Tuyên bố bắn hạ một tên lửa Kinzhal bằng hệ thống Patriot không đồng nghĩa Ukraine đã tìm được cách đối phó vũ khí này để có thể ăn mừng.
Tư lệnh không quân Ukraine Mykola Oeshchuk hôm 5/5 tuyên bố hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ một tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga trên bầu trời Kiev trước đó một ngày. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder hôm 9/5 xác nhận "Ukraine đã bắn hạ một tên lửa Nga bằng hệ thống phòng thủ Patriot" khi được đề nghị bình luận về thông tin.
Dù vậy, giới chức Ukraine vẫn tỏ ra thận trọng sau tuyên bố trên. "Ukraine có rất ít vũ khí đủ sức đánh chặn tên lửa Kh-47 Kinzhal và không đủ khí tài để bảo vệ các thành phố lớn. Tổ hợp Patriot cũng chưa từng đối phó mục tiêu nào như vậy. Vì vậy, còn quá sớm để ăn mừng", phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ignat nói.
Giới chuyên gia phương Tây cũng nhận định ngay cả khi Ukraine đánh chặn được tên lửa Kinzhal, đây có thể là trường hợp riêng lẻ và Kiev chưa thể yên tâm về năng lực của lưới phòng không.
"Hệ thống Patriot PAC-3 có thể đã hạ tên lửa Kinzhal, nhưng xét về mặt thống kê, một vụ đánh chặn thành công không thể hiện được gì. Nó cũng không đồng nghĩa lưới phòng không Ukraine đủ sức đối phó các đòn tập kích ồ ạt bằng tên lửa hành trình và đạn đạo của Nga", chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Middlebury ở Mỹ nhận xét.
Trong khi đó, TASS, hãng thông tấn nhà nước Nga, ngày 11/5 dẫn lời một quan chức giấu tên trong Bộ Quốc phòng nước này bày tỏ hoài nghi về tuyên bố Ukraine đánh chặn tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.
"Khả năng cơ động trong giai đoạn cuối và đường bay gần như thẳng đứng khi sắp lao xuống mục tiêu của Kinzhal khiến nó xuyên thủng được các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay", quan chức này cho hay.
Theo quan chức Nga, các thông báo bắn hạ tên lửa do quân đội Ukraine công bố là "nỗ lực bào chữa" cho tốc độ tiêu thụ đạn phòng không quá cao và quảng bá về hiệu quả của những hệ thống trong biên chế.
Một cựu sĩ quan không quân Ấn Độ giấu tên am hiểu về Patriot cho rằng hệ thống phòng không của Mỹ không phải là lá chắn bất khả xâm phạm.
"Rất khó xác định hướng và vị trí đối phương khai hỏa tên lửa phóng từ máy bay như Kinzhal, điều này sẽ gây khó khăn cho nỗ lực đánh chặn. Quả đạn Kinzhal chỉ có thể bị hạ trong quá trình lao tới đích, khi chúng đã rất gần mục tiêu và có thể gây thiệt hại ngoài dự tính dưới mặt đất", người này nói.
Tướng về hưu Mark Hertling, cựu chỉ huy lục quân Mỹ tại châu Âu, cảnh báo quân đội Ukraine sẽ phải sử dụng hệ thống Patriot rất tiết kiệm, do số lượng tổ hợp biên chế quá ít và không có nhiều đạn dự trữ. Điều đó cũng dẫn tới nguy cơ lưới phòng không Ukraine bị xuyên thủng khi Nga phóng lượng lớn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) về phía mục tiêu.
"Tổ hợp này có thể đánh chặn nhiều loại mục tiêu, nhưng sẽ rất phí phạm nếu dùng quả đạn trị giá 3-5 triệu USD để chặn UAV và tên lửa có giá vài chục nghìn đến vài trăm nghìn USD. Điều tốt nhất là nó giải tỏa áp lực cho các hệ thống tầm ngắn và tầm trung, cho phép chúng đối phó UAV và tên lửa đối phương", tướng Hertling nhận xét.
Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh, tương đương hơn 6.200 km/h. Nhờ quỹ đạo bay phức tạp và tốc độ rất cao, vũ khí siêu vượt âm có khả năng sát thương cao hơn và gần như không thể bị đánh chặn bằng các lá chắn phòng thủ hiện nay.
Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal là một trong 6 siêu vũ khí được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố năm 2018.
Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa Kinzhal hồi tháng 3/2022, khi tấn công một kho vũ khí lớn ở tỉnh Ivano-Frankivsk, miền tây Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó cho rằng Kinzhal là "vũ khí có tác động lớn nhưng không tạo ra nhiều khác biệt, ngoại trừ việc gần như không thể bị đánh chặn".
Tổng giám đốc tập đoàn quốc phòng Nga Rostec Sergey Chemezov hôm 7/5 cho biết số tên lửa Kinzhal được sản xuất đang tăng lên đáng kể. "Dây chuyền chế tạo đã hoàn thiện từ lâu, nhưng ban đầu chưa đòi hỏi lượng tên lửa như yêu cầu hiện nay. Chúng tôi đang tăng tốc độ xuất xưởng", ông nói.
Vũ Anh (Theo Eurasia Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét