Thủ tướng Armenia sẵn sàng công nhận vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh thuộc chủ quyền Azerbaijan, với điều kiện an ninh của người gốc Armenia được bảo đảm.
"Nếu hai bên hiểu đúng ý nhau, Armenia sẽ công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan theo ranh giới được ấn định với tổng diện tích 86.600 km2, trong đó có khu vực Nagorno-Karabakh. Đổi lại họ sẽ công nhận lãnh thổ rộng 29.800 km2 của chúng tôi", Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết hôm nay.
Tuy nhiên, ông Pashinyan khẳng định chỉ thực hiện động thái này nếu Azerbaijan bảo đảm quyền lợi và an ninh cho người gốc Armenia tại vùng Nagorno-Karabakh, cho rằng cần thảo luận vấn đề này trong những cuộc đàm phán song phương.
"Chúng tôi vẫn duy trì cam kết với hòa bình trong khu vực, đồng thời hy vọng có thể đạt thỏa thuận trên văn bản và ký hiệp ước hòa bình trong tương lai gần", Thủ tướng Armenia nói.
Giới chức Azerbaijan chưa bình luận về thông tin.
Armenia và Azerbaijan từng xảy ra hai cuộc chiến tranh vào thập niên 1990 và năm 2020 liên quan vùng lãnh thổ ly khai Nagorno-Karabakh, vốn tách khỏi Azerbaijan kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát khu vực này sau cuộc chiến đầu những năm 1990.
Cuộc chiến 6 tuần mùa thu năm 2020 giữa hai bên khiến hơn 6.500 người thiệt mạng, giúp Azerbaijan giành lại một phần lãnh thổ từ phe ly khai. Xung đột kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn với Nga làm trung gian.
Theo thỏa thuận, Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để giám sát tình hình, nhưng căng thẳng vẫn tiếp diễn khi hai bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Hồi tháng 9/2022, Armernia và Azerbaijan tố cáo nhau tập kích mục tiêu quân sự qua biên giới khiến gần 100 binh sĩ đã thiệt mạng.
Một nhóm người Azerbaijan phong tỏa hành lang Lachin, con đường duy nhất vào Nagorno-Karabakh từ Armenia, từ tháng 12/2022 để phản đối cái họ gọi là hoạt động khai khoáng trái phép đang tàn phá môi trường, khiến khu vực khoảng 120.000 dân này thiếu thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu.
Armenia cáo buộc Azerbaijan "gây áp lực kinh tế và tâm lý nhằm kích động đợt di cư của người Armenia" khỏi Nagorno-Karabakh, mô tả đây là hành động "thanh lọc sắc tộc". Baku bác bỏ, cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình Nga và Chữ thập Đỏ vẫn đảm bảo hàng hóa dân sự được chuyển tới Nagorno-Karabakh.
Vũ Anh (Theo TASS, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét