Cảnh sát Australia treo thưởng một triệu USD cho người cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt, kết án trong vụ cậu bé mất tích gần 50 năm trước.
James Patrick Taylor, thường gọi là Jimmy, mất tích ngày 29/8/1974 sau khi đi bộ từ nhà ở thị trấn Derby, vùng Kimberley, bang Tây Australia đến cửa hàng Lwoys cách đó gần một km, CBS News ngày 31/5 dẫn thông tin từ cảnh sát Tây Australia cho hay.
Taylor khi đó 12 tuổi, tính cách độc lập, vui vẻ, vô tư, luôn mang theo bên mình chiếc lược chải tóc bằng nhựa. Cậu sống cùng cha mẹ, 5 anh chị em và những người họ hàng. Taylor từng nhiều lần đi mua hàng tạp hóa cho gia đình một mình và cửa hàng Lwoys là nơi cậu hay lui tới.
Lần cuối cùng nhân chứng nhìn thấy Taylor là khi cậu lên chiếc xe tối màu bên ngoài cửa hàng Lwoys, sau khi vào mua nước ngọt. Nhân chứng mô tả nam tài xế khoảng 25-35 tuổi "kiên quyết yêu cầu Jimmy lên xe". Taylor khi đó đi chân trần và mặc áo thun không tay màu xám, quần đùi bóng đá màu đen.
Gia đình Taylor tưởng rằng cậu bé tới thăm người bạn ở trại chăn nuôi gia súc Myroodah, cách Derby khoảng 90 phút đi ôtô, và cho rằng Taylor sẽ không về nhà trong đêm. Đến ngày 5/9/1974, cha của Taylor báo cảnh sát rằng cậu bé mất tích.
Taylor sau đó không liên lạc với gia đình hay bạn bè. Cảnh sát không xác định được nghi phạm liên quan vụ mất tích này.
Đến nay, sau gần nửa thế kỷ, cảnh sát kêu gọi bất kỳ ai có thông tin hãy liên hệ trực tiếp với đơn vị ngăn chặn tội phạm của Cảnh sát Tây Australia hoặc gửi thông tin trực tuyến.
Trường hợp của Taylor là một trong 64 vụ án mất tích và giết người chưa được giải quyết ở Tây Australia. Nhiều vụ án liên quan trẻ em và thanh thiếu niên cũng tồn đọng từ những năm 1970. Nhiều nạn nhân không bao giờ được tìm thấy.
Cảnh sát gần đây thông báo chính quyền sẽ trao thưởng một triệu USD cho những người cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt và kết án thủ phạm của bất kỳ vụ án nào nói trên.
"Lực lượng cảnh sát Tây Australia luôn coi mọi vụ án đều quan trọng như nhau", Paul Papalia, lãnh đạo cảnh sát Tây Australia, cho biết tại cuộc họp báo tuần trước.
Thủ đô Moskva được bố trí nhiều lớp phòng không để đánh chặn tên lửa đạn đạo và máy bay cỡ lớn, nhưng khó đối phó UAV cỡ nhỏ.
Hai máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ hôm 30/5 lao vào các chung cư ở tây nam thủ đô Moskva của Nga. Bộ Quốc phòng Nga cho biết tổng cộng 8 UAV đã tấn công Moskva trong vụ tập kích, toàn bộ đều bị tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 tiêu diệt hoặc bị các hệ thống tác chiến điện tử làm chệch hướng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết lực lượng phòng thủ Moskva đã hoạt động hiệu quả, nhưng thêm rằng "cần tăng mật độ hệ thống phòng không". Tuyên bố của ông Putin được coi là sự thừa nhận rằng lưới phòng không ở Moskva vẫn tồn tại những lỗ hổng nhất định.
Kể từ thập niên 1980, quân đội Liên Xô đã triển khai mạng lưới phòng không đa tầng để bảo vệ thủ đô Moskva khỏi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và oanh tạc cơ mang bom hạt nhân của Mỹ.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, các hệ thống này liên tục được Nga duy trì và hiện đại hóa thành lưới phòng không dày đặc quanh thủ đô Moskva, nhưng chủ yếu được thiết kế để đối phó vũ khí chiến lược và tên lửa tầm xa, mà không chú trọng tới mối đe dọa từ các UAV hạng nhẹ vốn ngày càng phổ biến trên chiến trường hiện đại.
Chịu trách nhiệm bảo vệ thủ đô Moskva hiện nay là Tập đoàn quân Phòng không và Phòng thủ tên lửa Đặc nhiệm số 1, trực thuộc Không quân Vũ trụ Nga. Đây là đơn vị cấp chiến lược, gồm hai sư đoàn phòng không, một sư đoàn phòng thủ tên lửa đạn đạo và các đơn vị phụ trợ.
Lá chắn tầm xa nhất của mạng lưới bảo vệ Moskva là tổ hợp A-135 "Amur" được triển khai năm 1995 và thuộc biên chế Sư đoàn Phòng thủ tên lửa đạn đạo số 9. Hệ thống Amur có khả năng đánh chặn ICBM đơn lẻ hoặc phóng theo loạt lớn, nhằm đối phó với học thuyết quân sự Mỹ, vốn luôn ưu tiên đánh phủ đầu bằng số lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm xa để làm quá tải hệ thống phòng thủ đối phương.
Nga đang triển khai 5 trận địa thuộc hệ thống A-135 tại tỉnh Moskva, mỗi trận địa có 12-16 tên lửa đánh chặn 53T6. Nga từng thử nghiệm biến thể hiện đại hóa của tên lửa này hồi năm 2018, cho thấy nó có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo đang lao tới mục tiêu ở độ cao 5-30 km và tầm xa 80 km, đạt tốc độ tối đa 21.000 km/h chỉ trong vòng ba giây sau khi phóng.
Lớp phòng thủ thứ hai do Sư đoàn phòng không số 4 và 5 phụ trách. Mỗi đơn vị được biên chế 4 trung đoàn tên lửa S-400 và S-300PM tới tầm bắn 200-400 km, cùng hệ thống pháo - tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S1. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi tháng 3 cho biết các đơn vị này sẽ được biên chế thêm hệ thống S-350 với nhiều tính năng vượt trội.
Lớp phòng thủ thứ ba gồm hàng loạt hệ thống Pantsir-S1 đã được triển khai trong nội thành Moskva từ đầu năm nay, trong đó ít nhất một hệ thống đặt trên nóc trụ sở Bộ Quốc phòng Nga. Đây là các tổ hợp phòng không tầm ngắn, được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quan trọng nhất định.
Video được chia sẻ trên mạng xã hội hôm 30/5 cho thấy tổ hợp Pantsir-S1 phóng tên lửa đánh chặn UAV ở ngoại ô thủ đô Moskva, trong khi các hệ thống phòng không tầm xa và tầm trung không được kích hoạt.
Quân đội Nga cũng bố trí nhiều hệ thống tác chiến điện tử bảo vệ Moskva, nhưng không tiết lộ thông tin về hoạt động của chúng. Truyền thông Nga đưa tin một số hệ thống Pole-21, được phát triển để đối phó UAV, tên lửa hành trình và bom sử dụng hệ thống định vị vệ tinh (GPS), đã xuất hiện tại Moskva từ năm 2016, nhưng Bộ Quốc phòng Nga chỉ xác nhận thông tin sau đó ba năm.
Hệ thống Pole-21 ứng dụng thiết kế mô-đun, gồm nhiều đài thu phát tín hiệu và gây nhiễu R-340RP, có thể được lắp đặt trên cột ăng ten viễn thông dân sự hoặc khung gầm xe tải quân sự để tăng khả năng cơ động. Các đài được kết hợp vào mạng lưới tác chiến thống nhất để bảo đảm khả năng bao phủ khu vực rộng lớn.
Đài gây nhiễu cơ bản của Pole-21 được trang bị ba ăng ten, mỗi chiếc có thể vô hiệu hóa tín hiệu vệ tinh trong khu vực có hình rẻ quạt rộng 125 độ, cao 25 độ và bán kính 25-80 km. Mỗi hệ thống Pole-21 có thể kết nối với 100 ăng ten riêng biệt, bao phủ khu vực có diện tích 22.500 km2.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng mạng lưới phòng không đa tầng của Moskva rất uy lực, nhưng vẫn tồn tại một số nhược điểm có thể bị đối phương khai thác.
Ian Williams, chuyên gia tại Chương trình Phòng thủ Tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ, cho rằng các hệ thống A-135, S-300, S-400 và Pantsir-S1 đều ra đời từ trước khi UAV cỡ nhỏ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng trên chiến trường.
"Chúng được thiết kế để đối phó mục tiêu cỡ lớn, có thể phát hiện từ xa như ICBM và oanh tạc cơ. Tổ hợp Pantsir-S1 có khả năng bắn hạ UAV nhỏ và flycam, nhưng đây không phải nhiệm vụ tối ưu của nó", ông nói.
Giới chuyên gia Nga cũng thừa nhận hiệu quả tác chiến của Pantsir-S1 và Pole-21 giảm đáng kể tại những khu vực đông dân cư và dày đặc tín hiệu vệ tinh, khi đối phương có thể lợi dụng các tòa nhà cao tầng để che giấu lộ trình tiếp cận mục tiêu.
"Để đối phó hiệu quả với đòn tập kích bằng UAV cỡ nhỏ, quân đội Nga phải vô hiệu hóa mục tiêu trước khi chúng tiếp cận thành phố. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, do diện tích lãnh thổ Nga quá lớn", Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) có trụ sở tại Moskva, nhận xét.
Bảo vệ không phận thủ đô Moskva cũng khó khăn hơn nhiều so với tiền tuyến Ukraine, do vùng trời thành phố vẫn có nhiều máy bay dân sự hoạt động. Điều đó tăng gánh nặng cho các kíp phòng không, khi họ phải liên tục theo dõi phi cơ dân sự và tìm kiếm mối đe dọa thực sự, đảm bảo không phạm bất cứ sai lầm nào.
UAV, nhất là những phi cơ hạng nhẹ dùng động cơ điện và chế tạo từ vật liệu nhựa, rất khó bị phát hiện bằng radar thông thường. Tốc độ chậm và tín hiệu phản xạ nhỏ cũng khiến chúng dễ bị nhầm với chim.
"Lực lượng phòng không đô thị thường thiết lập chế độ hoạt động đặc thù, trong đó bỏ qua mục tiêu có kích thước nhỏ hơn trực thăng. Nếu điều chỉnh radar để phát hiện những mục tiêu nhỏ hơn, như UAV hạng nhẹ, các khẩu đội phòng không có thể liên tục gặp báo động giả vì những đàn chim trên trời", ông Williams cho hay.
Các radar chuyên chống UAV được trang bị cơ sở dữ liệu để phân biệt phi cơ loại nhỏ với chim, đồng thời loại bỏ nhiễu tạp và nhiễu địa vật để tăng khả năng bám bắt. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của chúng là tầm hoạt động ngắn, chỉ được tối ưu để phát hiện và bám bắt mục tiêu trong bán kính vài km.
Trong khi đó, hệ thống Pole-21 có nhược điểm là không phân biệt được tín hiệu định vị vệ tinh của đồng minh và đối phương. Điều này khiến quân đội Nga không thể liên tục kích hoạt Pole-21 để bảo vệ Moskva khỏi đòn tấn công UAV, do chúng sẽ cản trở các hoạt động bình thường của người dân tại thủ đô.
"Những người thực hiện vụ tập kích bằng UAV hôm 30/5 dường như đã tận dụng tối đa lỗ hổng của hệ thống Pantsir-S1 và những tổ hợp phòng thủ triển khai quanh Moskva để tiếp cận mục tiêu, dù chúng cuối cùng vẫn phát huy hiệu quả trong đối phó những mối đe dọa này", Williams nhận xét.
Trùm Wagner Prigozhin yêu cầu công tố viên Nga điều tra "tội ác" của các quan chức quốc phòng nước này trước và trong chiến dịch ở Ukraine.
"Tôi đã gửi thư tới Ủy ban Điều tra và văn phòng công tố Liên bang Nga với yêu cầu xác định liệu quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng có phạm tội trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hay không", trùm Wagner Yevgeny Prigozhin nói ngày 31/5.
Ông Prigozhin cho biết thêm bức thư không được công khai vì các cơ quan điều tra sẽ giải quyết vấn đề này.
Trùm Wagner trước đó cũng bày tỏ bất bình về việc thủ đô Moskva bị máy bay không người lái (UAV) tập kích hôm 30/5. Ông đặt câu hỏi tại sao Bộ Quốc phòng lại để những chiếc UAV này tấn công thủ đô.
Ông Prigozhin nhiều lần chỉ trích giới lãnh đạo quân đội Nga, cáo buộc các chỉ huy là nguyên nhân khiến lực lượng của ông chịu thương vong nặng nề vì thiếu đạn dược, đặc biệt là tại chiến trường Bakhmut. Prigozhin đã chỉ trích đích danh Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, cáo buộc họ "phản bội". Hai quan chức chưa từng bình luận về những phát ngôn của trùm Wagner.
Wagner đã chiến đấu bên cạnh lực lượng chính quy của Nga ở Ukraine và dẫn đầu cuộc tấn công kéo dài nhiều tháng vào thành phố Bakhmut ở vùng Donbass. Prigozhin tóm tắt lập trường chính trị của mình rằng: "Tôi yêu tổ quốc, tôi phục vụ ông Putin, Shoigu nên bị phán xét và chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu".
Mặc váy cưới màu hoa hồng, Brittany Rist, 34 tuổi, đọc lời thề nguyện trước gương ở sân sau, trao nhẫn cho bản thân.
"Tôi đồng ý", Rist nói và cam kết yêu thương bản thân trong bất kỳ tình huống nào. "Tôi thề sẽ không bao giờ hạ thấp mình hay từ bỏ con người mình trong một mối quan hệ lãng mạn nào nữa. Tôi thề sẽ tôn trọng tiếng gọi con tim và sống cuộc đời như một tác phẩm nghệ thuật".
Thay vì chú rể, chờ đợi Rist là một chiếc bánh ngọt cạnh chai rượu sâm panh. Không có khách mời, không có chủ hôn, cô nâng cốc một mình. Nhiều tháng trước "lễ cam kết với tâm hồn", Rist chia tay bạn trai sau 9 năm bên nhau và có với nhau một người con.
Sau cuộc tình tan vỡ, cô bắt đầu tập trung chữa lành nội tâm và đăng ký trị liệu tâm lý. Vào một buổi chiều tháng 11/2021, tại nhà riêng ở Ozark, bang Missouri, cô kết thúc hành trình học cách yêu thương bản thân bằng lời cam kết trân trọng chính mình.
"Tôi nhận ra trong tình yêu và mối quan hệ với người khác, tôi không thể hiện hết và yêu thương bản thân trong suốt quá trình, khiến tôi thực sự khó khăn để nhận lại tình yêu từ người khác", cô nói. "Chúng ta đổ tất cả thời gian, tiền bạc và năng lượng vào hôn nhân với người khác, nhưng không bao giờ trao những điều đó cho chính mình".
"Tôi nghĩ, 'Tại sao không mua nhẫn cho mình nhỉ? Tại sao không yêu thương bản thân toàn thời gian và tổ chức một buổi lễ để khẳng định điều đó? Tôi cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh khi ngồi trước gương, cảm thấy rằng tôi yêu con người mình trọn vẹn, yêu cả những vết sẹo và những điều từng khiến tôi cảm thấy mình không đáng được yêu".
Khái niệm "Kết hôn với bản thân" đã tồn tại nhiều năm. Trong bộ phim Sex and the City phát sóng hồi tháng 8/2003, nhân vật Carrie Bradshaw tuyên bố sẽ tự kết hôn và đăng ký tại cửa hàng giày xa xỉ Manolo Blahnik.
Hiện chưa có thống kê bao nhiêu người đã kết hôn với bản thân. Những phụ nữ mà CNN phỏng vấn cho hay hành động này tượng trưng cho tình yêu chính mình, không đồng nghĩa là họ sẽ không kết hôn với người khác trong tương lai.
Một năm sau hôn lễ nói trên, Rist lấy người chồng hiện tại. Cô đeo chiếc nhẫn tự trao ở tay phải như lời nhắc nhở.
Những người chỉ trích cho rằng việc tự kết hôn là chứng ái kỷ. Hành động này không được Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào công nhận. Nhưng một chuyên gia tâm lý cho hay người ta có xu hướng cam kết yêu thương bản thân sau quá trình chữa lành nội tâm.
"Ngày càng nhiều người nhận ra họ cần chịu trách nhiệm về hạnh phúc của chính mình, rằng họ có thể sống cuộc đời ý nghĩa, thỏa mãn mà không cần trông chờ vào người yêu", nhà trị liệu John Amodeo nói.
Amodeo gọi xu hướng này là hình thức tự ái lành mạnh. Không có tình yêu bản thân, con người sẽ phụ thuộc vào người khác để cảm thấy mình có giá trị và xứng đáng.
"Thiếu yêu thương bản thân mới dẫn tới lòng tự ái không lành mạnh", ông nói. "Chúng ta khi đó sẽ liên tục cần được người khác công nhận để lấp đầy khoảng trống nội tâm".
Danni Adams lên kế hoạch kết hôn với bản thân vài năm trước. Cô muốn tổ chức một bữa tiệc lớn, mời những người cô yêu quý. Nhưng đại dịch ập tới khiến Adams hoãn kế hoạch. Thay vì tổ chức đám cưới, cô tìm đến một nhà trị liệu để cải thiện lòng tự tôn.
"Tôi mất vài năm để đầu tư vào bản thân, đi trị liệu, xử lý tổn thương", Adams, 30 tuổi, nói. "Khi tôi cảm thấy yêu quý bản thân, tôi nói với nhà trị liệu: 'Tôi muốn kết hôn với chính mình ngay bây giờ'".
Cô mời 40 khách tới dự đám cưới ngoài trời ở Sanford, Florida, hồi tháng 12/2022. Adams bước tới lễ đài, ca khúc Self Love của ca sĩ Jayson Lyric vang lên: "Tôi đang tự trau dồi. Tôi đang tự yêu mình. Tôi đã học được cách yêu bản thân".
Chi phí đám cưới hết 4.000 USD và có 9 phù dâu. Một người bạn làm chủ hôn cho cô. Giống Rist, cô đọc lời thề nguyện trước tấm gương phản chiếu toàn thân. Khi bước xuống lễ đài, Adams nghĩ về những điều đã dẫn dắt cô tới khoảnh khắc này.
"Tôi bắt đầu cuộc đời mới, vượt qua mọi điều từng xảy ra với tôi khi tôi còn nhỏ, mọi điều từng làm tôi tổn thương. Tôi làm chủ cuộc đời, niềm vui, lựa chọn. Đó là những gì tôi hướng đến", cô nói.
Sau đám cưới, Adams tự thưởng cho mình kỳ trăng mật ở Tulum, Mexico. Ngoài nhẫn, cô còn tặng cho mình một chiếc vòng cổ, hai vòng tay khắc chữ: "Người đẹp, ta sinh ra để làm chủ thế giới, tập trung vào những điều tốt lành".
Adams cho biết những người chỉ trích gọi hành động của cô là "lời cầu cứu". "Rất nhiều người nói tôi có vấn đề sức khỏe tâm thần và cần điều trị", cô nói, cho hay cảm thấy thú vị vì "người ta đang vũ khí hóa sức khỏe tâm thần bằng cách nói rằng mọi người cần điều trị tâm thần".
Adams cho biết trong tương lai, nếu lấy chồng, cô sẽ đeo nhẫn cưới cạnh ngón đeo chiếc nhẫn cũ. "Người ta thường hỏi, 'Liệu tôi có phải ly hôn với bản thân để lấy chồng không? Nhưng câu thực sự cần hỏi nên là 'Tại sao tôi phải quên đi bản thân để lấy chồng?'".
Một cô gái Ấn Độ 16 tuổi bị đâm dã man và bị đánh bằng dùi cui đến chết trong một con hẻm đông đúc ở thủ đô New Delhi cuối tuần trước, một lần nữa thổi bùng sự tức giận của người Ấn Độ trước tình trạng bạo lực tình dục và sự bất lực của luật pháp.
Đoạn video ghi lại vụ việc kéo dài hơn một phút, cho thấy nhiều người đi ngang qua khi kẻ tấn công liên tục đánh nạn nhân. Thế nhưng chỉ có một người đàn ông cố gắng giải cứu, kéo kẻ tấn công ra khỏi nạn nhân trước khi rời đi.
Hãng thông tấn Ấn Độ ANI đưa tin kẻ tấn công dùng dao đâm cô gái nhiều nhát. Hắn ta tiếp tục đâm ngay cả khi cô ngã xuống đất, sau đó dùng dùi cui đập vào đầu cô.
Theo đài CNN, thi thể của nạn nhân (chưa được xác định danh tính) được tìm thấy vào tối 28-5 tại khu phố Rohini phía Bắc New Delhi.
Chiều 28-5, cảnh sát Ấn Độ thông báo đã bắt giữ một nam nghi phạm tên Sahil liên quan đến vụ giết người. Phó Ủy viên cảnh sát New Delhi, Ravi Kumar Singh, nói với phóng viên rằng Sahil là thợ cơ khí, 20 tuổi, bị bắt giữ tại Bulandshahr ở bang Uttar Pradesh lân cận.
Nghi phạm Sahil và hình ảnh từ camera giám sát. Ảnh: ANI
Nguồn tin từ cảnh sát cho biết vụ giết người có thể đã được lên kế hoạch trước vì Sahil đã mua con dao hai tuần trước khi thực hiện vụ giết người. Sahil đã trốn khỏi thành phố sau vụ giết người và tắt điện thoại. Cảnh sát cũng cho biết Sahil có quan hệ tình cảm với cô gái.
Trao đổi với hãng thông tấn ANI, cha của cô gái cho biết gia đình đã yêu cầu "hình phạt nghiêm khắc dành cho bị cáo".
Đây là vụ việc mới nhất trong một chuỗi các vụ giết người và hãm hiếp làm bùng lên một làn sóng phẫn nộ ở Ấn Độ. Nhiều người đặt câu hỏi liệu các biện pháp bảo vệ phụ nữ ở Ấn Độ và trừng phạt những kẻ tấn công đã được thực hiện đủ hay chưa.
Thủ hiến bang New Delhi Arvind Kejriwal viết trên Twitter: "Một bé gái vị thành niên bị sát hại dã man một cách công khai ở New Delhi. Điều này thật đáng buồn và bất hạnh. Những tên tội phạm không còn sợ hãi cảnh sát".
Bà Swati Maliwal, chủ tịch Ủy ban vì phụ nữ Delhi, nói với ANI rằng bà chưa bao giờ chứng kiến một vụ việc đáng sợ như vậy. "New Delhi đã trở nên cực kỳ không an toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái" – bà Swati Maliwal nói.
Vào năm 2018, Tổ chức Thomson Reuters Foundation công bố kết quả của cuộc khảo sát dựa trên ý kiến của 550 chuyên gia về vấn đề phụ nữ, xác định Ấn Độ là quốc gia nguy hiểm nhất về bạo lực tình dục đối với phụ nữ, cũng như buôn bán người để phục vụ cho các công việc gia đình, lao động cưỡng bức, hôn nhân ép buộc và nô lệ tình dục.
Tần suất tội ác đối với phụ nữ ở Ấn Độ dường như cũng đang gia tăng. Theo Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia (NCRB) của Ấn Độ, tội phạm đối với phụ nữ vào năm 2020 cao hơn 20% so với năm 2013.
Các nhà hoạt động cho biết số liệu thống kê nêu trên có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì nhiều hình thức bạo lực đối với phụ nữ, chẳng hạn như cưỡng hiếp, thường không được báo cáo đầy đủ.
Sau 8 năm theo đuổi nghề hoa, Rose Cao trở thành người Việt đầu tiên đoạt giải tại Chelsea Flower Show 2023, triển lãm được ví như World Cup cho các nghệ nhân cắm hoa.
Rose Cao Pilipets (Cao Thị Huyền), 37 tuổi, Việt kiều đang sinh sống tại Serbia, là một trong những gương mặt châu Á hiếm hoi xuất hiện tại triển lãm Chelsea Flower Show diễn ra tại London, Anh, ngày 23-27/5.
Tác phẩm Vũ điệu Ánh sáng của cô được trao giải Bạc hạng mục trang trí hoa đèn đường ở triển lãm, biến Huyền thành người gốc Việt đầu tiên thắng giải trong lịch sử Chelsea Flower Show. Đây là một trong những cuộc thi danh giá nhất thế giới về hoa, được ví như "World Cup" cho những người làm vườn và giới nghệ nhân cắm hoa.
"Góp mặt tại triển lãm năm nay là giấc mơ tôi từng nghĩ rất khó để đạt được, và nó trở thành cột mốc có ý nghĩa rất lớn với hành trình của tôi với nghề", Huyền nói với VnExpress.
Hành trình đến với nghề cắm hoa nghệ thuật của Huyền khởi đầu khoảng 8 năm trước, khi cô là nhân viên chi nhánh ở Singapore của một tập đoàn dầu khí Mỹ. Cô ban đầu đăng ký học lớp cắm hoa cơ bản chỉ để giải tỏa áp lực trong công việc, sau đó đam mê với lĩnh vực cắm hoa nghệ thuật.
Huyền kể rằng thời điểm cô tìm đến nghệ thuật cắm hoa cũng là giai đoạn làn sóng cắt giảm nhân sự ập đến công ty do khủng hoảng tài chính châu Á và giá dầu thế giới giảm mạnh. Huyền đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp bị sa thải, trong đó có mẹ nuôi 55 tuổi ở Singapore, người không thể tìm được công việc khác sau khi phải rời khỏi công ty.
"Khi đó tôi nhận ra rằng cống hiến cả đời cho một tập đoàn đa quốc gia cũng không thể bảo đảm ổn định mãi mãi. Mọi ảo tưởng về sự an toàn đều biến mất trong thời kỳ khủng hoảng", cô cho hay.
Nỗi bất an này đã thúc đẩy cô theo đuổi đam mê với nghệ thuật cắm hoa để có thể thật sự làm chủ cuộc sống của mình. Ngoài giờ làm việc tại công ty, cô tranh thủ tổ chức các lớp dạy cắm hoa vào buổi tối và làm thêm ở tiệm hoa Singapore mỗi cuối tuần.
Năm 2016, Huyền quyết định đăng ký tham gia cuộc thi hoa quốc tế tại Singapore Garden Festival. Cô vượt qua hai vòng đấu loại để trở thành một trong 6 nghệ nhân xuất sắc nhất tại vòng chung kết diễn ra ở Vườn Thượng uyển Singapore.
Thời điểm đó, Huyền đang mang thai con đầu lòng ở tháng thứ tám, nhưng vẫn tiếp tục đến công ty làm việc vào ban ngày, đến đêm lại có mặt trong khu vực triển lãm để bày trí tác phẩm. Huyền được trao Cúp Hoa Mai Bạc với chủ đề trang trí hoa bàn ăn, và cũng là giải thưởng cao nhất do hạng mục này năm đó không có thí sinh nào được nhận cúp vàng.
Cô cho hay những giải thưởng quốc tế về hoa coi trọng chất nhân văn và tôn trọng cảm nhận nghệ thuật riêng của từng nhà thiết kế, không nặng tính hơn thua, nên thường không trao giải nhất, nhì, ba. "Thay vào đó, giải thưởng là chứng nhận tay nghề của nhà thiết kế ở cấp độ nào so với trình độ quốc tế", Huyền giải thích.
Huyền trở về Việt Nam cùng chồng vào cuối năm 2016, trước khi cả gia đình sang định cư tại Serbia năm 2019, nơi cô khởi nghiệp dạy cắm hoa trực tuyến.
Khi Chelsea Flower Show năm nay được tổ chức với gần 300 công ty, vườn ươm, nhà thiết kế vườn và hoa hàng đầu tại Anh và khắp thế giới, Huyền quyết định tham gia, dù cô đã không tranh tài tại cuộc thi quốc tế nào suốt nhiều năm vì vướng bận việc gia đình và nuôi dạy con cái.
Triển lãm với tuổi đời 110 năm này là nơi giới thiệu các thiết kế sân vườn và hoa quốc tế, giống cây, sản phẩm và các xu hướng làm vườn mới. Huyền ước tính tổng chi phí để cô đến London tranh tài tại Chelsea Flower Show 2023 tốn hơn 13.500 USD, chủ yếu đến từ các mạnh thường quân.
Suốt 6 ngày sự kiện diễn ra, Huyền cùng các nghệ nhân phải liên tục thay hoa để đảm bảo độ tươi mới của tác phẩm phục vụ triển lãm. Sự kiện trưng bày hơn 100 thiết kế vườn và hoa cùng 270 gian hàng giới thiệu các sản phẩm làm vườn.
Huyền cảm thấy đôi chút tiếc nuối với kết quả chung cuộc, do một sự cố trong quá trình chuẩn bị đã khiến sản phẩm thực tế khác với phác thảo ban đầu được duyệt vào tháng 11/2022.
Dù vậy, cô vẫn cảm thấy tự hào về hành trình đến với triển lãm hoa danh giá hàng đầu thế giới, cũng như trân trọng sự giúp đỡ nhiệt tình từ những người đã tin tưởng năng lực của mình.
Giờ đây, ngoài những giờ dạy và thiết kế ngoại cảnh cho các đối tác, cô còn kiếm thêm thu nhập từ một quyển sách vừa được xuất bản, cũng như các video về sản phẩm làm vườn và tư vấn marketing "xanh" trên kênh YouTube.
Huyền cảm thấy hài lòng với cuộc sống ở vùng nông thôn ở ngoại ô thủ đô Belgrade của Serbia, cũng như được theo đuổi niềm đam mê cắm hoa vốn mang lại cho cô "sự tự do mà mình mong muốn".
Quân đội Hàn Quốc nói Triều Tiên đã phóng "phương tiện phóng không gian" theo hướng nam, khiến một số khu vực nước này và Nhật Bản phát báo động.
Triều Tiên đã phóng "cái họ gọi là phương tiện phóng không gian" theo hướng nam từ khu vực Tongchang-ri ở bờ biển phía tây lúc 6h29 (4h29 giờ Hà Nội), Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) cho biết hôm nay.
Theo JSC, tên lửa Triều Tiên bay ngoài khơi đảo Baengnyeong, phía tây Hàn Quốc, và không ảnh hưởng đến Seoul. Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc thông báo họp khẩn về sự việc.
"Chúng tôi đang cố gắng xác nhận xem tên lửa có bay bình thường hay không", JSC cho biết, thêm rằng tên lửa Triều Tiên có thể đã phát nổ trên không hoặc rơi xuống biển do "nó đã biến mất trên radar trước khi đến điểm rơi dự kiến".
Còi báo động không kích đã vang lên tại thủ đô Seoul vào khoảng 6h32 giới chức thành phố phát cảnh báo đề nghị người dân sẵn sàng cho tình huống sơ tán. Bộ Nội vụ Hàn Quốc sau đó cho biết cảnh báo từ chính quyền đô thị Seoul "đã được phát không chính xác". Trong khi đó, cảnh báo sơ tán với khu vực biên giới phía tây Hàn Quốc đã được dỡ bỏ lúc 8h01.
Chính phủ Nhật Bản cũng phát cảnh báo thông qua hệ thống J-Alert với người dân tỉnh miền nam Okinawa, cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa kêu gọi tìm nơi trú ẩn nếu họ đang ở bên ngoài. J-Alert sau đó cho biết tên lửa sẽ không bay qua lãnh thổ Nhật Bản và dỡ cảnh báo.
Triều Tiên chưa bình luận về thông tin.
Nhật Bản trước đó cho biết Bình Nhưỡng đã thông báo cho Tokyo về kế hoạch phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy từ ngày 31/5 đến 11/6, cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực thuộc Hoàng Hải, biển Hoa Đông và phía đông đảo Luzon của Philippines. Nước này tuyên bố sẵn sàng đánh chặn bất cứ tên lửa nào Triều Tiên phóng lên, nếu nó được xác nhận sẽ rơi xuống lãnh thổ.
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều cho rằng các vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên đều chỉ là "vỏ bọc" để thử nghiệm tên lửa, do chúng áp dụng công nghệ giống nhau. Triều Tiên từng hai lần phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh hồi năm 2012 và 2016, tất cả đều bay qua tỉnh Okinawa ở miền nam Nhật Bản.
Mâu thuẫn âm ỉ nhiều năm qua giữa người Albania và Serbia ở Kosovo tăng nhiệt sau cuộc bầu cử thị trưởng, châm ngòi đụng độ giữa người biểu tình với lính NATO.
Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo tuần này bùng phát thành bạo lực sau khi cảnh sát Kosovo đột kích các khu vực do có người Serbia sinh sống ở miền bắc và kiểm soát các tòa nhà chính quyền địa phương.
Người gốc Serbia sau đó xuống đường biểu tình, tìm cách xông vào bên trong tòa thị chính thị trấn Zvecan hôm 29/5, dẫn đến đụng độ với cảnh sát Kosovo và lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO (KFOR), khiến hàng chục binh sĩ Hungary và Italy tham gia phái bộ bị thương.
Căng thẳng leo thang đến mức Serbia đã đặt quân đội trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao và cảnh báo sẽ không đứng yên nếu người Serbia ở Kosova bị tấn công lần nữa, làm dấy lên lo ngại về cuộc xung đột mới ở Kosovo.
Kosovo là vùng lãnh thổ với dân số chủ yếu là người Albania. Khu vực này từng là một tỉnh của Serbia, nhưng tuyên bố độc lập năm 2008. Tuy nhiên, Serbia không công nhận và vẫn coi đây là một phần lãnh thổ của mình.
Khoảng 100 quốc gia đã công nhận nền độc lập của Kosovo, trong đó có Mỹ, trong khi Nga, Trung Quốc và 5 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đứng về phía Serbia. Tình trạng này đã khiến căng thẳng kéo dài và cản trở sự ổn định của vùng Balkan sau các cuộc chiến đẫm máu vào những năm 1990.
Tranh chấp về Kosovo đã kéo dài hàng thế kỷ. Serbia xem khu vực này như trung tâm tôn giáo và văn hóa của họ, với nhiều tu viện Kito giáo Chính thống của Serbia đều nằm ở khu vực này. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia xem trận chiến năm 1389 chống lại người Ottoman ở Kosovo là biểu tượng của cuộc đấu tranh quốc gia.
Nhưng đa số người Albania ở Kosovo đều xem đây là quốc gia riêng của họ và cáo buộc Serbia cố tình chiếm đóng. Người Albania từng phát động cuộc nổi dậy vào năm 1998 để thoát khỏi sự cai trị của Serbia.
Chiến dịch trấn áp quyết liệt của Belgrade với phong trào nổi dậy này đã khiến NATO quyết định can thiệp bằng chiến dịch không kích năm 1999, buộc Serbia phải rút quân và nhường quyền kiểm soát Kosovo cho lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
Kể từ đó, căng thẳng giữa chính quyền Kosovo và những người gốc Serbia sống ở miền bắc nước này không giảm bớt. Những nỗ lực của chính quyền Kosovo nhằm giành thêm quyền kiểm soát ở miền bắc thường vấp sự phản kháng mạnh mẽ từ những người gốc Serbia.
Thị trấn Mitrovica ở miền bắc Kosovo đã bị chia làm đôi, một phần do người Albania kiểm soát, phần còn lại do người Serbia nắm giữ. Miền nam Kosovo cũng có những khu vực nhỏ hơn tập trung nhiều người Serbia. Trong khi đó, miền trung Serbia cũng có hàng chục nghìn người gốc Kosovo sinh sống sau khi họ chạy trốn cùng với đợt rút quân của quân đội nước này vào năm 1999.
Nhiều nỗ lực quốc tế liên tục được thực hiện để tìm kiếm sự đồng thuận của hai bên, nhưng đến nay chưa có kết quả. Các quan chức EU đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa Serbia và Kosovo. Hai bên đã đạt nhiều thỏa thuận trong các cuộc đàm phán, nhưng chúng hiếm khi được tuân thủ nghiêm túc.
Ý tưởng về thay đổi biên giới và hoán đổi lãnh thổ giữa Kosovo với Serbia để giải quyết xung đột đã bị nhiều nước EU từ chối vì lo ngại có thể dẫn tới phản ứng dây chuyền ở các khu vực tranh chấp khác, gây bất ổn thêm cho khu vực Balkan.
Cả Kosovo và Serbia đều được chèo lái bởi các lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc, những người chưa sẵn sàng thỏa hiệp.
Tại Kosovo, Albin Kurti, cựu lãnh đạo phong trào biểu tình của sinh viên, đang nắm quyền và là người có vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán do EU làm trung gian. Ông cũng được biết đến là người ủng hộ mạnh mẽ thống nhất Kosovo với Albania và phản đối bất kỳ thỏa hiệp nào với Serbia.
Trong khi đó, Serbia được dẫn dắt bởi Tổng thống dân túy Aleksandar Vucic, cựu bộ trưởng thông tin trong suốt cuộc chiến tranh ở Kosovo. Lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan này nhấn mạnh rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải là thỏa hiệp lâu dài, thêm rằng đất nước của ông sẽ không đồng ý giải quyết xung đột nếu không đạt được điều gì đó.
Tình hình nóng lên từ tháng trước, khi các địa phương ở miền bắc Kosovo tổ chức bầu cử, chọn ra 4 thị trưởng mới là người Albania thay thế các quan chức Serbia đồng loạt từ chức vào tháng 11/2022. Khi các thị trưởng người Albania mới được bầu ngày 26/5 chuyển tới văn phòng của họ, người Serbia tìm cách ngăn cản, buộc cảnh sát chống bạo động Kosovo dùng hơi cay để đối phó.
Ba ngày sau, người Serbia tổ chức biểu tình trước các tòa thị chính, dẫn tới cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa họ và lực lượng gìn giữ hòa bình Kosovo cùng cảnh sát địa phương.
Giới chức quốc tế đang hy vọng đẩy nhanh các cuộc đàm phán và đạt được giải pháp trong những tháng tới. Cả Kosovo và Serbia phải bình thường hóa quan hệ nếu họ muốn trở thành thành viên của EU. Việc không đạt được đột phá lớn trong quá trình đàm phán đồng nghĩa tình trạng bất ổn sẽ kéo dài, khiến hai bên đối mặt nguy cơ suy giảm kinh tế và xung đột liên tục.
Bất kỳ sự can thiệp nào của quân đội Serbia tại Kosovo sẽ đồng nghĩa xảy ra đụng độ với lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở đây. Belgrade kiểm soát người Serbia ở Kosovo, trong khi Kosovo không thể trở thành thành viên Liên Hợp Quốc hay một nhà nước thực sự nếu không thể giải quyết dứt điểm tranh chấp với Serbia, theo bình luận viên Dusan Stojanovic của AP.
Nga đưa tư lệnh quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhnyi và tư lệnh lục quân Oleksandr Syrskyi vào "danh sách truy nã" nhưng không nêu lý do cụ thể.
"Valeriy Zaluzhnyi được đưa vào danh sách truy nã theo một điều khoản Luật Hình sự Nga", RIA Novosti đưa tin ngày 30/5, dẫn thông tin từ cơ sở dữ liệu Bộ Nội vụ Nga, nhưng không nêu rõ điều khoản đó là gì.
Zaluzhnyi, 49 tuổi, được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bổ nhiệm làm tổng tham mưu trưởng hồi tháng 7/2021. Ông là người đang chỉ huy lực lượng Ukraine trong nỗ lực kháng cự chiến dịch của Nga.
Hãng thông tấn Nga sau đó đưa tin tư lệnh lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi cũng có tên trong danh sách truy nã. Động thái của Bộ Nội vụ Nga được cho là chỉ mang tính biểu tượng, rất ít khả năng gây ra hệ quả pháp lý với các quan chức Ukraine.
Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Động thái xuất hiện vài giờ sau khi một số tòa chung cư ở Moskva và vùng lân cận bị máy bay không người lái (UAV) lao vào. Nga cáo buộc Ukraine đứng sau sự việc trong khi Kiev bác bỏ. Theo Bộ Quốc phòng Nga, 8 UAV đã tham gia vụ tấn công và đều bị lực lượng phòng không nước này bắn hạ.
Bộ Ngoại giao Nga hôm nay cho rằng việc phương Tây hỗ trợ Ukraine "đã thúc đẩy Kiev có những hành động ngày càng liều lĩnh, bao gồm cả chủ nghĩa khủng bố". Cơ quan này tuyên bố Moskva bảo lưu quyền có "những biện pháp mạnh mẽ nhất" để đáp trả vụ tập kích UAV.
Ủy ban Điều tra Liên bang Nga hồi tháng 2 thông báo đã truy tố 680 quan chức Ukraine, trong đó có ông Zaluzhnyi cùng nhiều chỉ huy quân đội Ukraine, với cáo buộc "sử dụng các phương tiện, biện pháp bị cấm trong chiến tranh" theo Điều 356 của Luật Hình sự Nga.
Các cuộc tập kích diễn ra ban đêm, khi hầu hết người dân Kiev đang say giấc. Còi báo động rền vang khắp thủ đô Ukraine, đánh thức những cư dân đang ngái ngủ, những người sau 15 tháng xung đột, một lần nữa phải điều chỉnh thói quen để thích nghi với chiến dịch không kích mới nhất của Nga.
Olha Bukhno, nhân viên vệ sinh 65 tuổi, cho biết sau những cuộc tấn công như vậy gần đây, bà bắt đầu cầu nguyện trước khi đi ngủ với mong ước nhỏ nhoi rằng "đêm nay sẽ yên tĩnh".
Bên cạnh giường bà là một chiếc túi chứa những đồ dùng cần thiết, gồm giấy tờ tùy thân, lương khô và nước. Mỗi khi nghe thấy còi báo động không kích, bà sẽ lao xuống tầng hầm tòa nhà để trú ẩn. Gần hai tuần trước, các mảnh tên lửa bị bắn hạ đã rơi xuống nóc tòa nhà bên cạnh chung cư của Bukhno ở quận Darnytsia, gây ra đám cháy lớn.
"Đêm nào chúng tôi cũng lo sợ", bà nói, giọng run run như muốn khóc.
Phản ứng của người dân cũng rất khác nhau mỗi lần còi báo động hú vang khắp thủ đô Ukraine. Nhiều người bị nhấn chìm bởi nỗi sợ hãi, tưởng tượng đến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra như bị mất nhà, mắc kẹt dưới đống đổ nát hay thậm chí mất mạng. Số khác đã chai sạn với bom đạn đến mức thờ ơ, nằm thao thức trên giường, nghe những tiếng nổ vang dội trên bầu trời.
Sau thời gian dài khá yên tĩnh, gần một tháng qua, Nga tiến hành nhiều đợt tập kích gần như suốt đêm, khiến hầu hết người Kiev đều phàn nàn về tình trạng mất ngủ và họ cảm thấy mệt mỏi như thế nào.
"Còn gì để nói nữa? Tất cả đều kiệt sức", Oleksandr Chubienko, dược sĩ ở quận Darnytsia, mô tả tình trạng gần đây của các khách hàng tìm đến cô.
Các vụ nổ thường là âm thanh phát ra khi hệ thống phòng không Ukraine bắn hạ UAV và tên lửa Nga. Theo người phát ngôn không quân Ukraine, vào đêm 16/5, Nga đã tiến hành cuộc tập kích "dữ dội bất thường" với 18 tên lửa tấn công nước này, trong đó 14 quả nhắm vào Kiev.
Ukraine cho biết trong đợt tập kích này, họ đã bắn hạ 6 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal bằng hệ thống Patriot do Mỹ cung cấp. Nga bác bỏ, tuyên bố không khai hỏa nhiều tên lửa Kinzhal như vậy, thêm rằng một quả đạn đã khiến hệ thống Patriot trị giá hơn một tỷ USD bị hư hại. Các quan chức Mỹ xác nhận tổ hợp Patriot chịu thiệt hại, nhưng vẫn có khả năng chiến đấu.
Đêm 27/5, giới chức địa phương cho hay Kiev đã phải hứng chịu cuộc tấn công bằng UAV lớn nhất kể từ khi xung đột nổ ra, khiến ít nhất một người thiệt mạng. Cuộc tập kích diễn ra vào đêm trước ngày Kiev kỷ niệm thành lập thành phố.
Nga rạng sáng 29/5 tiếp tục không kích Kiev bằng cách sử dụng kết hợp máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình. Theo người đứng đầu cơ quan quân sự Kiev Serhii Popko, hơn 40 UAV, tên lửa Nga đã bị bắn rơi. Đây là cuộc tập kích ban đêm lần thứ 15 trong tháng 5 nhằm vào thủ đô Ukraine.
"Một đêm khó khăn nữa cho thủ đô", Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko nói.
Các chuyên gia và quan chức Ukraine nhận định loạt cuộc tập kích ngày càng thường xuyên trong đêm là một phần trong chiến dịch không kích mới mà Moskva tiến hành nhằm bào mòn năng lực phản công của Kiev.
Cường độ không kích gia tăng sau khi Ukraine tuyên bố họ đã nhận được tổ hợp Patriot do Mỹ cung cấp, vũ khí mà Kiev đã mong chờ từ lâu để củng cố hệ thống phòng không. Theo giới quan sát, các cuộc tấn công cấp tập của Nga dường như nhằm phá hủy hoàn toàn tổ hợp tên lửa mới này.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Nga từng phát động chiến dịch không kích tương tự, nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, trong đó có mạng lưới nhà máy điện và kho hậu cần quân sự, nhằm ngăn chặn nước này chuyển vũ khí phương Tây ra chiến trường.
Lực lượng Ukraine giờ đây đã có thể chống đỡ tên lửa Nga hiệu quả hơn so với cuối năm ngoái, một phần không nhỏ nhờ vào các tổ hợp phòng không do Mỹ viện trợ.
Nhưng lưới phòng không dù hiện đại đến đâu cũng không thể bảo vệ dân thường khỏi mọi nguy cơ. Những mảnh vỡ từ tên lửa bị phá hủy của Nga liên tục rơi xuống các khu dân cư, gây ra hỏa hoạn và thương vong cho người dân.
Đối với nhiều người Kiev, còi báo động không kích luôn đi kèm với tiếng âm thanh báo hiệu liên tục từ ứng dụng Telegram, nơi chính quyền và cư dân chia sẻ thông tin ngắn gọn, liên tục về các cuộc tấn công như: "Một tên lửa đến từ phía đông!" hay "Thêm tên lửa nữa phóng từ biển! Hãy ẩn nấp!".
Tại quận Darnitsya, những gì còn sót lại từ đám cháy do mảnh tên lửa gây ra được chất đống bên trong một thùng rác lớn. Gỗ và vật liệu cách nhiệt cháy thành than nằm rải rác trên mặt đất. Bên cạnh đó, người dân Kiev bàn tán về những thông tin mới nhất.
Mỗi khi cửa sổ căn hộ kêu lạch cạch với tiếng nổ từ xa vọng lại trong đêm, Pavlo Chervinskyi, 45 tuổi, đều bế con gái 4 tuổi ra hành lang, giải thích với bé rằng tất cả chỉ là một trò chơi. "Giờ đây, con bé đã quen với những tiếng nổ và không còn sợ hãi nữa", anh nói.
Cô bé vẫn ngủ ngon lành khi các cuộc tập kích của Nga diễn ra cuối tuần qua ở Kiev. "Ít nhất cũng có người được nghỉ ngơi", Chervinskyi nói, nở một nụ cười mệt mỏi.
Mariana Yavolina, nhà vật lý trị liệu, trở về căn hộ mới của mình ở Darnitsya vào nửa đêm, đúng lúc trận không kích xảy ra. Còi báo động vang lên, nhưng Yavolina không còn đủ sức để quan tâm đến nó nữa.
Yavolina nằm trên sofa và nhìn lên trần nhà, khoảnh khắc nghỉ ngơi đầu tiên của cô sau một ngày dài. Xa xa, những tiếng nổ vang vọng. Cô lướt ứng dụng Telegram để cập nhật tình hình.
"Tôi cố gắng không quá quan tâm tới chúng", Yavolina nói. "Những tiếng nổ thực sự gây khó chịu, nhưng nếu muốn sống là chính mình, bạn không thể để chúng ám ảnh bản thân".
Suốt đêm, cô cố tự thuyết phục bản thân rằng mình có thể ngủ được. Nhưng tiếng nổ tiếp theo làm rung chuyển toàn bộ căn hộ, khiến cô giật mình tỉnh giấc. Bên ngoài, những cột khói ngùn ngụt bốc lên từ ngọn lửa trên mái tòa nhà sát cạnh. Mùi khét nồng nặc lan ra.
Ngay sau đó, lính cứu hỏa và cảnh sát đến hiện trường, cấm mọi người quay video đống đổ nát. Nhưng Yavolina vẫn quay được cảnh tượng và gửi video cho một người bạn đang phục vụ trong quân đội.
"Chỉ là những bông hoa thôi", người bạn trả lời, ám chỉ rằng mọi thứ còn có thể tồi tệ hơn thế rất nhiều.
Dân Trung Quốc hào hứng trước những hình ảnh đầu tiên của gấu trúc Ya Ya tại sở thú Bắc Kinh, một tháng sau khi hồi hương từ Mỹ.
Truyền thông Trung Quốc hôm 29/5 công bố hình ảnh gấu trúc Ya Ya được đưa về sở thú Bắc Kinh, sau khi con vật hoàn tất một tháng cách ly tại Thượng Hải từ khi được hồi hương hôm 27/4.
Sở thú Bắc Kinh thông báo gấu trúc Ya Ya hiện trong tình trạng ổn định và họ đã chuẩn bị khu đồ ăn đặc biệt cho con vật.
Sự xuất hiện của gấu trúc Ya Ya tại sở thú Bắc Kinh khiến người dùng mạng Trung Quốc bùng nổ, với các ý kiến bày tỏ vui mừng khi thấy con vật có vẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn. Trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, từ khóa về Ya Ya đạt hơn 230 triệu lượt xem, đứng đầu từ khóa xu hướng hôm 29/5.
"Tình trạng của Ya Ya rõ ràng đã được cải thiện rất nhiều", một tài khoản bình luận. "Mới có một tháng mà nhìn nó đã như con gấu trúc khác vậy", người dùng mạng xã hội Trung Quốc khác nhận xét.
Sở thú Bắc Kinh thông báo do gấu trúc Ya Ya, sinh vào tháng 8/2000, đã lớn tuổi, nó sẽ không xuất hiện trước công chúng mà được chăm sóc riêng. Thông tin về Ya Ya sẽ được sở thú Bắc Kinh cập nhật thường xuyên qua Weibo.
Ya Ya cùng Le Le được Trung Quốc gửi tới Mỹ từ năm 2003 và cho mượn trong vòng 20 năm theo chính sách "ngoại giao gấu trúc". Gấu trúc Le Le đã qua đời hồi tháng 2, Ya Ya được đưa về nước hồi tháng trước.
Nhiều người dân Trung Quốc và các nhóm bảo vệ quyền động vật khắp thế giới trước đó nhiều lần cáo buộc vườn thú Memphis ở Mỹ ngược đãi Ya Ya, khiến con vật tiều tụy.
Vườn thú Memphis bác bỏ cáo buộc, cho rằng thể trạng gấu trúc Ya Ya nhỏ bé hơn các con gấu trúc khác do yếu tố di truyền, không phải do chế độ chăm sóc. Vườn thú còn khẳng định dù Ya Ya trông có vẻ xơ xác, con vật không bị vấn đề gì và luôn được theo dõi chặt chẽ.
Giới chức Trung Quốc cũng xác nhận gấu trúc Ya Ya không bị vườn thú Mỹ ngược đãi. Trước khi Ya Ya về nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng con vật được "chăm sóc tốt và được người dân Mỹ yêu mến".
Bắc Kinh coi gấu trúc là "sứ giả ngoại giao" và thường xuyên tặng hoặc cho các nước mượn như một cách thắt chặt quan hệ song phương. Global Times hồi tháng 2 đưa tin Trung Quốc phối hợp với 18 quốc gia đang nuôi gấu trúc, trong đó có Mỹ, Đức, Qatar, Singapore và Nhật Bản, để nghiên cứu và bảo tồn loài động vật này.
Theo Viện Sinh học Bảo tồn và Vườn thú Quốc gia Smithsonian của Mỹ, tuổi thọ của gấu trúc hoang dã là 15-20 năm và gấu trúc được con người chăm sóc là khoảng 30 năm. Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết có những con gấu trúc ở sở thú có thể sống đến 35 tuổi.
Trung QuốcNhiệt độ được ghi nhận tại Thượng Hải ngày 29/5 là 36,7 độ C, mức cao nhất tại thành phố này trong tháng 5 kể từ năm 1876.
Nhiệt độ tại ga tàu Từ Gia Hối ở quận Từ Hối, trung tâm Thượng Hải, trưa 29/5 là 36,1 độ C và tăng thêm trong buổi chiều, lên 36,7 độ C, Cục Khí tượng Thượng Hải cho biết. Đây là nhiệt độ tháng 5 cao nhất tại Thượng Hải, vượt kỷ lục 35,7 độ C ghi nhận lần đầu vào tháng 5/1876 và ba năm 1903, 1915 và 2018.
Giới chức Thượng Hải ngày 29/5 cũng phát cảnh báo vàng, lần đầu tiên trong năm 2023, do nhiệt độ thành phố trên 35 độ C ba ngày liên tiếp. Đây là cấp thấp nhất trong ba cấp cảnh báo, sau màu cam và màu đỏ. Cảnh báo cam và đỏ được kích hoạt nếu nhiệt độ được dự báo vượt 37 độ C và 40 độ C trong vòng 24 giờ.
Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc, nằm ở bờ biển phía đông nước này và có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, nhiệt độ trong mùa hè thường không vượt quá 35 độ C. Tuy nhiên, thành phố này gần đây hứng chịu thời tiết ngày càng cực đoan hơn.
Trời nóng bất thường chiều 29/5 khiến người dân Thượng Hải cảm thấy ngột ngạt, một số ứng dụng thời tiết hiển thị cảm nhận thực tế là hơn 40 độ C. "Tôi gần như bị say nắng, nóng đến mức muốn nổ tung", một tài khoản đăng trên Weibo.
"Đây là vấn đề môi trường, thế giới đang ngày càng nóng lên", người đàn ông họ Wu nói với AFP. "Tôi thấy mùa hè nóng hơn qua các năm. Tôi phải bật điều hòa sớm hơn trước".
Thượng Hải và nhiều tỉnh miền nam Trung Quốc liên tục hứng chịu các đợt nắng nóng đến sớm của mùa hè kể từ tháng 3. Một số khu vực sẽ tiếp tục trải qua nắng nóng cực đoan trong vài ngày tới và các chuyên gia thời tiết dự báo năm nay sẽ là một mùa hè khắc nghiệt.
Trong 3-5 ngày tiếp theo, nhiệt độ cao nhất tại một số thành phố ở Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, sẽ lên tới 38 độ C, có nơi tăng lên 42 độ C. Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết khu vực miền nam, trong đó có các tỉnh Quý Châu, Vân Nam và Tứ Xuyên, nhiệt độ có thể tăng lên mức hơn 35 độ C đến ngày 31/5.
Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục hồi đầu tháng 5 như Ấn Độ, Thái Lan, Lào. Giới khoa học nhận định các đợt nắng nóng ngày càng tồi tệ, cho thấy ảnh hưởng từ tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra ngày càng tăng.
Ấn Độ ghi nhận nhiệt độ trên 44 độ C tại một số khu vực hồi giữa tháng 4, khiến ít nhất 11 người ở gần thành phố Mumbai tử vong do say nắng trong cùng một ngày. Tại Bangladesh, thủ đô Dhaka đã ghi nhận ngày nóng nhất trong gần 60 năm qua.
Thành phố Tak, Thái Lan, ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục 45,4 độ C, trong khi tỉnh Sainyabuli, Lào, có nhiệt độ cao nhất lịch sử nước này 42,9 độ C, theo nghiên cứu của Nhóm Phân bổ Thời tiết Thế giới (WWA).
Liên Hợp Quốc đầu tháng 5 cảnh báo gần như chắc chắn 2023-2027 sẽ là giai đoạn 5 năm nóng nhất từng được ghi nhận, với các loại khí gây hiệu ứng nhà kính và hiện tượng El Nino khiến nhiệt độ tăng tại nhiều khu vực trên thế giới.
Quan chức Triều Tiên nói nước này sẽ phóng vệ tinh trinh sát trong tháng 6, nhằm giám sát động thái quân sự của Mỹ và đồng minh.
"Vệ tinh trinh sát quân sự số Một sẽ được phóng trong tháng 6. Đây là một trong hàng loạt biện pháp do thám đóng vai trò không thể thay thế trong hoạt động theo dõi, giám sát những hành động nguy hiểm của quân đội Mỹ và đồng minh theo thời gian thực", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Ri Pyong-chol nói hôm 29/5.
Quan chức Triều Tiên chỉ trích "các hành động liều lĩnh" của Washington và Seoul, khẳng định Bình Nhưỡng cần mở rộng những biện pháp do thám và thu thập thông tin, cũng như cải thiện vũ khí phòng thủ và tiến công để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
"Mỹ cũng thường xuyên tiến hành hoạt động do thám đường không thù địch trên bán đảo Triều Tiên và khu vực lân cận", ông Ri nói thêm.
Quan chức Cảnh sát biển Nhật Bản trước đó nói rằng Bình Nhưỡng đã thông báo cho Tokyo về kế hoạch phóng vệ tinh bằng tên lửa đẩy từ ngày 31/5 đến 11/6, cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực thuộc Hoàng Hải, biển Hoa Đông và phía đông đảo Luzon của Philippines.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố đã nhận lệnh sẵn sàng đánh chặn bất cứ tên lửa nào Triều Tiên phóng lên, nếu nó được xác nhận sẽ rơi xuống lãnh thổ nước này. Công tác chuẩn bị gồm triển khai tên lửa phòng không Patriot PAC-3 và các tàu khu trục Aegis trang bị tên lửa đánh chặn SM-3
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng mọi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, kể cả phóng vệ tinh, đều vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là mối đe dọa nghiêm trọng với an toàn của người dân Nhật Bản.
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cho rằng lệnh cấm này không áp dụng với chương trình không gian vũ trụ phục vụ mục đích dân sự.
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều cho rằng các vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên đều chỉ là "vỏ bọc" để thử nghiệm tên lửa, do chúng áp dụng công nghệ giống nhau. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno khẳng định "những vụ thử tên lửa mang vỏ bọc phóng vệ tinh" là mối đe dọa tới an ninh Nhật Bản, nhấn mạnh Tokyo sẽ theo dõi sát tình hình và phản ứng nếu cần thiết.
Triều Tiên từng hai lần phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh hồi năm 2012 và 2016, tất cả đều bay qua tỉnh Okinawa ở miền nam Nhật Bản.
UAV Bayraktar TB2 từng được coi là cứu tinh của Ukraine giai đoạn đầu chiến sự, nhưng Nga tăng cường tác chiến điện tử khiến chúng gần như biến mất.
Trong những tháng đầu sau khi xung đột Nga - Ukraine, máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 từng được ca ngợi là "cứu tinh của quân đội Ukraine" và được coi như mẫu vũ khí giúp Kiev thay đổi cục diện chiến sự, đẩy lùi lực lượng Nga ở miền bắc nước này.
Các video được Ukraine công bố trong giai đoạn đó cho thấy những chiếc TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo liên tục tập kích điểm tập kết binh sĩ, xe tăng, thiết giáp, phương tiện cơ giới Nga trên nhiều mặt trận, khiến chúng được ca ngợi là "khí tài của chiến trường tương lai".
Bayraktar TB2 rẻ, dễ chế tạo, với giá xuất xưởng khoảng một đến hai triệu USD mỗi chiếc, còn hệ thống hoàn chỉnh với đài điều khiển có chi phí 5 triệu USD.
Mỗi chiếc mang được tải trọng 150 kg, trong đó khối lượng vũ khí là 55 kg. TB2 được trang bị tên lửa dẫn đường bằng laser MAM-L với 4 loại đầu nổ có khối lượng tối đa 22 kg, giúp chúng tiêu diệt nhiều mục tiêu có giá trị lớn hơn nhiều.
Sự xuất hiện TB2 vào thời điểm khó khăn nhất đã giúp lực lượng Ukraine giữ vững được phòng tuyến và mang lại nguồn động viên tinh thần đáng kể cho binh sĩ và người dân nước này.
Chuyên gia Aaron Stein thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) ở Philadelphia, Mỹ, nhận định video do TB2 ghi lại và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội "là ví dụ hoàn hảo về chiến tranh hiện đại trong thời đại TikTok".
Nhưng ông Stein cũng thừa nhận nhược điểm của TB2 là tốc độ chậm và dễ bị phòng không đối phương bắn hạ, khiến vai trò của loại vũ khí này ngày càng suy giảm. Sau hơn 15 tháng chiến sự, mẫu UAV do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã gần như biến mất trên chiến trường Ukraine.
"Lực lượng Nga đã bắn hạ hơn 100 UAV Bayraktar TB2 được bàn giao cho Ukraine", phó tư lệnh Không quân Vũ trụ Nga Andrei Demin cho biết hồi tháng trước.
Số ít còn lại trong phi đội TB2 Ukraine chủ yếu đảm nhận một số nhiệm vụ trinh sát hạn chế. Căn cứ của Trung đoàn số 383, đơn vị phụ trách vận hành phi đội TB2, tại thành phố miền tây Khmelnitsky cũng từng nhiều lần bị Nga tập kích bằng tên lửa hành trình.
"Đánh giá chung với những dòng UAV như TB2 là chúng hoạt động rất hiệu quả nếu không phải đối mặt với mạng lưới phòng không, tác chiến điện tử phức tạp. Những chiếc TB2 bay thấp và tương đối chậm, dễ trở thành mục tiêu cho những hệ thống phòng không được tổ chức tốt. Điều này từng xảy ra ở Libya và vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh", Samuel Bendett, chuyên gia về UAV tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Sau nhiều thiệt hại vì TB2, lực lượng Nga đã rút kinh nghiệm, nhanh chóng cải thiện năng lực tác chiến điện tử để chế áp hoạt động của UAV đối phương. "Hàng loạt chiếc TB2 đã bị bắn hạ sau khi Nga chỉnh đốn phương thức tác chiến", Bendett nhận xét.
Các tổ hợp tác chiến điện tử của Nga như Krasukha-4 hay Borisoglebsk-2 được ví như "sát thủ vô hình" trên chiến trường, có thể gây nhiễu, vô hiệu hóa tín hiệu dẫn đường và chiếm quyền điều khiển UAV Ukraine.
Một số chuyên gia nhận định mối đe dọa từ lưới phòng thủ Nga khiến Ukraine phải hạn chế sử dụng dòng TB2. "Giờ đây chúng chủ yếu làm nhiệm vụ trinh sát và thu thập dữ liệu tình báo, thay vì tấn công đối phương. Khi không phải lao xuống tấn công, hệ thống cảm biến hiện đại trên TB2 cho phép chúng giữ khoảng cách an toàn trước các tổ hợp phòng không và tác chiến điện tử Nga", ông Bendett nói thêm.
Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) hôm 19/5 công bố báo cáo 30 trang về năng lực tác chiến của Nga tại Ukraine sau 15 tháng chiến sự, dựa trên các cuộc phỏng vấn binh sĩ thuộc 10 lữ đoàn Ukraine đã và đang đối đầu với lực lượng Nga suốt hơn một năm qua.
Báo cáo dẫn lời ba sĩ quan Ukraine giấu tên ước tính họ thiệt hại khoảng 10.000 UAV mỗi tháng, chủ yếu là do các hệ thống tác chiến điện tử của Nga.
Chủng loại UAV bị bắn hạ không được công bố, nhưng chuyên gia James Patton Rogers thuộc Đại học Nam Đan Mạch nhận định phần lớn là các mẫu phi cơ thương mại giá rẻ được dùng để trinh sát. "Con số này nhiều khả năng được phóng đại, nhưng vẫn cho thấy lực lượng tác chiến điện tử Nga đang hoạt động hiệu quả trước lượng lớn UAV Ukraine", ông nói.
Theo báo cáo của RUSI, Nga đang bố trí mạng lưới tổ hợp tác chiến điện tử dày đặc dọc chiến tuyến dài 1.200 km, trong đó cứ 10 km lại có một hệ thống chủ chốt. Chúng thường nằm cách tiền tuyến khoảng 6 km và chịu trách nhiệm vô hiệu hóa UAV đối phương.
Các đơn vị tác chiến điện tử Nga hiện được triển khai đến cấp trung đội và liên tục thay đổi phương án hoạt động. Những hệ thống mới như đài gây nhiễu Shipovnik-Aero rất khó phát hiện, có khả năng mô phỏng nhiều loại tín hiệu khác nhau và sở hữu nhiều biện pháp tiêu diệt UAV.
Hồi tháng 4, binh sĩ Ukraine thừa nhận các mẫu flycam DJI, vốn được sử dụng phổ biến trên chiến trường, đang nhanh chóng mất hiệu quả do liên tục bị gây nhiễu.
"Sau những thất bại ban đầu, quân đội Nga đã thích ứng với phương thức tác chiến của đối phương, dù vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức về tổ chức. Ukraine hiện vẫn nắm lợi thế, nhưng họ không được phép mất cảnh giác, nhất là khi lực lượng Nga liên tục thay đổi chiến thuật", báo cáo của RUSI có đoạn.
Ông Fumio Kishida thông báo cách chức trợ lý thủ tướng của con trai Shotaro do bê bối chụp ảnh tại dinh thự chính phủ.
"Hành động của con trai tôi tại nơi công cộng không phù hợp với người giữ vai trò trợ lý thủ tướng. Tôi đã quyết định thay thế cậu ta", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói với các phóng viên hôm nay, đề cập đến con trai Shotaro.
Thủ tướng Nhật cho biết ông quyết định cách chức con trai sau khi hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc hôm 21/5 và hoạt động điều phối với chính quyền địa phương sau sự kiện đã hoàn tất.
Thông báo được đưa ra vài ngày sau khi một tạp chí đăng những hình ảnh chụp hồi năm ngoái, trong đó Shotaro Kishida và người thân vờ tổ chức họp báo trên bục dành cho Thủ tướng Nhật Bản, cũng như xuất hiện tại nhiều khu vực mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng tại dinh thự chính phủ.
Hành động được coi là bất kính và gây ra làn sóng phản đối dữ dội từ phe đối lập, trong khi chính phủ Nhật Bản mô tả cách cư xử của Shotaro Kishida là "không phù hợp".
Seiji Osaka, nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Lập hiến (CDP) đối lập, cho rằng quyết định cách chức đáng lẽ phải được ông Kishida đưa ra sớm hơn. "Tôi ngờ rằng ông ấy đã bổ nhiệm ai đó không đủ năng lực vào vị trí trợ lý thủ tướng", nghị sĩ Osaka nói.
Đây không phải lần đầu Shotaro Kishida hứng chỉ trích vì cách hành xử tại không gian công cộng kể từ khi được bổ nhiệm hồi tháng 10/2022. Hồi tháng 1, con trai của Thủ tướng Nhật Bản bị cáo buộc lạm dụng việc công để phục vụ mục đích riêng, khi đi ngắm cảnh trong lúc tháp tùng cha đến những quốc gia trong nhóm G7 trước hội nghị thượng đỉnh tại Hiroshima.
Một tạp chí của Nhật Bản cho biết Shotaro đã dùng ôtô công vụ để thăm các danh lam thắng cảnh, cũng như mua sắm tại London, Paris và Ottawa.
Thủ tướng Kishida sau đó khẳng định con trai đang "làm nhiệm vụ chính thức", trong khi chính phủ Nhật Bản nói rằng Shotaro chịu trách nhiệm chụp ảnh cho tài khoản mạng xã hội của cha và thay mặt Thủ tướng Nhật Bản mua các món quà lưu niệm.