Khi Tổng thư ký NATO Stoltenberg sắp hết nhiệm kỳ trong vài tháng tới, liên minh đang tìm kiếm người thay thế ông nhưng chưa có ứng viên thực sự tiềm năng.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, 64 tuổi, dự kiến rời vị trí vào tháng 9, sau 9 năm đảm nhận vai trò người đứng đầu của liên minh quân sự này.
Nhiều thành viên liên minh muốn xác định người kế nhiệm ông trong hay thậm chí trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva vào giữa tháng 7. Điều này khiến cho 31 thành viên liên minh không có nhiều thời gian để tìm kiếm sự đồng thuận cần thiết trong việc chọn ra lãnh đạo mới. Họ cũng có thể yêu cầu ông Stoltenberg gia hạn nhiệm kỳ lần thứ tư.
Bất kỳ ai nắm quyền vào thời điểm hiện tại cũng đối mặt với thách thức là duy trì sự ủng hộ của liên minh với Ukraine trong khi đề phòng bất kỳ leo thang nào có thể kéo NATO vào cuộc chiến trực tiếp với Nga.
Anders Fogh Rasmussen, cựu lãnh đạo NATO, nói rằng liên minh không nên vội vàng quyết định. "Tân tổng thư ký NATO phải đáp ứng hai yêu cầu: một là có thể duy trì sự đoàn kết của liên minh và hai là có tiếng nói cứng rắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như các lãnh đạo khác đang đe dọa liên minh", ông bình luận.
Cuộc tìm kiếm tân tổng thư ký NATO diễn ra một cách âm thầm trong những cuộc tham vấn giữa các lãnh đạo và nhà ngoại giao. Những cuộc tham vấn đó tiếp tục cho đến khi tất cả thành viên NATO đạt đồng thuận.
"Giống như khi Vatican chọn Giáo hoàng mới, mọi thứ ở trụ sở NATO đều diễn ra trong thầm lặng", Jamie Shea, cựu quan chức cấp cao NATO từng phục vụ liên minh 38 năm, nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, 53 tuổi, tuần trước ám chỉ ông muốn đảm nhận vị trí này. Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao cho rằng Wallace khó có thể trở thành lãnh đạo liên minh, dù ông nhận được sự tôn trọng rộng rãi trong khối. Nhiều người muốn một cựu thủ tướng hoặc tổng thống giữ vị trí để đảm bảo lãnh đạo liên minh có ảnh hưởng chính trị cấp cao nhất. Ông Jens Stoltenberg từng là thủ tướng Na Uy năm 2005 - 2013.
Khi một số chính phủ thúc đẩy ý tưởng về nữ tổng thư ký đầu tiên, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, 45 tuổi, nổi lên như một ứng cử viên nặng ký. Một số khác, đặc biệt là Pháp, muốn ứng cử viên là một người từ quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU), với hy vọng tăng cường hợp tác giữa NATO và EU.
Frederiksen đáp ứng tất cả tiêu chí trên. Các nhà ngoại giao NATO nói phía sau hậu trường, vai trò ứng viên của Frederiksen đang được xem xét nghiêm túc.
Truyền thông tuần này càng chú ý tới Thủ tướng Đan Mạch khi Nhà Trắng thông báo bà sẽ đến gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào đầu tháng 6.
"Tôi không nộp đơn ứng cử bất kỳ vị trí nào", bà Frederiksen nói với phóng viên ở Copenhagen hôm 24/5, bác bỏ suy đoán rằng chuyến thăm có thể là "cuộc phỏng vấn" cho vai trò lãnh đạo NATO. Tuy nhiên, Frederiksen cũng không bày tỏ rằng bà không hứng thú với vị trí này.
Dù vai trò tổng thư ký NATO theo truyền thống thuộc về một người châu Âu, bất kỳ ứng viên nào cũng cần nhận được ủng hộ từ Mỹ, cường quốc dẫn đầu liên minh. Nguồn tin am hiểu quan điểm của Mỹ cho biết chính quyền ông Biden vẫn chưa tìm được ứng viên thực sự yêu thích và các trợ lý hàng đầu của chính quyền đang "tranh luận sôi nổi" về vấn đề này.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng "còn quá sớm để suy đoán về người mà Mỹ ủng hộ".
Bà Frederiksen đã trở thành thủ tướng Đan Mạch trẻ nhất trong lịch sử vào năm 2019, khi nhậm chức ở tuổi 41. Bà được ca ngợi về khả năng quản lý khủng hoảng trong đại dịch Covid-19 và giành được nhiệm kỳ thứ hai vào năm ngoái.
Bà sẽ phải từ bỏ vai trò thủ tướng nếu trở thành lãnh đạo NATO, điều mà các nhà bình luận chính trị cho rằng sẽ khiến chính phủ Đan Mạch gặp rủi ro. Hơn nữa, chiến dịch chạy đua cho vị trí tổng thư ký NATO sẽ không thuận buồm xuôi gió vì Đan Mạch đã không đạt mục tiêu ngân sách của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng. Mức chi hiện tại của Đan Mạch là 1,38%, dù bà Frederiksen cam kết đẩy nhanh nỗ lực để đạt mục tiêu.
Một số đồng minh cho rằng trọng trách nên lần đầu được giao cho một người ở khu vực Đông Âu, đặc biệt khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến khu vực trở nên quan trọng hơn với NATO.
Nếu bà Frederiksen đảm nhận vai trò lãnh đạo, bà sẽ trở thành lãnh đạo NATO thứ ba liên tiếp đến từ một nước Bắc Âu.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (từng giữ vai trò bộ trưởng quốc phòng Đức dưới thời Angela Merkel), và Phó thủ tướng Canada Chrystia Freeland cũng xuất hiện trong các cuộc thảo luận về vị trí ứng viên tổng thư ký NATO.
Song các nhà ngoại giao nói rằng Kallas được coi là có lập trường quá cứng rắn với Nga, trong khi Berlin muốn bà von der Leyen tiếp tục vai trò ở Ủy ban châu Âu. Freeland đối mặt với những trở ngại lớn khi không phải là người châu Âu và đến từ một quốc gia có ngân sách quốc phòng thấp hơn các nước khác trong liên minh.
Những cái tên khác cho vị trí này là Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Song ông Rutte khẳng định không muốn đảm nhận công việc ở NATO và ông Sanchez sẽ đối mặt với cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay.
Một số nhà ngoại giao lo ngại rằng nhiều ứng viên có thể không nhận được ủng hộ từ ông Recep Tayyip Erdogan, người dự kiến tái đắc cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và không ngần ngại cản trở các quyết định của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Hungary, đang cản trở nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.
Sự thiếu hụt các ứng viên được ủng hộ mạnh mẽ làm dấy lên khả năng nhiệm kỳ của ông Stoltenberg được gia hạn một lần nữa, cho đến khi hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo tổ chức vào năm 2024. Thực tế, nhiệm kỳ của Stoltenberg vốn kết thúc vào tháng 10/2022 và ông từng có kế hoạch nhậm chức thống đốc ngân hàng trung ương ở quê nhà Na Uy. Tuy nhiên, NATO hồi tháng 3 năm ngoái nhất trí để ông kéo dài nhiệm kỳ thêm một năm vì khủng hoảng Ukraine.
Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, Stoltenberg khẳng định nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào mùa thu năm nay. "Kế hoạch của tôi là trở về Na Uy, tôi đã ở đây quá lâu rồi", ông Stoltenberg nói tại Bỉ hồi tháng 4.
"Càng nhiều cái tên được đưa ra, thực tế càng rõ ràng rằng không có ứng viên nào tiềm năng", một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu nói.
Thanh Tâm (Theo Reuters, Politico)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét