Giới lãnh đạo quân sự Mỹ đưa ra lời kể bất nhất về lý do họ không lập tức bắn hạ khí cầu Trung Quốc hồi cuối tháng 1, khiến phe Cộng hòa chỉ trích chính quyền Biden.
Mỹ hôm 4/2 triển khai tiêm kích bắn hạ khí cầu Trung Quốc vì cho rằng đây là khí cầu do thám, bất chấp Bắc Kinh giải thích đó là khí cầu dân sự phục vụ mục đích nghiên cứu khí tượng bay lạc vào lãnh thổ Mỹ. Phe Cộng hòa và cả một số nghị sĩ Dân chủ đã chỉ trích chính quyền Biden phản ứng chậm khi vụ bắn hạ được thực hiện 7 ngày sau khi khí cầu vào lãnh thổ Mỹ.
Những lời chỉ trích càng gia tăng khi các lãnh đạo quân sự Mỹ tuần trước đưa ra lời kể bất nhất về lý do họ không bắn hạ ngay khí cầu. Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ tư lệnh Phương Bắc quân đội Mỹ (NORTHCOM) cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã không yêu cầu ông đưa ra đề xuất phản ứng cho đến vài ngày sau khi khí cầu Trung Quốc bay vào Mỹ. Trong khi đó, phát ngôn viên của ông Austin nói rằng ngay từ đầu sự việc ông đã yêu cầu VanHerck đưa ra khuyến nghị nhưng tướng này không nêu phương án bắn hạ.
VanHerck nói lần đầu tiên ông biết thông tin về khí cầu Trung Quốc là vào ngày 27/1, khi nó đang hướng về Alaska. Lực lượng tình báo không lập tức đưa ra cảnh báo, vì họ từng thông báo với NORTHCOM về chương trình khí cầu do thám của Trung Quốc vài tháng trước đó. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một khí cầu như vậy được phát hiện đang hướng về Alaska.
VanHerck nói rằng ông đã trao đổi với tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, về kế hoạch điều chiến đấu cơ để đánh chặn khí cầu vào hôm sau. Song do nó không cho thấy "động thái nguy hiểm", ông không có thẩm quyền để bắn hạ. Thẩm quyền này thuộc về Tổng thống Joe Biden hoặc Bộ trưởng Austin.
NORTHCOM trao đổi với cộng đồng tình báo và đưa ra dự đoán về đường bay của khí cầu. Vào thời điểm đó, họ không tin nó sẽ đi sâu vào lục địa Mỹ.
Ngày 28/1, VanHerck chính thức thông báo cho tướng Milley và Bộ trưởng Austin qua email rằng khí cầu đã đi vào không phận Mỹ. Ông cũng chỉ đạo nhóm của mình thảo luận sẵn các lựa chọn để xử lý khí cầu nếu Tổng thống Biden hoặc Bộ trưởng Austin yêu cầu.
Đêm 29/1, khí cầu rời không phận Mỹ và tiến vào Canada. NORTHCOM tiếp tục theo dõi và phối hợp cùng chính phủ Canada. VanHerck nói ông đã cung cấp thông tin cập nhật qua email cho Bộ trưởng Austin và tướng Milley sau mỗi 12 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, VanHerck nói rằng Bộ trưởng Austin đã không yêu cầu ông đề xuất các lựa chọn phản ứng cho tới 7h sáng 1/2, lần đầu tiên hai người nói chuyện điện thoại kể từ khi sự việc bắt đầu. Thời điểm đó, tướng VanHerck khuyên ông Austin không nên bắn hạ vì nó đang bay trên đất liền và có nguy cơ gây thiệt hại đáng kể cho dân thường khi rơi. Thay vào đó, VanHerck khuyến nghị đợi đến khi khí cầu rời đất liền.
"Ông ấy đã chuẩn bị sẵn sàng mọi khuyến nghị để đề xuất khi được yêu cầu. Họ có thể hỏi chúng bất kỳ lúc nào", một cấp dưới của VanHerck nói.
Trong khi đó, văn phòng của Austin trình bày câu chuyện khác. Phát ngôn viên cho biết Bộ trưởng Austin muốn VanHerck và các lãnh đạo quân sự khác liên tục đưa ra khuyến nghị về cách phản ứng và "tướng VanHerck đã làm như vậy trong suốt những ngày sự việc diễn ra".
"Tướng VanHerck đã cung cấp các khuyến nghị và cập nhật cho Bộ trưởng Austin và tướng Milley trong suốt thời gian đó", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh nói.
Giống như VanHerck, ông Austin được trợ lý quân sự cấp cao thông báo về sự hiện diện của khí cầu vào ngày 27/1. Ông Austin, người bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc và Philippines từ ngày 29/1, đã nhận thông tin cập nhật hàng ngày từ NORTHCOM, theo Singh.
Bà thêm rằng trước ngày 29/1, mặc dù VanHerck liên tục liên lạc với Austin và Milley, ông đã không nói với họ rằng ông đang cân nhắc lựa chọn bắn hạ khí cầu.
Ngày 31/1, khí cầu trở lại không phận Mỹ và bay trên bắc Idaho. Tổng thống Biden, thông qua cố vấn an ninh quốc gia, chỉ đạo quân đội xây dựng các phương án bắn hạ. Vào thời điểm đó, Austin đã yêu cầu những đề xuất từ các tướng lĩnh, theo Singh.
Hôm sau, tại Philippines, Austin triệu tập cuộc họp với tướng Milley, VanHerck và người phụ trách chính sách của Lầu Năm Góc Colin Kahl, cùng các chỉ huy quân sự cấp cao khác để cân nhắc các lựa chọn hạ khí cầu an toàn, đồng thời theo dõi hành trình và các hoạt động thu thập thông tin tình báo.
Kể từ thời điểm này, lời kể giữa hai bên là nhất quán. VanHerck đã yêu cầu chiến đấu cơ F-22 từ căn cứ không quân Nellis, bang Nevada, sẵn sàng hành động khi có lệnh. Khí cầu thời điểm đó đang bay qua Montana.
VanHerck và tướng Milley khuyến nghị rằng nên bắn hạ khí cầu ngoài khơi để giảm thiểu rủi ro cho dân thường và cơ sở hạ tầng. Ông Biden sau đó hạ lệnh bắn hạ khí cầu ngay khi các rủi ro được giảm thiểu.
Ông Austin trở về sau chuyến công du hôm 2/2 và triệu tập cuộc họp với các quan chức quân sự cấp cao lần nữa vào ngày 3/2. Cuối cùng, quân đội Mỹ ngày 4/2 hạ khí cầu bằng tên lửa Sidewinder phóng từ chiếc F-22 ngoài khơi bờ biển phía đông.
Các nghị sĩ Cộng hòa đã chỉ ra sự bất nhất trong lời kể của giới lãnh đạo Lầu Năm Góc để đổ lỗi cho chính quyền ông Biden xử lý không tốt vụ khí cầu, cáo buộc ông Austin và Tổng thống Mỹ trì hoãn hành động.
"Những chia sẻ gần đây của tướng VanHerck tiết lộ mâu thuẫn rõ ràng giữa thông tin của NORTHCOM so với những gì Bộ trưởng Austin nói với công chúng", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roger Wicker của bang Mississippi nói. "Nếu Mỹ muốn rút kinh nghiệm từ những sự cố an ninh quốc gia này, chúng ta phải có câu trả lời rõ ràng từ chính quyền Tổng thống Joe Biden".
Các nhà lập pháp Cộng hòa và cả một số nhà lập pháp Dân chủ nói rằng việc Lầu Năm Góc để yên cho khí cầu tiếp tục hành trình trong vài ngày cho thấy sự yếu kém của Mỹ trước Trung Quốc.
"Để khí cầu do thám Trung Quốc bay trên khắp nước Mỹ là sai lầm nghiêm trọng. Tôi nghĩ đó là một tiền lệ nguy hiểm không chỉ với Trung Quốc mà còn với tất cả đối thủ của chúng ta", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton của bang Arkansans nói.
Thanh Tâm (Theo Politico)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét