Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Áp lực khiến phụ nữ Ấn Độ không đi làm

Sheela Singh khóc vào ngày nộp đơn từ chức bởi áp lực ở nhà chăm sóc con, dù khi đó lương của cô cao hơn chồng.

Suốt 16 năm, Singh là nhân viên xã hội ở Mumbai, thủ phủ tài chính sôi động của Ấn Độ và cô rất yêu công việc. Nhưng gia đình liên tục gây áp lực, yêu cầu cô ở nhà chăm sóc hai con. Singh chống lại áp lực ấy suốt nhiều năm nhưng khi phát hiện con gái trốn học lúc mình đi làm, cô cảm thấy không còn lựa chọn nào khác.

"Ai cũng bảo tôi rằng con tôi bị bỏ rơi, khiến tôi cảm thấy vô cùng tệ", Singh, 39 tuổi, nói.

Trước khi từ chức năm 2020, thu nhập của Singh cao hơn chồng, người lái xe ba bánh ngày kiếm được ngày không. Nhưng không ai nói rằng anh nên nghỉ việc.

"Bạn bè từng chế nhạo chồng tôi rằng anh ấy sống nhờ đồng lương của vợ. Tôi cảm thấy không ai coi trọng việc tôi đi làm, vậy thì việc đó còn ích gì nữa?", Singh nói.

Sheela Singh đứng trong con hẻm gần nhà ở khu ổ chuột Mumbai ngày 17/3. Ảnh: AP

Sheela Singh đứng trong con hẻm gần nhà ở khu ổ chuột Mumbai ngày 17/3. Ảnh: AP

Ấn Độ đang trên đà vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới và nền kinh tế cũng đang trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, số lượng phụ nữ Ấn Độ tham gia lực lượng lao động nằm trong số 20 nước thấp nhất thế giới và tỷ lệ này liên tục suy giảm trong nhiều năm.

Đây không chỉ là vấn đề với những phụ nữ như Singh, mà còn là thách thức ngày càng lớn với tham vọng kinh tế của Ấn Độ, nếu 670 triệu phụ nữ bị bỏ lại phía sau trong khi dân số ngày càng tăng.

Các chuyên gia hy vọng việc dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ đang tăng nhanh sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại vấn đề nhân khẩu học sẽ gây khó khăn cho Ấn Độ nếu không đảm bảo được việc làm cho dân số đang gia tăng, đặc biệt là phụ nữ.

Không còn thu nhập của Singh, gia đình cô không đủ khả năng sống ở Mumbai, một trong những thành phố đắt đỏ nhất châu Á. Bây giờ, cô đang chuẩn bị về quê sống để tiết kiệm tiền.

"Nhưng ở quê không có việc làm", cô thở dài nói.

Rosa Abraham, nhà kinh tế học tại Đại học Azim Premji, cho hay theo số liệu chính thức, tỷ lệ làm việc của phụ nữ Ấn Độ đạt đỉnh 35% vào năm 2004 và giảm xuống 25% vào năm 2022. Tuy nhiên, dữ liệu chính thức của Ấn Độ tính cả những người làm việc một giờ trong một tuần là "có việc làm".

Giới chuyên gia nhận định khủng hoảng việc làm toàn quốc là một trong những lý do khiến tỷ lệ này suy giảm, nhưng quan niệm cố hữu rằng phụ nữ cần ưu tiên chăm sóc gia đình và bị kỳ thị khi ra ngoài làm việc cũng là nguyên nhân.

Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), nơi sử dụng định nghĩa hạn chế hơn về "có việc làm", cho hay chỉ 10% phụ nữ Ấn Độ trong độ tuổi lao động năm 2022 đi làm hoặc đang tìm việc làm. Điều này nghĩa là chỉ có 39 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động so với 361 triệu đàn ông.

Vài thập kỷ trước, mọi thứ đã đi theo xu hướng khác. Khi Singh trở thành nhân viên xã hội năm 2004, Ấn Độ vẫn đang trên đà cải cách lịch sử những năm 1990. Các ngành công nghiệp mới và cơ hội mới mở ra liên tục, thôi thúc hàng triệu người rời quê chuyển đến những thành phố như Mumbai để tìm công việc tốt hơn.

"Tôi không có bằng đại học nên không bao giờ nghĩ rằng người như tôi lại có thể tìm được công việc văn phòng", Singh nói, nhớ lại bước ngoặt cuộc đời.

Sunita Sutar cười khi nói chuyện với bạn ở Mumbai ngày 19/3. Ảnh: AP

Sunita Sutar ở Mumbai ngày 19/3. Ảnh: AP

Sunita Sutar cho hay những cô gái trong ngôi làng Shirsawadi ở bang Maharashtra của cô thường lấy chồng năm 18 tuổi. Hàng xóm thường chế giễu cha mẹ cô vì đã đầu tư cho Sutar học hành, cho rằng chuyện học chẳng đi tới đâu sau khi kết hôn.

Sutar đi ngược lại xu hướng ấy. Năm 2013, cô trở thành người đầu tiên trong ngôi làng gần 2.000 người có bằng kỹ sư. "Tôi biết chỉ có đi học, tôi mới thay đổi được cuộc đời. Nếu không, tôi sẽ giống như những người khác, lấy chồng và mắc kẹt trong làng", Sutar nói.

Ngày nay, cô sống và làm việc ở Mumbai với vai trò kiểm toán viên cho Bộ Quốc phòng. Đây là việc làm công chức được nhiều người Ấn Độ thèm muốn vì an ninh, uy tín và phúc lợi.

Sutar là một ví dụ về những phụ nữ tiếp cận giáo dục tốt hơn khi còn trẻ và bây giờ gần như ngang hàng với đàn ông. Tuy nhiên, đối với đa số phụ nữ Ấn Độ, giáo dục không dẫn tới việc làm. Thậm chí ngày càng nhiều phụ nữ tốt nghiệp ra trường nhưng tình trạng thất nghiệp vẫn gia tăng.

"Dân số trong độ tuổi lao động tăng nhưng việc làm không theo kịp, nghĩa là tỷ lệ người có việc làm sẽ tiếp tục giảm", Mahesh Vyas, giám đốc CMIE, bày tỏ và nói thêm trong thập kỷ qua, số lượng việc làm chất lượng cao đang suy giảm nghiêm trọng.

"Điều này cũng khiến phụ nữ rời xa lực lượng lao động. Họ hoặc gia đình có thể nhận định chăm sóc gia đình hay con cái có lợi hơn so với đi làm công việc được trả lương thấp", Mahesh nói.

Lalmani Chauhan đứng tại nơi ở trong khu ổ chuột ở Mumbai ngày 17/3. Ảnh: AP

Lalmani Chauhan đứng tại nơi ở trong khu ổ chuột Mumbai ngày 17/3. Ảnh: AP

Trong ngôi làng quê hương ở bang Uttar Pradesh, nhân viên xã hội Lalmani Chauhan hiếm khi thấy phụ nữ đi làm. Nhưng khi đến Mumbai năm 2006, cô thấy phụ nữ có mặt ở nhiều nơi công cộng, làm phục vụ trong quán cà phê, cắt tóc, sơn móng tay trong tiệm, bán vé tàu hoặc hối hả lên những khoang tàu chật cứng để đến nơi làm.

"Khi tôi bắt đầu đi làm, gia đình thường nói chắc tôi đi bán dâm", Chauhan nói.

Giờ đây, Chauhan là trụ cột gia đình. Chồng cô gặp tai nạn khiến anh nằm liệt giường và không thể lao động.

Nhà kinh tế học Abraham cho rằng các nhà hoạch định chính sách đã nhận thức được việc phụ nữ rút khỏi lực lượng lao động là vấn đề lớn, nhưng họ chưa tiến hành các giải pháp như mở rộng cơ sở chăm sóc trẻ em hoặc đảm bảo an toàn giao thông.

Bà nói thêm khi nhiều phụ nữ tham gia thị trường lao động, họ sẽ đóng góp vào nền kinh tế và thu nhập của gia đình, đồng thời được trao quyền quyết định. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cả bố và mẹ đều đi làm, đặc biệt là trẻ em gái, sau này nhiều khả năng có việc làm hơn.

Số phụ nữ trong độ tuổi lao động không có việc làm ở Ấn Độ gần gấp đôi dân số Mỹ. Giới chuyên gia nhận định khoảng cách này có thể là cơ hội lớn nếu Ấn Độ biết cách tận dụng. Báo cáo năm 2018 của McKinsey ước tính Ấn Độ có thể tăng GDP thêm 552 tỷ USD bằng cách tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ thêm 10%.

Về phần Singh, dù đang chuẩn bị rời ngôi nhà một phòng ngủ nằm sâu trong con hẻm ở khu ổ chuột Mumbai, cô vẫn quyết tâm quay lại thành phố trong tương lai gần. Singh hy vọng tìm được việc làm một lần nữa và sẽ nhận bất kỳ việc gì có thể tìm được.

"Tôi chưa từng hỏi xin ai một xu trước đây", Singh nói, cho hay cảm thấy xấu hổ khi phải hỏi tiền chồng. "Trước đây, tôi thấy mình là người độc lập. Bây giờ, tôi đã đánh mất một phần con người khi nghỉ việc. Tôi muốn có lại cảm giác khi xưa".

Hồng Hạnh (Theo AP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét