Vua Anh sẽ đội vương miện St Edward trong lễ đăng quang tại Tu viện Westminster và đổi sang vương miệng Nhà nước Hoàng gia khi trở về Cung điện Buckingham.
Vua Anh Charles III đã kế vị ngai vàng vào ngày 10/9/2022, sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Lễ đăng quang của ông được tổ chức vào ngày 6/5. Nhà vua sẽ đến Tu viện Westminster, ngồi trên ngai St Edward, được xức dầu thánh và đội vương miện St Edward.
Vương miện St Edward được chế tạo vào năm 1661, cao 30 cm, làm từ vàng đúc liền, nạm hồng học, thạch anh tím, ngọc bích, ngọc hồng lựu, đá topaz, đá cầu vồng và bọc nhung tím. Vành mũ là một dải lông chồn.
"Đây thực sự là biểu tượng thiêng liêng của quyền lực và nền quân chủ. Có nhiều tiền đến mấy cũng không thể chạm tay vào hồng ngọc và ngọc bích có chất lượng tuyệt vời đến thế này", Eddie LeVian, giám đốc điều hành của thương hiệu đá quý Le Vian, nhận xét.
Vương miện vốn được chế tác cho Vua Charles II, người cầm quyền từ năm 1660 đến năm 1685. Những thế kỷ sau đó, vương miện chỉ được sử dụng trong các lễ đăng quang vì quá nặng. Các thợ kim hoàn hoàng gia đã làm nó nhẹ đi cho lễ đăng quang của Vua George V năm 1911, nhưng vẫn nặng tới 2,23 kg.
Lần gần nhất vương miện St Edward được sử dụng là trong lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II năm 1953. Điện Buckingham thông báo họ đã thay đổi kích thước vương miện để phù hợp với cỡ đầu của Vua Charles III, song không nêu chi tiết.
Sau khi kết thúc nghi lễ tại Tu viện Westminster, ông Charles sẽ ngồi xe ngựa trở về Cung điện Buckingham và xuất hiện trên ban công để chào người dân. Trong quá trình này, ông sẽ đội vương miện Nhà nước Hoàng gia, chiếc nhẹ hơn vương miện St Edward và thường được sử dụng trong các dịp như khai mạc quốc hội.
Vương miện này được chế tác năm 1937, phục vụ lễ đăng quang của Vua George VI, cha của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Vương miện cao 31,5 cm, nặng 1,06 kg, được nạm tổng cộng 2.868 viên kim cương, 269 viên ngọc trai, 17 viên ngọc bích, 11 viên ngọc lục bảo và 4 viên hồng ngọc, trong đó có những viên đá nổi tiếng nhất của hoàng gia, như hồng ngọc Black Prine, ngọc bích St Edward và viên kim cương Cullinan II.
Cullinan II là viên kim cương chính ở mặt trước vương miện, được cắt từ viên kim cương lớn nhất từng được phát hiện.
Hồng ngọc Black Prince và ngọc bích St Edward được cho là hai viên đá quý giá nhất trên vương miện. Chúng từng được hoàng gia Anh gỡ ra và giấu trong hộp bánh quy, chôn dưới đất để tránh lọt vào tay phát xít Đức trong Thế chiến II.
Chiến dịch chôn giấu này được tiến hành hoàn toàn bí mật tại Lâu đài Windsor, ngay cả Nữ hoàng Elizabeth II, lúc đó mới là công chúa 14 tuổi, cũng không hay biết.
Nữ hoàng Elizabeth II từng nói đùa rằng vương miện nặng đến nỗi "sẽ làm gãy cổ nếu người đội cúi xuống". "Khi đội nó, tôi không thể nhìn xuống để đọc diễn văn, mà phải giơ bài phát biểu lên cao", bà cho biết.
Nữ hoàng Elizabeth II đã ngừng đội vương miện này trong các lễ khai mạc quốc hội từ những năm 1990. Kể từ đó, nó được đặt trên một tấm đệm nhung mỗi lần xuất hiện cùng Nữ hoàng, sau đó được lưu giữ cùng nhiều trang sức giá trị khác ở Tháp London.
Vào tháng 5/2022, Nữ hoàng Elizabeth II đã lần đầu tiên không dự khai mạc quốc hội trong 60 năm. Ông Charles, khi đó là thái tử, tham dự thay mặt mẹ. Chiếc vương miện Nhà nước Hoàng gia Anh được đặt trên tấm đệm nhung ở bên cạnh ông.
"Dù có nhiều bất tiện khi đội vương miện, đây là báu vật rất quan trọng với hoàng gia", Nữ hoàng Elizabeth II nói trong cuộc phỏng vấn năm 2018.
Đức Trung (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét