ tuổi của bà. Tương tự, nhiều bạn bè của Chang tại Hàn Quốc cũng được mẹ chồng đứng ra bảo vệ trong nhiều tình huống xung đột gia đình.

Bà thím nhiều chuyện

Với những lọn tóc xoăn bồng bềnh và bộ quần áo nhiều họa tiết, các ajumma luôn nổi bật giữa đám đông. Từ tiếng Hàn này dùng để chỉ một phụ nữ ở độ tuổi trung niên, thường đã có gia đình.

Trên phim, kiểu nhân vật này luôn buôn chuyện và tạo ra tình tiết hài hước. Thậm chí, thái độ hung hăng, bất hợp tác một cách ngớ ngẩn của họ luôn được khán giả trông đợi.


Những phụ nữ Hàn Quốc khác xa phim ảnh-3
Các "ajumma" thường có mái tóc xoăn ngắn, mặc đồ sặc sỡ và rộng. Ảnh minh họa: Elie Souffan.


Tuy nhiên, từ ajumma không mang lại cảm giác trìu mến như vậy trong đời thực. Nhiều phụ nữ sẽ thấy tức giận nếu bị gọi như vậy, bởi các ajumma thường được “đóng khung” với hình ảnh ít học, thô lỗ, lắm lời.

Tháng 3/2023, một phụ nữ 37 tuổi ở tỉnh Gyeonggi đã rút dao đâm hai phụ nữ lớn tuổi và một người đàn ông trên tàu điện ngầm vì bị những người này gọi là ajumma.

"Tôi tránh gọi phụ nữ lớn tuổi như vậy, thay vào đó là 'imo' (dì)", Lee Bo-ra (36 tuổi) nói với Korea Herald.

Phụ nữ ở độ tuổi của Lee cũng là nhóm khó tìm kính ngữ thích hợp để xưng hô. Bị gọi là ajumma sẽ mang ngụ ý rằng họ không còn giống như một agassi - phụ nữ trẻ, độc thân.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/9mw1JWA

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét