Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ ngày càng lo lắng khi Tổng thống Biden quá "kiệm lời", khiến phe Cộng hòa giành ưu thế truyền thông trong cuộc chiến trần nợ.
Một số nghị sĩ Dân chủ lo ngại việc Tổng thống Joe Biden hạn chế đưa ra các tuyên bố công khai về cuộc khủng hoảng trần nợ sẽ khiến ông lép vế trong cuộc chiến thông điệp với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cùng nhiều nghị sĩ Cộng hòa, những người gần đây liên tục đổ lỗi cho Nhà Trắng vì cuộc khủng hoảng trần nợ công.
Nhiều đảng viên Dân chủ khác cho rằng Tổng thống Biden đã sai lầm khi bác bỏ phương án kích hoạt Tu chính án thứ 14 để cứu Mỹ thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, trong bối cảnh phe Cộng hòa coi khủng hoảng trần nợ như công cụ để gây sức ép với Nhà Trắng.
Nỗi lo lắng lớn nhất của họ là công chúng Mỹ sẽ đổ lỗi cho ai nếu chính quyền không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ, hoặc phe Cộng hòa đưa ra các điều kiện quá hà khắc. Nếu Nhà Trắng không tích cực hơn trong cuộc chiến truyền thông, đảng Dân chủ sợ rằng cử tri sẽ trút cơn giận dữ lên chính Tổng thống Biden, theo giới quan sát.
Một nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện cho rằng Nhà Trắng cần phải sử dụng hiệu quả hơn nữa "đòn bẩy truyền thông" để tăng sức ép với phe Cộng hòa trong cuộc đàm phán.
"Tổng thống cần tận dụng tối đa quyền lực của người đứng đầu Nhà Trắng để gửi thông điệp tới người dân Mỹ về những gì đang thực sự bị đe dọa ở đây", nhà lập pháp này nói. "Đến giờ, công chúng vẫn chưa nhận được thông tin đầy đủ về những gì đang diễn ra và nó có tác động như thế nào đến quốc gia".
Nỗi bất an của đảng Dân chủ đối với Tổng thống Biden không phải điều gì mới, nhưng nó diễn ra vào thời điểm cực kỳ nhạy cảm, khi ông vừa khởi động nỗ lực tái tranh cử.
Các cuộc đàm phán về nâng trần nợ công giữa Tổng thống Biden với phe Cộng hòa tại Hạ viện do McCarthy dẫn đầu đến nay vẫn đình trệ và theo Bộ Tài chính, chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 5/6.
Một đảng viên Dân chủ khác tại Hạ viện than thở rằng Tổng thống Biden và Nhà Trắng chỉ tuyên bố trước ống kính truyền hình về việc nâng trần nợ, nhưng chưa thúc đẩy các biện pháp cắt giảm chi tiêu trong tương lai.
"Có vẻ như đảng Cộng hòa đang đánh bại chúng tôi trong cuộc chiến truyền thông", ông nói. "Nhà Trắng cần nhận ra rằng thông điệp của mình không được truyền tải và nhanh chóng có một số hành động quyết liệt để khắc phục điều đó và đảm bảo rằng họ sẽ khiến nhiều người lắng nghe mình hơn".
Hạ nghị sĩ Dân chủ Pramila Jayapal cho biết Tổng thống Biden có thể phải trả giá bằng việc để mất lòng các cử tri tiến bộ, những người từng đóng vai trò quan trọng giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020, nếu ông đồng ý với một thỏa thuận cho phép đảng Cộng hòa hiện thực hóa các ưu tiên cắt giảm ngân sách của họ.
"Tôi tin chắc Tổng thống biết rõ rằng chính một liên minh đa dạng, rất sôi nổi đã đưa ông vào Nhà Trắng và ông vẫn sẽ cần liên minh đó một lần nữa vào năm 2024", Jayapal cho hay, đồng thời cảnh báo về "những tác động của việc thực hiện một thỏa thuận tồi tệ cho phép đảng Cộng hòa đưa ra những quan điểm hoàn toàn vô lý".
"Tôi đã ủng hộ nhiệt tình Tổng thống trong những năm qua", bà nói thêm. "Tất cả những gì chúng tôi đã làm đều có được nhờ mối quan hệ đối tác, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau giữa Nhà Trắng và đảng Dân chủ, trong đó có cả nhóm cử tri tiến bộ. Tôi nghĩ Tổng thống cần nhớ điều này bởi nếu chúng ta bị lép vế trong một thỏa thuận tồi tệ, phản ứng sẽ vô cùng dữ dội... Điều đó cũng sẽ là một trở ngại khủng khiếp cho các cuộc đàm phán trong tương lai".
Hạ nghị sĩ Dân chủ Cori Bush lưu ý rằng Tổng thống Biden nên ghi nhớ vai trò của "những người đã ủng hộ và thúc đẩy chương trình nghị sự mà ông theo đuổi", đồng thời tiếp cận thêm những người chưa đủ 18 tuổi vào năm 2020, nhưng sẽ đủ điều kiện bỏ phiếu vào năm sau.
Bà cảnh báo liên minh tái tranh cử của Tổng thống Biden sẽ "không được lợi ích gì" nếu ông chấp nhận một thỏa thuận với đảng Cộng hòa mà theo đó chính phủ phải cắt giảm ngân sách cho những điều quan trọng như chương trình giáo dục để đổi lấy việc nâng trần nợ công.
Nghị sĩ Dân chủ Jim Clyburn, đồng minh của Tổng thống Biden, cho biết ông chủ Nhà Trắng nên thương lượng hết mức có thể với phe Cộng hòa, nhưng nếu đối phương không chịu nhượng bộ, ông hoàn toàn có thể kích hoạt Tu chính án thứ 14 để đơn phương thanh toán các hóa đơn cho chính phủ.
Tu chính án thứ 14 cấm hành vi thoái thác trả nợ công, đồng nghĩa mọi hành vi ngừng thanh toán các khoản nợ và chi tiêu liên bang là vi hiến. Bởi vậy, nếu ông Biden kích hoạt điều khoản này, trần nợ do các nhà lập pháp đặt ra đối với nợ liên bang không được công nhận.
Điều đó sẽ giúp Tổng thống Biden có quyền ra lệnh thanh toán các khoản nợ của quốc gia dù chúng đã vượt mức trần 31.400 tỷ USD mà quốc hội đề ra. Đây là lựa chọn mà nhiều cử tri tiến bộ trong đảng Dân chủ khuyến khích Tổng thống áp dụng.
Một cuộc thăm dò do Đại học Monmouth công bố hôm 24/5 cho thấy 34% số người tham gia khảo sát tán thành cách Tổng thống Biden xử lý vấn đề nợ công, 32% tán thành cách các đảng viên Dân chủ trong quốc hội tiếp cận vấn đề và 29% đồng ý với các đảng viên Cộng hòa.
Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát từ hãng thăm dò dư luận Marist, 45% người trưởng thành ở Mỹ đổ lỗi cho đảng Cộng hòa về nguy cơ vỡ nợ, nhưng cũng có 43% đổ lỗi cho Tổng thống Biden.
Với nhiều đảng viên Dân chủ, cơn giận dữ của họ chủ yếu nhắm đến Chủ tịch Hạ viện McCarthy và các đảng viên Cộng hòa vì đã gạt các thỏa hiệp của họ khỏi bàn đàm phán, như đề xuất về các khoản thu thuế mới và cắt giảm chi tiêu quân sự. Điều này khiến danh sách các khoản chi tiêu có thể cắt giảm vốn đã ít ỏi nay càng trở nên hạn hẹp.
"Kevin McCarthy có quá nhiều lằn ranh đỏ", nghị sĩ Dân chủ Brendan Boyle nói.
Khi được hỏi hôm 24/5 rằng tại sao ông không chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào với đảng Dân chủ trong các cuộc đàm phán nâng trần nợ công, McCarthy tuyên bố các khoản cắt giảm chi tiêu mà đảng Cộng hòa đề ra chính là sự nhượng bộ.
Nghị sĩ Pete Aguilar cho rằng về mặt lý thuyết, đáp ứng tất cả yêu cầu về ngân sách của Chủ tịch Hạ viện McCarthy là bất khả thi.
"Việc đạt được con số ngân sách mà ông ấy mong muốn ngày càng trở nên khó khăn", Aguilar nói. "Nó sẽ khiến chúng ta phải cắt giảm hơn 30% chi tiêu cho mọi thứ, từ phúc lợi cho trẻ em trong các gia đình thu nhập thấp đến chương trình hỗ trợ bữa ăn cho người nghèo".
Vũ Hoàng (Theo NBC News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét