Tổng thống Biden cho biết ông vẫn lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận với đảng Cộng hòa để nâng trần nợ của Mỹ và tránh nguy cơ vỡ nợ.
"Tôi vẫn lạc quan vì tôi là người lạc quan bẩm sinh, nhưng tôi thực sự nghĩ rằng họ, cũng như chúng tôi, đều mong muốn đạt được một thỏa thuận", Tổng thống Joe Biden ngày 14/5 nói với các phóng viên ở Delaware. "Tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm được điều đó".
Các đảng viên Cộng hòa tại quốc hội đang yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden cắt giảm ngân sách để đổi lấy việc dỡ bỏ giới hạn vay, nhưng Nhà Trắng nhiều tháng qua nhấn mạnh rằng tín dụng của quốc gia không phải vấn đề có thể mặc cả.
Những hồi chuông báo động đang vang lên về khả năng xảy ra vụ vỡ nợ đầu tiên của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo nếu không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công, Mỹ có thể vỡ nợ trước 1/6. Văn phòng Ngân sách Quốc hội trong khi đó dự báo thời điểm xảy ra vỡ nợ là vào ngày 15/6.
"Chúng ta không nên rơi vào hoàn cảnh này", Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo hôm 14/5 nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNN. "Nếu quốc hội không tăng giới hạn nợ, chúng ta sẽ rơi vào suy thoái và đó thực sự là một thảm họa".
"Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ và chúng ta không thể để điều đó xảy ra", ông nói thêm.
Mỹ chạm giới hạn vay 31,4 nghìn tỷ USD vào ngày 19/1. Tổng thống Biden tuyên bố rằng ông muốn tăng trần nợ một cách "sạch sẽ", nhưng các đảng viên Cộng hòa khẳng định để làm điều này, chính phủ phải hạn chế đáng kể trong chi tiêu.
"Đã đến lúc đưa chi tiêu trở lại mức trước đại dịch Covid-19, và sau đó chúng ta có thể nói về việc tăng trần nợ", Hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Florida Byron Donalds tuyên bố. "Nếu Tổng thống Joe Biden không thể mang bất kỳ đề xuất nào đến bàn đàm phán thì ông ấy là người sẽ khiến quốc gia của chúng ta lâm vào cảnh vỡ nợ".
Cựu tổng thống Donald Trump đã khuyến khích các nghị sĩ đảng Cộng hòa không đàm phán nếu Tổng thống Biden không đồng ý cắt giảm mạnh chi tiêu.
Nguy cơ vỡ nợ cũng đe dọa chuyến công du sắp tới của ông Biden tới châu Á để tham dự cuộc họp của các lãnh đạo G7, cùng những sự kiện khác trong khu vực. Khi được các phóng viên hỏi liệu ông có còn ý định công du trong tuần này hay không, Tổng thống Biden trả lời: "Đó vẫn là kế hoạch của tôi hiện tại".
Hồi năm 2011, cuộc chiến trần nợ tương tự đã đưa nước Mỹ đến bờ vực vỡ nợ và khiến xếp hạng tín dụng hàng đầu của đất nước bị hạ bậc. Lần này, các cuộc đàm phán được cho là có thể còn khó khăn hơn.
Nhà phân tích ngân sách Shai Akabas tại Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng cho rằng nguy cơ vỡ nợ trong vòng vài tuần "không phải tình cảnh phù hợp với quốc gia được coi là nền tảng của hệ thống tài chính và chỉ làm tăng thêm tình trạng bất định với nền kinh tế vốn đã trải qua nhiều biến động".
Cuộc chiến trần nợ của Mỹ có thể sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới, với các chương trình phúc lợi như an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe chiếm phần lớn trong ngân sách và dự kiến tăng lên đáng kể khi dân số già đi.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét