Giới chức Mỹ áp lệnh trừng phạt những cá nhân và doanh nghiệp hỗ trợ tài chính hoặc giúp Nga né các biện pháp hạn chế của phương Tây.
Một trong hơn 120 thực thể trong danh sách trừng phạt mà Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 12/4 là tỷ phú Nga Alisher Usmanov, người sở hữu "mạng lưới kinh doanh rộng khắp tại những thiên đường tài chính". Mỹ cũng nói rằng Usmanov thực hiện các giao dịch tài chính thông qua thành viên nhằm né các biện pháp trừng phạt.
Giới chức Mỹ cho biết họ nhắm mục tiêu vào công ty USM Holdings của tỷ phú Usmanov, cũng như các doanh nghiệp trực thuộc. USM Holdings tuyên bố quyết định của Mỹ là "không công bằng và vô căn cứ", khi tỷ phú Usmanov đã từ bỏ hoạt động kinh doanh từ lâu và không tham gia quản lý công ty.
Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt công ty quân sự tư nhân Patriot. Mỹ cho rằng công ty Patriot có liên hệ với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và cạnh tranh với tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của doanh nhân Yevgeny Prigozhin.
Danh sách còn có HEAD Aerospace Technology, công ty phân phối ảnh vệ tinh có trụ sở tại Trung Quốc mà Mỹ cáo buộc cung cấp thông tin về các địa điểm tại Ukraine cho những thực thể có liên hệ với Wagner và lãnh đạo tập đoàn Prigozhin.
Mỹ cũng trừng phạt ít nhất 4 thực thể tại Thổ Nhĩ Kỳ mà họ cho là vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, cũng như hỗ trợ chiến dịch nhằm vào Ukraine của Nga.
Giới chức Mỹ nhắm mục tiêu vào 4 thực thể và một cá nhân thuộc tập đoàn năng lực nguyên tử Nga Rosatom vì "sử dụng xuất khẩu năng lượng để gây áp lực chính trị và kinh tế đối với khách hàng".
Nga chưa bình luận về quyết định của Bộ Tài chính Mỹ.
Các cá nhân và tổ chức nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ bị đóng băng tài sản tại nước này. Lệnh trừng phạt cũng cấm mọi hoạt động hợp tác, giao dịch và đầu tư từ Mỹ với cá nhân hay tổ chức trong danh sách trừng phạt, trừ trường hợp được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) cấp phép đặc biệt.
Sau khi chiến sự bùng phát tháng 2/2022, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước phương Tây áp loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm gây thiệt hại cho kinh tế Nga và bóp nghẹt nguồn lực phục vụ chiến dịch của nước này. Phương Tây cũng phong tỏa tài sản của nhiều công ty và công dân Nga.
Tuy nhiên, Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh EU Josep Borrell thừa nhận liên minh không còn nhiều biện pháp trừng phạt Nga. Ông Borrell nói sau hơn một năm tăng dần cấp độ, "EU còn nhiều lựa chọn mới là chuyện lạ".
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 23/3 thừa nhận kinh tế nước này chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong đó có Mỹ, song vẫn sống sót và sẽ hoàn toàn thích nghi vào năm 2024. Ông Mishustin cũng chỉ trích phương Tây nhằm mục tiêu vào dân thường Nga.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét