Nga nói xung đột Ukraine có thể được giải quyết nếu Kiev cam kết trung lập, công nhận các "lãnh thổ mới" và xem tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức.
"Nga tin chắc giải pháp hòa bình chỉ có thể thực hiện được nếu lực lượng vũ trang Ukraine ngừng hành vi thù địch và phương Tây ngừng cung cấp vũ khí", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin trả lời phỏng vấn ngày 27/5.
Ông nhấn mạnh để đạt nền hòa bình lâu dài, Ukraine "phải trở lại tình trạng trung lập, không liên kết" và "từ chối gia nhập NATO, Liên minh châu Âu (EU)".
"Kiev cũng nên tôn trọng các lãnh thổ mới xuất hiện sau khi người dân thực hiện quyền tự quyết của họ", Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói, đề cập 4 tỉnh Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập năm ngoái, cũng như bán đảo Crimea. Ukraine xem đây là những vùng bị sáp nhập bất hợp pháp và nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại.
Ông Galuzin lưu ý một yếu tố quan trọng khác của bất kỳ giải pháp hòa bình nào là Ukraine phải cam kết tôn trọng quyền của người dân nói tiếng Nga ở trong nước và các nhóm thiểu số khác.
"Tiếng Nga nên được xác định là ngôn ngữ chính thức ở cấp độ lập pháp. Điều cần thiết là đảm bảo các quyền con người cơ bản, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, được tuân thủ ở Ukraine", ông nhấn mạnh.
Mikhail Podoliak, trợ lý của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, sau đó bác bỏ những điều kiện này. Theo Podoliak, điều kiện chấm dứt xung đột là Nga phải lập tức rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Ukraine, dẫn độ tội phạm chiến tranh, thiết lập "vùng đệm" trên lãnh thổ Nga, cũng như "tự nguyện từ bỏ tài sản Nga bị tịch thu ở các nước khác".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đầu tuần này nói rằng Nga không muốn xung đột ở Ukraine lâm vào bế tắc, nhưng vẫn chưa có điều kiện tiên quyết nào cho giải pháp hòa bình. Ông cũng nhắc đến việc Kiev đã cấm bất kỳ cuộc đàm phán nào với ông Putin.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đại tướng Mark Milley, hôm 25/5 cảnh báo cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài, không bên nào có thể giành được chiến thắng và cũng không có cuộc đàm phán nào đang diễn ra.
"Hàng trăm nghìn binh sĩ Nga ở Ukraine sẽ khiến Kiev khó đạt được mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ trong thời gian tới", ông nói. "Điều đó có nghĩa giao tranh sẽ tiếp tục, đẫm máu và rất khó khăn. Đến một lúc nào đó, hai bên sẽ đàm phán để giải quyết hoặc sẽ đi đến kết cục được xác định bằng biện pháp quân sự", ông cho biết thêm.
Tổng thống Zelensky ngày 30/9/2022 ký đơn xin gia nhập NATO, yêu cầu liên minh nhanh chóng kết nạp Kiev, sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh ở Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tháng trước cho hay toàn bộ các nước trong khối đều đồng ý rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên, nhưng nhấn mạnh điều này chỉ có thể xảy ra sau khi chiến sự kết thúc.
Một số quốc gia như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước châu Phi hay Giáo hoàng Francis đều bày tỏ muốn làm trung gian hòa giải xung đột Ukraine. Trung Quốc hồi tháng 2 công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm, khẳng định đàm phán là "giải pháp duy nhất" cho cuộc xung đột.
Huyền Lê (Theo RT, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét