Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

Mỹ hoài nghi về tương lai đàm phán xung đột Ukraine

Tài liệu tình báo bị rò rỉ cho thấy Mỹ tin rằng Nga - Ukraine chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi một trong hai bên "kiệt sức", điều khó xảy ra trong năm 2023.

Cuộc chiến khốc liệt giữa Nga và Ukraine dự kiến kéo dài sang năm 2024, khi không bên nào có thể tung ra đòn quyết định nhưng đều từ chối đàm phán chấm dứt xung đột. Đây là đánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA), được tiết lộ trong vụ rò rỉ tài liệu mật đang làm dậy sóng nước Mỹ.

DIA cho rằng ngay cả khi Ukraine tiến hành chiến dịch phản công quy mô lớn và giành lại đáng kể lãnh thổ, đồng thời gây tổn thất cho lực lượng Nga, điều đó cũng không dẫn tới các cuộc đàm phán hòa bình.

"Trong bất kỳ kịch bản nào, các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột khó có thể diễn ra trong năm 2023", bản đánh giá nêu rõ.

Khi được hỏi về đánh giá của DIA, một quan chức Mỹ nói rằng quyết định về thời điểm đàm phán phụ thuộc vào Tổng thống Volodymyr Zelensky và người dân Ukraine. Quan chức này thêm rằng Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với Kiev và cung cấp những thiết bị, vũ khí cần thiết để Ukraine củng cố vị thế trên bàn đàm phán nếu nó xảy ra.

Quân y Ukraine sơ tán người lính bị thương khỏi tiền tuyến gần Bakhmut ngày 8/3. Ảnh: AFP

Quân y Ukraine sơ tán người lính bị thương khỏi tiền tuyến gần Bakhmut ngày 8/3. Ảnh: AFP

Đánh giá của DIA cho rằng năm 2023 sẽ kết thúc với việc cả Nga và Ukraine chỉ đạt được những lợi ích lãnh thổ nhỏ, do không đủ quân số và nguồn lực để tiến hành những chiến dịch tấn công hiệu quả. Bởi vậy, tình báo Mỹ nhận định những gì diễn ra tiếp theo là tình trạng bế tắc kéo dài trên chiến trường.

Trong tình trạng bế tắc này, không bên nào đạt được lợi thế mang tính quyết định, mà cả Nga và Ukraine đều chỉ có thể tiến hành các hoạt động tiêu hao sinh lực đối phương.

Đối với Ukraine, cuộc chiến tiêu hao tiếp diễn sẽ gây ra nhiều thất vọng trong nước cùng những lời chỉ trích về cách tiến hành cuộc chiến, khiến "thay đổi về lãnh đạo có khả năng xảy ra", theo tài liệu bị rò rỉ của tình báo Mỹ.

Không rõ tài liệu này đề cập tới thay đổi lãnh đạo trong giới chính trị hay quân sự. Ông Zelensky vẫn được ủng hộ rộng rãi ở Ukraine, nhưng căng thẳng đã xuất hiện giữa văn phòng Tổng thống và tướng Valery Zaluzhny, người đứng đầu lực lượng vũ trang Ukraine.

Tình trạng bế tắc cũng có thể khiến Ukraine ban bố lệnh "tổng động viên", huy động nhóm dân số đủ điều kiện còn lại để gửi ra chiến trường, DIA dự đoán. Ukraine có thể sẽ tăng cường các cuộc tấn công lãnh thổ Nga, động thái khiến quan chức Mỹ lo ngại có thể buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin leo thang xung đột hoặc cho Trung Quốc lý do để hỗ trợ Nga.

Về phía Nga, tình trạng bế tắc sẽ khiến Moskva phải sử dụng các nguồn lực dự trữ do sức chiến đấu suy giảm. Điện Kremlin cũng có thể tăng cường nỗ lực sáp nhập thêm các vùng lãnh thổ Ukraine vào Nga.

"Đó luôn là cuộc đua xem ai cạn nguồn lực trước", Heather Conley, chủ tịch Quỹ German Marshall, trụ sở ở Mỹ, nói. Bà đồng tình với lập luận của tình báo Mỹ rằng đàm phán sẽ chỉ bắt đầu khi một trong hai bên "kiệt sức", nhưng viễn cảnh này còn khá xa vời.

Jeff Rathke, nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng đánh giá của DIA "thể hiện nhận thức tỉnh táo" về khả năng hai bên khó có thể tập hợp đủ sức mạnh quân sự để tung đòn quyết định nhằm giành hiệu quả chiến lược.

Tài liệu rò rỉ của DIA cũng phân tích những gì có thể xảy ra nếu Nga hoặc Ukraine đạt được "lợi thế quyết định" trên chiến trường. Trong trường hợp Nga giáng đòn mạnh vào Ukraine và giành được nhiều lãnh thổ hơn, Moskva có khả năng "huy động quân để đạt các mục tiêu xa hơn" ở Ukraine.

Tuy nhiên, trong kịch bản Ukraine phản công thành công và giành lợi thế quyết định, tình báo Mỹ tin rằng Kiev có khả năng "tiến hành các hoạt động tấn công mạo hiểm hơn để đạt thêm lợi ích". Đáp lại, Nga có thể tăng cường các cuộc tấn công phi truyền thống vào Ukraine, dù kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân khó có thể xảy ra.

Các quan chức tình báo Mỹ dự đoán rằng thay vì dễ dàng từ bỏ các vùng lãnh thổ đang kiểm soát, Điện Kremlin sẽ quyết định công bố đợt động viên lực lượng mới để duy trì các hoạt động chiến đấu tiếp theo.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng cảnh báo những phân tích liên quan tới xung đột Ukraine luôn thay đổi và các tài liệu bị rò rỉ có thể không cho thấy đầy đủ các khía cạnh phân tích khác sau đó. Tài liệu bị rò rỉ tiết lộ rằng kịch bản chiến trường bế tắc, được cho là khả thi nhất trong năm nay, có thể không xảy ra nếu Nga hoặc Ukraine có những bước tiến đáng kể về năng lực quân sự.

Cả hai bên đều chuẩn bị tăng cường giao tranh khi thời tiết ấm áp hơn, dù các quan chức ở Kiev và lực lượng tiền tuyến phàn nàn về nhiều vấn đề hậu cần, làm chậm quá trình bàn giao vũ khí hạng nặng của phương Tây.

Cục diện xung đột Ukraine. Đồ họa: Washington Post

Cục diện xung đột Ukraine. Đồ họa: Washington Post

Tuy nhiên, loạt tài liệu bị rò rỉ cho thấy điều nhất quán nhất trong quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden về xung đột Ukraine là nỗi hoài nghi sâu sắc về triển vọng đàm phán hòa bình.

Cả Nga và Ukraine đều không loại trừ khả năng đàm phán, nhưng những yêu cầu hiện nay của họ quá khác biệt. Kế hoạch hòa bình 10 điểm được Tổng thống Zelensky công bố năm ngoái yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn khỏi "lãnh thổ Ukraine", trong đó có bán đảo Crimea mà Moskva sáp nhập năm 2014.

Trong khi đó, Nga nhấn mạnh Ukraine phải thừa nhận "thực tế lãnh thổ" mới, công nhận các vùng mà Moskva đã sáp nhập như Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson. Đây là điều mà cả Ukraine và Mỹ đều không chấp nhận trong tình hình hiện nay.

Thanh Tâm (Theo Washington Post)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét