Nga làm chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 4, tuyên bố trở thành bên trung gian trung thực, trong khi một số nước phương Tây nghi ngờ.
Kể từ ngày 1/4, Nga trở thành chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chức vụ luân phiên hàng tháng của 15 thành viên hội đồng, gồm 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực, theo thứ tự bảng chữ cái.
Lần gần nhất Nga làm chủ tịch Hội đồng Bảo an là vào tháng 2/2022, trước thời điểm Moskva phát động chiến sự ở Ukraine. Với vai trò này, Nga sẽ chịu trách nhiệm về chương trình nghị sự của hội đồng.
Nga cho biết Ngoại trưởng Sergey Lavrov đang lên kế hoạch chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an trong tháng này về "chủ nghĩa đa phương hiệu quả". Ông Lavrov cũng sẽ dẫn dắt cuộc tranh luận về Trung Đông ngày 25/4.
Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky tuyên bố Moskva sẽ hành động như bên trung gian trung thực trong nhiệm kỳ chủ tịch và những nỗ lực khiêu khích Moskva chắc chắn thất bại.
"Vì vậy, tất cả những người thù ghét hay đối thủ của chúng tôi đều cảm thấy xấu hổ", ông Polyansky đăng Telegram, lưu ý rằng "luật pháp quốc tế và các quy tắc tố tụng đã được phát triển trong nhiều thập kỷ và thực sự có hiệu lực tại Liên Hợp Quốc, thay vì 'trật tự dựa trên quy tắc' mà phương Tây tìm cách thúc đẩy để thay thế luật pháp quốc tế".
"Không giống các đối tác phương Tây trước đây, chúng tôi chơi công bằng trên trường quốc tế và không đề cao tiêu chuẩn kép", quan chức Nga nhấn mạnh.
Ukraine phản đối việc Nga trở thành chủ tịch Hội đồng Bảo an, khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng động thái này cho thấy "sự phá sản hoàn toàn của các tổ chức như vậy".
"Tôi kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm lạm dụng chức vụ chủ tịch của họ", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đăng trên Twitter, gọi việc này là "cái tát vào mặt cộng đồng quốc tế" và cáo buộc Nga là "kẻ ngoài vòng pháp luật đối với Hội đồng Bảo an".
Một nhà ngoại giao giấu tên tại Hội đồng Bảo an nói rằng "trong trường hợp chức vụ chủ tịch bị lạm dụng, chúng tôi chắc chắn sẽ phản ứng". "Tuy nhiên, đây không phải vấn đề. Vấn đề là chiến sự ở Ukraine và đảm bảo rằng chúng ta sẽ chấm dứt cuộc chiến đó", người này cho hay.
Mỹ cũng chỉ trích tư cách thành viên và thành viên thường trực của Nga trong Hội đồng Bảo an.
"Một quốc gia vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và tấn công nước láng giềng sẽ không có chỗ trong Hội đồng Bảo an. Thật không may, Nga là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và không có con đường pháp lý quốc tế khả thi nào tồn tại để thay đổi thực tế đó", người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho hay, thêm rằng nhiệm kỳ chủ tịch của Nga là "vị trí chủ yếu mang tính hình thức".
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya tuyên bố không thể tước bỏ quyền trở thành chủ tịch Hội đồng Bảo an của Nga.
Nga trở thành chủ tịch Hội đồng Bảo an trong bối cảnh chiến sự Ukraine đã bước sang tháng thứ 14, với giao tranh hiện chủ yếu diễn ra ở Donbass. Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn an ninh tư nhân Nga Wagner, hôm 31/3 cho biết các tay súng dưới quyền đã cắm cờ ở trung tâm thành phố Bakhmut, tâm điểm giao tranh ác liệt những tháng qua.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters, TASS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét