Thủ đô Moskva được bố trí nhiều lớp phòng không để đánh chặn tên lửa đạn đạo và máy bay cỡ lớn, nhưng khó đối phó UAV cỡ nhỏ.
Hai máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ hôm 30/5 lao vào các chung cư ở tây nam thủ đô Moskva của Nga. Bộ Quốc phòng Nga cho biết tổng cộng 8 UAV đã tấn công Moskva trong vụ tập kích, toàn bộ đều bị tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 tiêu diệt hoặc bị các hệ thống tác chiến điện tử làm chệch hướng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết lực lượng phòng thủ Moskva đã hoạt động hiệu quả, nhưng thêm rằng "cần tăng mật độ hệ thống phòng không". Tuyên bố của ông Putin được coi là sự thừa nhận rằng lưới phòng không ở Moskva vẫn tồn tại những lỗ hổng nhất định.
Kể từ thập niên 1980, quân đội Liên Xô đã triển khai mạng lưới phòng không đa tầng để bảo vệ thủ đô Moskva khỏi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và oanh tạc cơ mang bom hạt nhân của Mỹ.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, các hệ thống này liên tục được Nga duy trì và hiện đại hóa thành lưới phòng không dày đặc quanh thủ đô Moskva, nhưng chủ yếu được thiết kế để đối phó vũ khí chiến lược và tên lửa tầm xa, mà không chú trọng tới mối đe dọa từ các UAV hạng nhẹ vốn ngày càng phổ biến trên chiến trường hiện đại.
Chịu trách nhiệm bảo vệ thủ đô Moskva hiện nay là Tập đoàn quân Phòng không và Phòng thủ tên lửa Đặc nhiệm số 1, trực thuộc Không quân Vũ trụ Nga. Đây là đơn vị cấp chiến lược, gồm hai sư đoàn phòng không, một sư đoàn phòng thủ tên lửa đạn đạo và các đơn vị phụ trợ.
Lá chắn tầm xa nhất của mạng lưới bảo vệ Moskva là tổ hợp A-135 "Amur" được triển khai năm 1995 và thuộc biên chế Sư đoàn Phòng thủ tên lửa đạn đạo số 9. Hệ thống Amur có khả năng đánh chặn ICBM đơn lẻ hoặc phóng theo loạt lớn, nhằm đối phó với học thuyết quân sự Mỹ, vốn luôn ưu tiên đánh phủ đầu bằng số lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm xa để làm quá tải hệ thống phòng thủ đối phương.
Nga đang triển khai 5 trận địa thuộc hệ thống A-135 tại tỉnh Moskva, mỗi trận địa có 12-16 tên lửa đánh chặn 53T6. Nga từng thử nghiệm biến thể hiện đại hóa của tên lửa này hồi năm 2018, cho thấy nó có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo đang lao tới mục tiêu ở độ cao 5-30 km và tầm xa 80 km, đạt tốc độ tối đa 21.000 km/h chỉ trong vòng ba giây sau khi phóng.
Lớp phòng thủ thứ hai do Sư đoàn phòng không số 4 và 5 phụ trách. Mỗi đơn vị được biên chế 4 trung đoàn tên lửa S-400 và S-300PM tới tầm bắn 200-400 km, cùng hệ thống pháo - tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S1. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi tháng 3 cho biết các đơn vị này sẽ được biên chế thêm hệ thống S-350 với nhiều tính năng vượt trội.
Lớp phòng thủ thứ ba gồm hàng loạt hệ thống Pantsir-S1 đã được triển khai trong nội thành Moskva từ đầu năm nay, trong đó ít nhất một hệ thống đặt trên nóc trụ sở Bộ Quốc phòng Nga. Đây là các tổ hợp phòng không tầm ngắn, được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quan trọng nhất định.
Video được chia sẻ trên mạng xã hội hôm 30/5 cho thấy tổ hợp Pantsir-S1 phóng tên lửa đánh chặn UAV ở ngoại ô thủ đô Moskva, trong khi các hệ thống phòng không tầm xa và tầm trung không được kích hoạt.
Quân đội Nga cũng bố trí nhiều hệ thống tác chiến điện tử bảo vệ Moskva, nhưng không tiết lộ thông tin về hoạt động của chúng. Truyền thông Nga đưa tin một số hệ thống Pole-21, được phát triển để đối phó UAV, tên lửa hành trình và bom sử dụng hệ thống định vị vệ tinh (GPS), đã xuất hiện tại Moskva từ năm 2016, nhưng Bộ Quốc phòng Nga chỉ xác nhận thông tin sau đó ba năm.
Hệ thống Pole-21 ứng dụng thiết kế mô-đun, gồm nhiều đài thu phát tín hiệu và gây nhiễu R-340RP, có thể được lắp đặt trên cột ăng ten viễn thông dân sự hoặc khung gầm xe tải quân sự để tăng khả năng cơ động. Các đài được kết hợp vào mạng lưới tác chiến thống nhất để bảo đảm khả năng bao phủ khu vực rộng lớn.
Đài gây nhiễu cơ bản của Pole-21 được trang bị ba ăng ten, mỗi chiếc có thể vô hiệu hóa tín hiệu vệ tinh trong khu vực có hình rẻ quạt rộng 125 độ, cao 25 độ và bán kính 25-80 km. Mỗi hệ thống Pole-21 có thể kết nối với 100 ăng ten riêng biệt, bao phủ khu vực có diện tích 22.500 km2.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng mạng lưới phòng không đa tầng của Moskva rất uy lực, nhưng vẫn tồn tại một số nhược điểm có thể bị đối phương khai thác.
Ian Williams, chuyên gia tại Chương trình Phòng thủ Tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ, cho rằng các hệ thống A-135, S-300, S-400 và Pantsir-S1 đều ra đời từ trước khi UAV cỡ nhỏ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng trên chiến trường.
"Chúng được thiết kế để đối phó mục tiêu cỡ lớn, có thể phát hiện từ xa như ICBM và oanh tạc cơ. Tổ hợp Pantsir-S1 có khả năng bắn hạ UAV nhỏ và flycam, nhưng đây không phải nhiệm vụ tối ưu của nó", ông nói.
Giới chuyên gia Nga cũng thừa nhận hiệu quả tác chiến của Pantsir-S1 và Pole-21 giảm đáng kể tại những khu vực đông dân cư và dày đặc tín hiệu vệ tinh, khi đối phương có thể lợi dụng các tòa nhà cao tầng để che giấu lộ trình tiếp cận mục tiêu.
"Để đối phó hiệu quả với đòn tập kích bằng UAV cỡ nhỏ, quân đội Nga phải vô hiệu hóa mục tiêu trước khi chúng tiếp cận thành phố. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, do diện tích lãnh thổ Nga quá lớn", Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) có trụ sở tại Moskva, nhận xét.
Bảo vệ không phận thủ đô Moskva cũng khó khăn hơn nhiều so với tiền tuyến Ukraine, do vùng trời thành phố vẫn có nhiều máy bay dân sự hoạt động. Điều đó tăng gánh nặng cho các kíp phòng không, khi họ phải liên tục theo dõi phi cơ dân sự và tìm kiếm mối đe dọa thực sự, đảm bảo không phạm bất cứ sai lầm nào.
UAV, nhất là những phi cơ hạng nhẹ dùng động cơ điện và chế tạo từ vật liệu nhựa, rất khó bị phát hiện bằng radar thông thường. Tốc độ chậm và tín hiệu phản xạ nhỏ cũng khiến chúng dễ bị nhầm với chim.
"Lực lượng phòng không đô thị thường thiết lập chế độ hoạt động đặc thù, trong đó bỏ qua mục tiêu có kích thước nhỏ hơn trực thăng. Nếu điều chỉnh radar để phát hiện những mục tiêu nhỏ hơn, như UAV hạng nhẹ, các khẩu đội phòng không có thể liên tục gặp báo động giả vì những đàn chim trên trời", ông Williams cho hay.
Các radar chuyên chống UAV được trang bị cơ sở dữ liệu để phân biệt phi cơ loại nhỏ với chim, đồng thời loại bỏ nhiễu tạp và nhiễu địa vật để tăng khả năng bám bắt. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của chúng là tầm hoạt động ngắn, chỉ được tối ưu để phát hiện và bám bắt mục tiêu trong bán kính vài km.
Trong khi đó, hệ thống Pole-21 có nhược điểm là không phân biệt được tín hiệu định vị vệ tinh của đồng minh và đối phương. Điều này khiến quân đội Nga không thể liên tục kích hoạt Pole-21 để bảo vệ Moskva khỏi đòn tấn công UAV, do chúng sẽ cản trở các hoạt động bình thường của người dân tại thủ đô.
"Những người thực hiện vụ tập kích bằng UAV hôm 30/5 dường như đã tận dụng tối đa lỗ hổng của hệ thống Pantsir-S1 và những tổ hợp phòng thủ triển khai quanh Moskva để tiếp cận mục tiêu, dù chúng cuối cùng vẫn phát huy hiệu quả trong đối phó những mối đe dọa này", Williams nhận xét.
Vũ Anh (Theo Defense News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét