Chính quyền ông Biden có thể đã gửi tín hiệu tới đồng minh ở châu Âu rằng Mỹ sẽ cho phép họ chuyển F-16 sang Ukraine.
CNN ngày 18/5 dẫn các quan chức Mỹ giấu tên cho biết nếu các đồng minh ở châu Âu muốn tái xuất khẩu tiêm kích F-16 trong biên chế sang Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẵn sàng chấp thuận.
Theo một số nguồn tin, chính quyền Tổng thống Biden những tuần qua đã gửi tín hiệu về điều này cho đồng minh ở châu Âu. Tuy nhiên, nhiều quan chức chính quyền Biden cho biết chưa nhận được yêu cầu chính thức nào của đồng minh liên quan đến tái xuất khẩu F-16 sang Ukraine.
Một số quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan thường làm thủ tục giấy tờ để duyệt cho một nước chuyển vũ khí của Mỹ sang bên thứ ba, khẳng định chưa nhận được yêu cầu thực hiện công việc này.
Các quan chức Ukraine những tháng qua đẩy mạnh chiến dịch vận động để đề nghị viện trợ hoặc mua tiêm kích F-16. Họ cho rằng cần F-16 để đối phó các đợt tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga.
Một số quốc gia châu Âu đang vận hành F-16, trong đó có Hà Lan, đã để ngỏ khả năng tái xuất một số tiêm kích do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Tuy nhiên, hoạt động này cần Mỹ chấp thuận vì liên quan đến các công nghệ nhạy cảm của nước này trên tiêm kích F-16.
Mỹ và các thành viên NATO tới nay vẫn từ chối cung cấp F-16 do lo ngại mẫu tiêm kích quá phức tạp để Ukraine có thể làm chủ và duy trì hoạt động, cũng như lo ngại quyết định sẽ khiến Nga leo thang xung đột.
Các quan chức Mỹ cho biết vấn đề liên quan đến chuyển tiêm kích F-16 cho Ukraine sẽ là chủ đề tranh luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào tháng 7. Một trong các câu hỏi được đặt ra là bên nào sẽ huấn luyện phi công Ukraine vận hành tiêm kích F-16.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak hồi đầu tuần thông báo nước này và Hà Lan đang tìm cách thành lập liên minh quốc tế để giúp Ukraine nhận F-16 và huấn luyện phi công nước này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 15/5 cho biết nước này để ngỏ khả năng đào tạo phi công cho Ukraine.
Bất chấp tiêm kích phương Tây có thể mang đến năng lực lớn hơn cho Ukraine, lưới phòng không Nga sẽ buộc chúng bay thấp khi yểm trợ mặt đất và có thể hạn chế hiệu quả tác chiến, theo chuyên gia Justin Bronk tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI).
Vai trò của không quân ít nổi bật trong xung đột Nga - Ukraine do cả hai bên tham chiến đều không kiểm soát bầu trời, các trận giao tranh chủ yếu định hình bằng pháo binh. Các tổ hợp phòng không từ thời Liên Xô và do phương Tây sản xuất trong biên chế quân đội Ukraine ngăn tiêm kích Nga tiến xa hơn về phía tây.
Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, được Mỹ và các đồng minh sử dụng. F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.121 km/h ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m với tầm hoạt động 546 km. F-16 được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm, 11 giá treo có thể mang theo 7,7 tấn vũ khí.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét