Các cuộc đàm phán trần nợ giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa tiếp tục lâm vào bế tắc khi cả hai bên chỉ trích lẫn nhau.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 20/5 nói những đề nghị mà đảng Cộng hòa đưa ra cuối ngày 19/5 là "bước lùi lớn", mang tính cực đoan đảng phái và không bao giờ có thể được thông qua ở lưỡng viện Mỹ.
"Giới lãnh đạo Cộng hòa chịu ảnh hưởng của phe MAGA đang đe dọa đẩy quốc gia của chúng ta vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử nếu các yêu cầu cực đoan mang tính đảng phái của họ không được đáp ứng", Jean-Pierre nói, đề cập tới phe cực hữu đảng Cộng hòa theo chủ trương "Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông Trump.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa, ngày 20/5 đăng Twitter rằng Nhà Trắng "đi lùi" trong các cuộc đàm phán.
"Thật tiếc khi phe cực tả của đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát, đặc biệt khi Tổng thống Joe Biden đang ở nước ngoài", ông viết, đề cập tới chuyến công du Nhật dự hội nghị thượng đỉnh G7 của Tổng thống Mỹ.
"Chúng tôi không đưa ra yêu cầu gì để tránh vỡ nợ. Các bạn là người duy nhất định biến nó thành lá bài mặc cả", người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates đăng Twitter ngày 20/5, chỉ trích đảng Cộng hòa.
Mỹ hồi tháng 1 chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD do quốc hội thiết lập. Bộ Tài chính cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6, gây ra sự gián đoạn của nền kinh tế lớn nhất thế giới và có thể ảnh hưởng tới toàn cầu.
Đảng Cộng hòa, những người đang kiểm soát Hạ viện, yêu cầu chính phủ Mỹ cắt giảm mạnh ngân sách như điều kiện để nâng giới hạn nợ. Nhà Trắng đang tìm cách giảm bớt những yêu cầu đó, đồng thời lập luận rằng vấn đề trần nợ đang bị vũ khí hóa vì lợi ích chính trị.
Hy vọng về thỏa thuận giữa hai bên đã bị giáng đòn mạnh vào ngày 19/5 khi đảng Cộng hòa tuyên bố "tạm dừng" đàm phán. Tuy nhiên, cuộc đàm phán giữa hai bên đã được nối lại vài giờ sau đó. Tổng thống Biden dự kiến rời Nhật Bản trở về Mỹ vào ngày 21/5, sau khi từ bỏ kế hoạch thăm Papua New Guinea và Australia.
Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo vỡ nợ sẽ tạo ra nhiều hệ quả nghiêm trọng đến kinh tế cũng như an sinh xã hội Mỹ. Chính phủ Mỹ không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ, thị trường tài chính bị ảnh hưởng, Bộ Tài chính có thể phải hoãn chi trả cho khoảng 66 triệu người thuộc diện nhận trợ cấp hàng tháng.
Thanh Tâm (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét