Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Đề án cải cách tư pháp khiến người Israel biểu tình suốt 13 tuần

Đề án cải cách của chính phủ Israel sẽ tăng mức kiểm soát của quốc hội với hệ thống tư pháp và giới hạn quyền lực của Tòa án Tối cao, khiến nhiều người lo ngại.

Hàng nghìn người Israel đã xuống đường ở Tel Aviv ngày 1/4, trong tuần thứ 13 liên tiếp biểu tình phản đối cuộc đại tu tư pháp. Những cuộc biểu tình nhỏ hơn cũng diễn ra ở các thành phố khác.

Làn sóng biểu tình đã nổ ra vào tháng 1 sau khi liên minh cầm quyền công bố gói cải cách mà chính phủ cho là cần thiết để tái cân bằng quyền lực giữa các nhà lập pháp và cơ quan tư pháp. Nhiều hoạt động kinh tế và xã hội Israel đầu tuần trước rơi vào cảnh tê liệt khi nhân viên cảng, sân bay và ngành bán lẻ đình công, bãi thị.

Đối mặt với làn sóng biểu tình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 27/3 thông báo hoãn thảo luận về đề án đến kỳ họp tháng 4 của quốc hội. Động thái này chưa thể xoa dịu được người biểu tình, những người muốn giới chức từ bỏ kế hoạch.

Cảnh sát dùng vòi rồng với người biểu tình phản đối đề án cải cách tư pháp ở Tel Aviv, Israel ngày 1/4. Ảnh: AFP

Cảnh sát dùng vòi rồng với người biểu tình phản đối cải cách tư pháp ở Tel Aviv, Israel ngày 1/4. Ảnh: AFP

Những dự luật nằm trong gói cải cách hệ thống tư pháp sẽ tăng mức kiểm soát của quốc hội Israel, còn gọi là Knesset, đối với hệ thống tư pháp. Điều đó đồng nghĩa gia tăng quyền lực cho liên minh đảng cầm quyền do ông Netanyahu và các đồng minh cánh hữu dẫn dắt.

Israel không có hiến pháp thành văn, thay vào đó là một tập hợp các Luật Cơ bản về quyền cùng nghĩa vụ công dân và tổ chức nhà nước, có ý nghĩa tương đương hiến pháp. Điều này khiến Tòa án Tối cao Israel, cơ quan phân xử và diễn giải luật cấp cao nhất trong hệ thống tư pháp, nắm quyền lực rất lớn và cũng trở thành cơ quan duy nhất đủ khả năng giám sát quyền lực của Knesset.

Bổ nhiệm thẩm phán

Một trong những dự luật quan trọng nhất trong đề án là điều chỉnh thành phần ủy ban bổ nhiệm thẩm phán. Chính quyền Netanyahu muốn chính phủ chiếm đa số trong 9 ghế thành viên ủy ban đặc biệt này. Ông Benjamin Netanyahu lập luận rằng một số nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, xây dựng cơ chế cho phép cơ quan lập pháp phê duyệt đề cử thẩm phán liên bang.

Hạn chế quyền lực Tòa án Tối cao

Thủ tướng Israel và người ủng hộ cho rằng Tòa án Tối cao trong những năm qua đã trở thành một tổ chức cao ngạo và xa cách với thực tế xã hội, không đại diện đúng cho những kỳ vọng của người dân, vượt thẩm quyền và can thiệp vào nhiều vấn đề họ không nên can thiệp.

Một nội dung quan trọng khác trong gói cải cách là điều khoản về "lật ngược" phán quyết của tòa, trao thêm cho quốc hội Israel quyền thông qua những đạo luật từng bị tòa án ra phán quyết vô hiệu hóa, đặc biệt là những phán quyết của Tòa án Tối cao.

Những người ủng hộ cải cách cho rằng tòa án cấp cao nhất của đất nước không nên can thiệp vào nguyện vọng của nhân dân và nguyện vọng đó thể hiện qua lá phiếu đã bầu ra các nghị sĩ trong Knesset.

"Người dân bỏ phiếu, thế nhưng hết lần này đến lần khác những người không do nhân dân bầu ra lại định đoạt mọi thứ", Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tư pháp Yariv Levin, người được xem là kiến trúc sư trưởng của đề án cải cách, nói hồi tháng 1.

Liên minh đảng cầm quyền còn muốn ngăn Tòa án Tối cao can thiệp vào quá trình xây dựng các luật bổ sung vào tập hợp Luật Cơ bản Israel. Nếu muốn vô hiệu hóa một luật, Tòa án Tối cao cần đạt được nhất trí giữa tất cả thẩm phán thay vì nguyên tắc đa số.

Quy định về phế truất thủ tướng

Trước khi biểu tình bùng phát ở Israel, Knesset đã thông qua đạo luật về những trường hợp thủ tướng đương nhiệm bị xem là "không phù hợp với cương vị", điều chỉnh còn hai trường hợp là thủ tướng không còn đủ năng lực sức khỏe hoặc tinh thần để đảm trách nhiệm vụ. Ngoài ra, chính thủ tướng phải là người duyệt tuyên bố mình không còn phù hợp hoặc quyết định được hơn 2/3 nội các thông qua.

Nội dung này trong gói cải cách tư pháp có tác động trực tiếp đến Thủ tướng Netanyahu. Phe đối lập cho rằng ông Netanyahu muốn đẩy nhanh lộ trình cải cách để củng cố ghế lãnh đạo trước khi ra tòa vì những cáo buộc tham nhũng và gian lận tài chính.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại phiên họp của quốc hội ngày 27/3 về hoãn đề án cải cách hệ thống tư pháp. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (hàng đầu) tại phiên họp của quốc hội ngày 27/3 về hoãn đề án cải cách hệ thống tư pháp. Ảnh: Reuters

Ông Netanyahu luôn khẳng định mình không làm gì sai, song ông từng phải xác nhận với tòa án bản thân có "mâu thuẫn lợi ích" vì giữ cương vị thủ tướng giữa thời điểm đang chịu truy tố.

Những người chỉ trích đề án cải cách cho rằng chính quyền Netanyahu muốn bổ nhiệm thẩm phán đứng về phe ông và sẵn sàng ra các phán quyết có lợi cho ông, cả trên phương diện xây dựng luật và rủi ro pháp lý cá nhân.

Lo ngại

Cuộc cải cách ngành tư pháp đã thổi bùng lo ngại trong mọi mặt xã hội - kinh tế Israel, từ tài chính, kinh doanh cho đến an ninh. Phe phản đối cho rằng Knesset đang quá tham vọng tăng quyền mà không màng đến viễn cảnh mô hình nhà nước mất cân bằng, trong đó nhánh lập pháp có quyền lực quá lớn.

Người dân lo ngại hệ thống tư pháp Israel bị tước đi tính độc lập cần thiết và không còn đủ khả năng bảo vệ những quyền chưa được cụ thể hóa thành Luật Cơ bản, trong đó có quyền của người thiểu số và quyền tự do biểu đạt.

Theo khảo sát của Viện Dân chủ Israel được công bố vào tháng 2, khoảng 72% người tham gia biểu tình muốn phe cầm quyền thỏa hiệp và nhượng bộ, 66% giữ quan điểm Tòa án Tối cao cần có quyền chặn luật và 63% cho rằng Israel không nên thay đổi cơ chế bổ nhiệm thẩm phán.

Amir Yaron, thống đốc ngân hàng trung ương Israel, cho rằng các nỗ lực cải cách hệ thống tư pháp đang diễn qua quá hấp tấp và đe dọa kinh tế quốc gia, điển hình là việc công ty an ninh mạng Wiz của Israel tuyên bố không rút số vốn 300 triệu USD vừa huy động được ở nước ngoài về nước vì tình hình xã hội rối loạn.

Cựu thủ tướng Yair Lapid chỉ trích đề án cải cách tư pháp đã phơi bày thực trạng Israel "đang bị bắt làm con tin bởi một nhóm chính trị gia cực đoan không biết điểm dừng hay giới hạn quyền lực". Trong khi đó, Tổng thống Isaac Herzog lên án quốc hội đang "lầm lạc, hung hăng và làm suy yếu những nền tảng dân chủ của đất nước". Ông thậm chí cảnh báo Israel đang bên bờ vực nội chiến nếu liên minh cầm quyền không nhượng bộ.

Một số cựu lãnh đạo tình báo Mossad cũng lên tiếng phản đối cải cách, cho rằng tham vọng của liên minh cầm quyền đang gây ra chia rẽ nghiêm trọng và đe dọa an ninh quốc gia. Hàng trăm quân nhân dự bị đã tuyên bố sẽ từ chối nhập ngũ nếu quốc hội kiên quyết thực hiện đề án.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 28/3 cũng kêu gọi Thủ tướng Israel "từ bỏ kế hoạch". Israel là đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông. Washington ủng hộ Israel ngay từ khi nước này thành lập năm 1948, đã viện trợ tài chính và hỗ trợ Israel phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt.

Đáp lại ông Biden, ông Netanyahu khẳng định Israel là một quốc gia có chủ quyền, ra các quyết định dựa trên mong muốn của người dân và "không dựa trên áp lực từ nước ngoài, kể cả từ những người bạn tốt nhất".

"Chính quyền Israel cam kết củng cố nền dân chủ bằng cách khôi phục ba cán cân của chính phủ, điều chúng tôi đang cố gắng đạt được thông qua sự đồng thuận", ông Netanyahu nhấn mạnh.

Thanh Danh (Theo CNN, AFP, Al Jazeera)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét