Thứ Ba, 16 tháng 5, 2023

Cặp vợ chồng nguyện chết không rời trong thảm kịch Titanic

Isidor Straus có cơ hội lên xuồng cứu sinh khi thảm kịch Titanic xảy ra, nhưng bà quyết định ở lại trên tàu vì không muốn xa chồng mình.

Isidor Straus là người gốc Do Thái sinh ra ở Đức năm 1845 và di cư sang Mỹ năm 1854. Ida, tên khai sinh là Rosalie Ida Blun, cũng sinh ra ở Đức năm 1849 và chuyển tới Mỹ cùng gia đình sau đó.

Vào thời điểm tàu Titanic gặp nạn, Isidor 67 tuổi và Ida 63 tuổi. Họ đang trên đường trở về New York sau khi tới thăm Đức và trải qua mùa đông ở châu Âu. Cùng đi với vợ chồng ông là hai người giúp việc Ellen Bird và John Farthing.

Gia đình Straus khá giàu có. Năm 1896, Isidor và em trai Nathan giành được toàn quyền sở hữu chuỗi bán lẻ Macy's. Trước đó, Isidor là nghị sĩ New York năm 1894 tới 1895. Ông cũng tập trung nhiều vào hoạt động thiện nguyện.

Isidor kết hôn cùng Ida năm 1871. Họ có 7 người con, một trong số đó chết từ khi còn nhỏ. Bạn bè của nhà Straus nói rằng họ yêu thương và gần gũi nhau hơn bất kỳ cặp vợ chồng nào khác mà họ biết. Isidor và Ida viết thư cho nhau hàng ngày mỗi khi xa nhau.

"Họ thường xuyên nắm tay, ôm hôn nhau, điều không thường thấy ở những người có địa vị và giàu có trong thời đại của họ", Paul Kurzman, chắt của vợ chồng ông Isidor chia sẻ năm 2017.

Isidor Straus và vợ Ida. Ảnh: Topical Press Agency

Isidor Straus và vợ Ida. Ảnh: Topical Press Agency

Ngày 14/4/1912, bốn ngày sau khi bắt đầu hành trình tới thành phố New York, tàu Titanic đâm phải tảng băng trôi ở phía nam Newfoundland, Canada. Con tàu chìm rạng sáng 15/4/1912. Trong khoảng 2.200 người trên tàu, chỉ hơn 700 người sống sót.

Ellen Bird, hầu gái của bà Ida, là một trong số những người sống sót. Bird đã kể lại chi tiết những giây phút cuối cùng của họ. Khi Ida và Isidor lên boong tàu, chỉ có phụ nữ và trẻ em được phép lên xuống cứu sinh.

"Cụ Ida ban đầu bước xuống xuồng cứu sinh và nghĩ rằng chồng Isidor cũng đi theo. Nhưng khi cụ ông không làm vậy, cụ bà rất lo lắng. Sĩ quan tàu chịu trách nhiệm hạ xuồng cứu sinh nói rằng "thưa ngài Straus, ngài là người lớn tuổi và chúng tôi đều biết ngài. Dĩ nhiên ngài có thể xuống xuồng cứu sinh với vợ", Kurzman thuật lại lời kể của người hầu gái.

Tuy nhiên, ông Isidor nói rằng "tôi sẽ không lên cho tới khi tôi thấy tất cả phụ nữ và trẻ em trên tàu đều đã an toàn trên xuống cứu sinh". Bà Ida sau đó từ chối lên xuồng cứu sinh mà không có chồng. "Tôi sẽ không chia cách chồng tôi. Chúng tôi đã sống cùng nhau nên cũng sẽ chết cùng nhau", bà nói.

Lần cuối cùng nhân chứng nhìn thấy nhà Straus, đôi vợ chồng già đang tay trong tay đứng trên boong tàu. Nhiều nhân chứng gọi là "khoảnh khắc ấn tượng nhất của tình yêu". "Cụ Isidor vòng tay ôm cụ Ida. Sau đó, một cơn sóng lớn ập đến bên mạn trái con tàu và cuốn cả hai xuống biển", Kuzman nói.

Trước đó, Ida đã đưa cho người hầu gái chiếc áo lông chồn dài của bà. "Tôi không cần dùng nó nữa. Hãy mang nó theo lên xuồng cứu sinh để giữ ấm, cho đến khi cô được giải cứu nhé", bà nói.

Sau này, Bird đã cố gắng trả lại chiếc áo khoác cho gia đình Straus, nhưng họ từ chối nhận.

Lăng mộ của gia đình Straus ở nghĩa trang Woodlawn, New York, Mỹ. Ảnh: Reuters

Lăng mộ của gia đình Straus ở nghĩa trang Woodlawn, New York, Mỹ. Ảnh: Reuters

Thi thể của Isidor sau đó được tìm thấy, nhưng Ida thì không. Tại lăng mộ nhà Straus ở nghĩa trang Woodlawn của New York, một đài tưởng niệm có dòng chữ "nước biển không thể dập tắt tình yêu của họ, cơn sóng dữ cũng không thể nhấn chìm nó".

Vì thi thể Ida không được tìm thấy, gia đình Straus đã lấy nước từ Bắc Đại Tây Dương và cho vào một chiếc bình đặt cạnh thi hài chồng bà.

Những khoảnh khắc cuối đời của họ đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà làm phim trong những năm qua, như phim Titanic năm 1953, phim A Night to Remember năm 1958, nhạc kịch Titanic.

Trong bộ phim bom tấn Titanic năm 1997 của đạo diễn James Cameron, câu chuyện về Straus đã truyền cảm hứng cho cảnh phim về đôi vợ chồng già ôm nhau trong căn buồng và nguyện chết cùng nhau khi tàu chìm dần.

Cảnh phim trong Titanic được dựa trên Ida và Isidor Straus. Ảnh: Paramount Pictures

Cảnh phim trong Titanic được dựa trên Ida và Isidor Straus. Ảnh: Paramount Pictures

Câu chuyện tình của họ cũng truyền cảm hứng cho cuốn sách A Titanic Love Story: Ida and Isidor Straus, xuất bản năm 2012 của June Hall McCash. Họ cũng nổi tiếng trong cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái với bài hát The Titanic's Disaster nói về câu chuyện của họ.

Ngoài ra, có một số đài tưởng niệm vợ chồng Straus trên khắp thành phố New York, trong đó có ở công viên Straus tại Manhattan. Tại đây, đài phun nước có dòng chữ "họ yêu thương và hạnh phúc khi còn sống và tới chết cũng không chia lìa".

Một tấm bảng tại cửa hàng lớn nhất của Macy's cũng bày tỏ lòng kính trọng với vợ chồng Straus. Vào thời điểm họ qua đời, các nhân viên Macy's đã quyên góp tiền để thiết kế tấm bảng có dòng chữ "cuộc sống của họ thật đẹp và cái chết cũng thật vinh quang".

Thanh Tâm (Theo Insider)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét