Dù phe đối lập đã giành thắng lợi vang dội trong bầu cử Thái Lan, con đường thành lập chính phủ của họ còn rất chông gai và thiếu chắc chắn.
Move Forward, đảng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử Thái Lan, cùng 7 đảng khác đã lập liên minh trong nỗ lực thành lập một chính phủ mà họ cho rằng phải phản ánh nguyện vọng của cử tri về những thay đổi trong nền chính trị hiện nay của đất nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, họ phải đối mặt với trận chiến chính trị có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng mà không có gì đảm bảo được thành công cuối cùng, giới quan sát đánh giá.
Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Move Forward, cho biết liên minh 8 đảng mà ông thành lập đã nắm tổng cộng 311 ghế trong 500 ghế tại Hạ viện Thái Lan.
Nhưng kết quả đó chưa đủ để giúp họ thành lập được chính phủ mới và đưa ông Pita lên ghế thủ tướng Thái Lan. Quân đội nước này đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử vào năm 2014 và sau đó thành lập Thượng viện với 250 ghế thượng nghị sĩ, đều do quân đội chỉ định mà không qua bầu cử.
250 thượng nghị sĩ này cũng sẽ tham gia cùng 500 hạ nghị sĩ trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 7 để chọn ra người trở thành thủ tướng. Để thành lập được chính phủ mới, ông Pita phải có tối thiểu 376 ghế ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện.
Giới phân tích nhận định những gì có khả năng xảy ra tiếp theo là ông Pita sẽ nỗ lực đàm phán ở hậu trường nhằm lôi kéo các đảng nhỏ hơn vào liên minh nhằm có thêm 65 phiếu cần thiết để trở thành tân thủ tướng.
Trong khi Move Forward đang ăn mừng chiến thắng lịch sử vừa đạt được và đồng minh của họ, đảng Pheu Thai, kêu gọi những đảng khác cùng tham gia nỗ lực thành lập chính phủ, nhiều người tin rằng Pheu Thai mới là bên thực sự có nhiều lựa chọn nhất trong các cuộc đàm phán về liên minh.
Đảng Move Forward, mới thành lập vào năm 2020, nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri trẻ nhờ đẩy mạnh thông điệp cải cách triệt để, như cam kết giảm vai trò của quân đội trong hệ thống chính trị và nới lỏng luật khi quân của Thái Lan.
Trong khi đó, Pheu Thai, đảng được thành lập vào năm 2008 và có mối liên hệ mật thiết với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của tầng lớp lao động phổ thông. Pheu Thai không đưa ra những cam kết quyết liệt như Move Forward, mà có chính sách mềm mỏng hơn. Đảng này không tuyên bố sẽ thay đổi luật khi quân nếu lên nắm quyền, mà chỉ hứa sẽ đưa nội dung này ra thảo luận tại quốc hội.
"Có nhiều khác biệt trong chiến lược chính trị của hai đảng này", Prajak Kongkirati, nhà khoa học chính trị tại Đại học Thammasat, Thái Lan, nhận xét. "Move Forward chọn thay đổi triệt để, còn Pheu Thai chọn thay đổi kiểu thỏa hiệp".
Do cả Move Forward cùng Pheu Thai và 6 đảng khác không hội đủ 376 phiếu, chìa khóa tạo nên một liên minh cầm quyền ổn định hiện nằm ở hai đảng khác là Bhumjaithai của Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul với 70 ghế cùng đảng Dân chủ, vốn từng đứng về phía các ứng viên do quân đội hậu thuẫn và đang nắm 25 ghế.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng không nhỏ tới bức tranh liên minh là đảng Palang Pracharat thân quân đội đang được dẫn dắt bởi tướng Prawit Wongsuwon, người nằm trong chính quyền quân sự của Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha, cựu tư lệnh lục quân Thái Lan.
Đảng này đang nắm 40 ghế tại Hạ viện, trong khi đảng Quốc gia Thái Thống nhất của Thủ tướng Prayuth có 36 ghế.
Nhưng giới phân tích lưu ý rằng cả ba đảng trên khó có thể tham gia liên minh do Move Forward lãnh đạo, bởi họ đều phản đối cam kết gây tranh cãi của đảng này trong chiến dịch tranh cử là cải cách luật khi quân, vốn áp đặt hình phạt nặng nề với những hành vi bị coi là xúc phạm nhà vua và hoàng gia Thái Lan.
Move Forward cho biết họ chỉ muốn thay đổi luật khi quân để ngăn chặn các hành động lạm dụng. Hơn 240 người ở Thái Lan đã bị buộc tội theo luật khi quân với mức án lên tới 15 năm tù kể từ khi luật này được chính quyền quân sự quyết liệt thi hành.
Theo truyền thống, chế độ quân chủ Thái Lan được coi trọng đến mức mọi hành vi chỉ trích hoàng gia đều bị cấm. Một số người theo chủ nghĩa bảo hoàng cho rằng nỗ lực sửa đổi luật khi quân có thể khiến đảng Move Forward rơi vào thế đối đầu với tất cả những đảng khác.
Pheu Thai đến nay vẫn kiềm chế trong những thông điệp liên quan đến hoàng gia, khiến họ có nhiều lựa chọn hơn so với đồng minh Move Forward.
"Pheu Thai đang giữ chặt quân bài của mình trước ngực", Thitinan Pongsudhirak, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho biết. "Họ có thể từ chối liên minh với Move Forward nếu chương trình nghị sự về luật khi quân và cải cách chế độ quân chủ không nhận được sự ủng hộ rộng rãi".
Tuy nhiên, Joshua Kurlantzik, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viện nghiên cứu có trụ sở ở New York, Mỹ, cho rằng Pheu Thai khó có khả năng lựa chọn một liên minh khác ngoài Move Forward.
"Tôi nghĩ Pheu Thai sẽ gắn bó với Move Forward, bởi việc từ bỏ đồng minh sẽ khiến họ bị coi như đang phản bội nguyện vọng của người dân", Kurlantzik giải thích.
Điều khiến tương lai chính trị Thái Lan hậu bầu cử trở nên bất định hơn là kịch bản các đảng thua trong cuộc tổng tuyển cử vẫn có thể bắt tay với nhau để gạt cả Move Forward lẫn Pheu Thai sang một bên và lập chính phủ thân quân đội.
Theo kịch bản này, 250 thượng nghị sĩ do chính quyền quân sự chỉ định sẽ kết hợp với 76 nghị sĩ của đảng Palang Pracharat của tướng Prawit cùng đảng Quốc gia Thái Thống nhất của Thủ tướng Prayuth sẽ có tổng cộng 326 phiếu. Họ chỉ cần thuyết phục 50 nghị sĩ từ các đảng nhỏ hơn tham gia liên minh là có thể chọn một thủ tướng bảo thủ, người sẽ không thúc đẩy các cải cách về luật khi quân.
Việc làm này rõ ràng sẽ đi ngược lại ý chí của đa số cử tri trong cuộc tổng tuyển cử và có nguy cơ thổi bùng lên phong trào biểu tình vốn đã tạo ra nhiều khủng hoảng cho Thái Lan những thập kỷ gần đây. Nhưng với chuyên gia phân tích lâu năm Zachary Abuza, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra.
"Tôi vẫn nghĩ rằng một liên minh bảo thủ giữa các đảng ủng hộ quân đội với sự hậu thuẫn của Thượng viện có nhiều khả năng đứng vững hơn là một liên minh tập hợp các đảng vốn chưa đạt được sự nhất trí hoàn toàn với nhau", Abuza nói.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét