UAV Bayraktar TB2 từng được coi là cứu tinh của Ukraine giai đoạn đầu chiến sự, nhưng Nga tăng cường tác chiến điện tử khiến chúng gần như biến mất.
Trong những tháng đầu sau khi xung đột Nga - Ukraine, máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 từng được ca ngợi là "cứu tinh của quân đội Ukraine" và được coi như mẫu vũ khí giúp Kiev thay đổi cục diện chiến sự, đẩy lùi lực lượng Nga ở miền bắc nước này.
Các video được Ukraine công bố trong giai đoạn đó cho thấy những chiếc TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo liên tục tập kích điểm tập kết binh sĩ, xe tăng, thiết giáp, phương tiện cơ giới Nga trên nhiều mặt trận, khiến chúng được ca ngợi là "khí tài của chiến trường tương lai".
Bayraktar TB2 rẻ, dễ chế tạo, với giá xuất xưởng khoảng một đến hai triệu USD mỗi chiếc, còn hệ thống hoàn chỉnh với đài điều khiển có chi phí 5 triệu USD.
Mỗi chiếc mang được tải trọng 150 kg, trong đó khối lượng vũ khí là 55 kg. TB2 được trang bị tên lửa dẫn đường bằng laser MAM-L với 4 loại đầu nổ có khối lượng tối đa 22 kg, giúp chúng tiêu diệt nhiều mục tiêu có giá trị lớn hơn nhiều.
Sự xuất hiện TB2 vào thời điểm khó khăn nhất đã giúp lực lượng Ukraine giữ vững được phòng tuyến và mang lại nguồn động viên tinh thần đáng kể cho binh sĩ và người dân nước này.
Chuyên gia Aaron Stein thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) ở Philadelphia, Mỹ, nhận định video do TB2 ghi lại và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội "là ví dụ hoàn hảo về chiến tranh hiện đại trong thời đại TikTok".
Nhưng ông Stein cũng thừa nhận nhược điểm của TB2 là tốc độ chậm và dễ bị phòng không đối phương bắn hạ, khiến vai trò của loại vũ khí này ngày càng suy giảm. Sau hơn 15 tháng chiến sự, mẫu UAV do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã gần như biến mất trên chiến trường Ukraine.
"Lực lượng Nga đã bắn hạ hơn 100 UAV Bayraktar TB2 được bàn giao cho Ukraine", phó tư lệnh Không quân Vũ trụ Nga Andrei Demin cho biết hồi tháng trước.
Số ít còn lại trong phi đội TB2 Ukraine chủ yếu đảm nhận một số nhiệm vụ trinh sát hạn chế. Căn cứ của Trung đoàn số 383, đơn vị phụ trách vận hành phi đội TB2, tại thành phố miền tây Khmelnitsky cũng từng nhiều lần bị Nga tập kích bằng tên lửa hành trình.
"Đánh giá chung với những dòng UAV như TB2 là chúng hoạt động rất hiệu quả nếu không phải đối mặt với mạng lưới phòng không, tác chiến điện tử phức tạp. Những chiếc TB2 bay thấp và tương đối chậm, dễ trở thành mục tiêu cho những hệ thống phòng không được tổ chức tốt. Điều này từng xảy ra ở Libya và vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh", Samuel Bendett, chuyên gia về UAV tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Sau nhiều thiệt hại vì TB2, lực lượng Nga đã rút kinh nghiệm, nhanh chóng cải thiện năng lực tác chiến điện tử để chế áp hoạt động của UAV đối phương. "Hàng loạt chiếc TB2 đã bị bắn hạ sau khi Nga chỉnh đốn phương thức tác chiến", Bendett nhận xét.
Các tổ hợp tác chiến điện tử của Nga như Krasukha-4 hay Borisoglebsk-2 được ví như "sát thủ vô hình" trên chiến trường, có thể gây nhiễu, vô hiệu hóa tín hiệu dẫn đường và chiếm quyền điều khiển UAV Ukraine.
Một số chuyên gia nhận định mối đe dọa từ lưới phòng thủ Nga khiến Ukraine phải hạn chế sử dụng dòng TB2. "Giờ đây chúng chủ yếu làm nhiệm vụ trinh sát và thu thập dữ liệu tình báo, thay vì tấn công đối phương. Khi không phải lao xuống tấn công, hệ thống cảm biến hiện đại trên TB2 cho phép chúng giữ khoảng cách an toàn trước các tổ hợp phòng không và tác chiến điện tử Nga", ông Bendett nói thêm.
Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) hôm 19/5 công bố báo cáo 30 trang về năng lực tác chiến của Nga tại Ukraine sau 15 tháng chiến sự, dựa trên các cuộc phỏng vấn binh sĩ thuộc 10 lữ đoàn Ukraine đã và đang đối đầu với lực lượng Nga suốt hơn một năm qua.
Báo cáo dẫn lời ba sĩ quan Ukraine giấu tên ước tính họ thiệt hại khoảng 10.000 UAV mỗi tháng, chủ yếu là do các hệ thống tác chiến điện tử của Nga.
Chủng loại UAV bị bắn hạ không được công bố, nhưng chuyên gia James Patton Rogers thuộc Đại học Nam Đan Mạch nhận định phần lớn là các mẫu phi cơ thương mại giá rẻ được dùng để trinh sát. "Con số này nhiều khả năng được phóng đại, nhưng vẫn cho thấy lực lượng tác chiến điện tử Nga đang hoạt động hiệu quả trước lượng lớn UAV Ukraine", ông nói.
Theo báo cáo của RUSI, Nga đang bố trí mạng lưới tổ hợp tác chiến điện tử dày đặc dọc chiến tuyến dài 1.200 km, trong đó cứ 10 km lại có một hệ thống chủ chốt. Chúng thường nằm cách tiền tuyến khoảng 6 km và chịu trách nhiệm vô hiệu hóa UAV đối phương.
Các đơn vị tác chiến điện tử Nga hiện được triển khai đến cấp trung đội và liên tục thay đổi phương án hoạt động. Những hệ thống mới như đài gây nhiễu Shipovnik-Aero rất khó phát hiện, có khả năng mô phỏng nhiều loại tín hiệu khác nhau và sở hữu nhiều biện pháp tiêu diệt UAV.
Hồi tháng 4, binh sĩ Ukraine thừa nhận các mẫu flycam DJI, vốn được sử dụng phổ biến trên chiến trường, đang nhanh chóng mất hiệu quả do liên tục bị gây nhiễu.
"Sau những thất bại ban đầu, quân đội Nga đã thích ứng với phương thức tác chiến của đối phương, dù vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức về tổ chức. Ukraine hiện vẫn nắm lợi thế, nhưng họ không được phép mất cảnh giác, nhất là khi lực lượng Nga liên tục thay đổi chiến thuật", báo cáo của RUSI có đoạn.
Vũ Anh (Theo Business Insider)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét