Cam kết hỗ trợ gần 4 tỷ USD cho 5 nước Trung Á, ông Tập muốn gửi thông điệp rằng Trung Quốc là đối tác hào phóng và đáng tin cậy.
Chủ trì hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á tại thành phố Tây An ở tỉnh Thiểm Tây, đầu phía đông của Con đường Tơ lụa cổ xưa, Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 19/5 cam kết chi 3,72 tỷ USD "hỗ trợ tài chính và viện trợ" cho 5 quốc gia Trung Á, gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan.
Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi Trung Quốc thiết lập quan hệ với các quốc gia Trung Á cách đây 31 năm. Giới quan sát cho rằng các cam kết hỗ trợ được đưa ra tại hội nghị này là một phần trong nỗ lực của ông Tập nhằm thể hiện Trung Quốc là đối tác hào phóng và đáng tin cậy với Trung Á, khu vực từng thuộc phạm vi ảnh hưởng của Nga.
Hội nghị cũng diễn ra trong bối cảnh các lãnh đạo G7 nhóm họp tại Hiroshima, Nhật Bản để thảo luận về các vấn đề nóng của thế giới, trong đó có quan hệ với Trung Quốc. Trong tuyên bố chung ngày 20/5, G7 cảnh báo Trung Quốc về các hoạt động "quân sự hóa" ở châu Á - Thái Bình Dương, dù mong muốn xây dựng quan hệ ổn định với Bắc Kinh.
Theo Meaghan Tobin, nhà phân tích của Washington Post, điều này cho thấy ông Tập đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Trung Á, nhằm thúc đẩy một thế giới đa cực, nơi Mỹ không còn là siêu cường toàn cầu duy nhất.
"Các nước Trung Á hiểu rằng trong thế giới đa cực này, họ được kỳ vọng sẽ đứng về phía Nga và Trung Quốc", Niva Yau, thành viên của Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương ở Bishkek, Kyrgyzstan, nhận định.
Trung Á từng là nơi Con đường Tơ lụa lịch sử nối liền Trung Quốc với châu Âu đi qua. Khu vực này những năm qua trở thành chìa khóa cho Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc.
"Một năm trước, đã có rất nhiều cuộc thảo luận trong khu vực về việc liệu Trung Á có cần xoay trục, hướng về phương Tây hay không. Những gì diễn ra gần đây cho thấy Trung Á đã thể hiện lựa chọn của mình", Niva Yau nói thêm.
Ông Tập nói với các lãnh đạo Trung Á rằng Trung Quốc có thể hỗ trợ khu vực xây dựng năng lực quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật. Trong hội nghị thượng đỉnh, ông đã gặp từng lãnh đạo và ký kết các thỏa thuận song phương thúc đẩy đầu tư thương mại, cơ sở hạ tầng và công nghệ, thực hiện các thỏa thuận du lịch không cần visa.
Nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á diễn ra trong bối cảnh khu vực và thế giới chứng kiến nhiều biến động phức tạp liên quan đến chiến sự Ukraine. Tại hội nghị ở Tây An, Chủ tịch Tập Cận Bình đảm bảo với các nước Trung Á rằng "chủ quyền, an ninh, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ" của họ phải được bảo vệ.
Dù châu Âu và Mỹ đã cử các phái đoàn cấp cao tới Trung Á kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra cuối tháng 2/2022, giới phân tích cho rằng các nước trong khu vực đã không nhận được nhiều đầu tư từ phương Tây như họ mong muốn.
Trong khi đó, Trung Quốc đã dành nhiều ưu tiên cho Trung Á. Kazakhstan là điểm dừng đầu tiên của ông Tập trong chuyến công du nước ngoài sau ba năm Trung Quốc đóng biên ngăn Covid-19. Chuyến thăm diễn ra khi ông Tập trên đường tới Uzbekistan dự hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, vốn được Nga và Trung Quốc đồng sáng lập để đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây.
Kazakhstan cũng là nơi ông Tập khởi động Sáng kiến Vành đai và Con đường năm 2013, trong đó Trung Quốc mạnh tay đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực Trung Á. Thương mại giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á đạt mức kỷ lục 70 tỷ USD trong năm 2022, tăng 22% trong quý đầu tiên năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.
Tại hội nghị ở Tây An ngày 19/5, ông Tập thông báo Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc mở rộng đường ống với Trung Á mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và Công ty Quốc gia KazMunayGas của Kazakhstan đồng ý khai thác.
Kyrgyzstan gần đây cũng nhất trí giao dịch với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Khi quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Nga ngày càng sâu sắc, đồng nhân dân tệ đã trở thành loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Moskva. Các nước từ Brazil tới Bangladesh cũng bày tỏ quan tâm tới giao dịch sử dụng nhân dân tệ.
Bắc Kinh coi việc thúc đẩy thịnh vượng kinh tế ở Trung Á là chìa khóa để ngăn nguy cơ bạo lực và bất ổn ở khu vực Tân Cương. Trong tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Tây An, các lãnh đạo Trung Á đã đảm bảo rằng họ sẽ không can thiệp vào chính sách của Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong, Đài Loan hoặc Tân Cương.
Phát biểu tại tiệc chào mừng các lãnh đạo Trung Á tới dự hội nghị thượng đỉnh, ông Tập khẳng định tăng cường quan hệ với khu vực này là "lựa chọn chiến lược" của Bắc Kinh, kêu gọi mở ra tương lai tươi sáng cho quan hệ của Trung Quốc với Trung Á.
"Ông Tập sẽ định vị mình là lãnh đạo có thể thúc đẩy hòa bình và phát triển toàn cầu", Zhiqun Zhu, giáo sư quan hệ quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học Bucknell ở Mỹ, nhận định về nỗ lực của ông Tập nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á và trên thế giới.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét