Hồi tháng 10/2022, thi thể người phụ nữ Triều Tiên được tìm thấy tại một căn hộ tồi tàn ở Seoul trong tình trạng phân hủy nghiêm trọng.
Người phụ nữ 49 tuổi đã tới Hàn Quốc năm 2002. Đồng nghiệp mất liên lạc với cô từ khi cô nghỉ việc tư vấn năm 2017. Cuối cùng, cô ngừng trả tiền điện thoại và bảo hiểm y tế. Một năm sau khi cô không trả tiền thuê nhà mỗi tháng 100 USD, chính quyền tới mở cửa, phát hiện cô đã chết.
Cô từng rất nổi tiếng trong cộng đồng người Triều Tiên đào tẩu. Sau khi rời khỏi Triều Tiên đầu những năm 2000, cô nhanh chóng trở thành một ví dụ thành công của chương trình tái định cư tại Hàn Quốc, thậm chí còn tư vấn cho những người đào tẩu khác cách thích nghi với cuộc sống ở quốc gia này.
Do đó, cộng đồng người Triều Tiên đào tẩu sốc khi biết rằng rất lâu sau khi cô chết, người ta mới biết đến. Giới chức chưa công khai danh tính và nguyên nhân tử vong.
"Cô ấy được phát hiện quá muộn, điều cho thấy cộng đồng người đào tẩu Triều Tiên có vấn đề nghiêm trọng", Lee Na-kyung, người rời Triều Tiên năm 2005 và đang điều hành hiệp hội hỗ trợ hàng nghìn phụ nữ trốn sang Hàn Quốc, nói. "Cô ấy bị trầm cảm suốt thời gian dài mà không ai biết".
Đó không phải lần đầu tiên trường hợp như vậy xảy ra. Năm 2019, thi thể đã phân hủy mạnh của hai người đào tẩu Triều Tiên là Han Seong-ok, 42 tuổi, và con trai Kim Dong-jin, 6 tuổi, được tìm thấy trong căn hộ khoảng hai tháng sau khi qua đời vì chết đói.
Về mặt lý thuyết, người Triều Tiên thích nghi cuộc sống mới ở Hàn Quốc dễ dàng hơn người tị nạn Guatemala, Ukraine hay Syria vì họ chuyển tới một quốc gia có chung ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống. Nhưng Triều Tiên có khoảng cách lớn với Hàn Quốc, quốc gia đã xây dựng nền kinh tế cung cấp hàng hóa công nghệ cao tới khắp thế giới.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người theo chủ nghĩa bảo thủ nhậm chức một năm trước, cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho người đào tẩu Triều Tiên. Năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch tạo cơ hội kết nối mạnh mẽ hơn cho người đào tẩu, cũng như cung cấp nhiều dịch vụ hơn cho người có thu nhập thấp. Chương trình cũng cung cấp tư vấn tâm lý, khuyến khích chủ lao động thuê mướn người đào tẩu, cải thiện hệ thống giáo dục cho trẻ em.
Tuy nhiên, những người làm việc với người đào tẩu Triều Tiên cho rằng chính phủ nên đưa ra nhiều giải pháp hơn. Lee, bà mẹ đơn thân đã tới Hàn Quốc khi không có tiền và thiếu kỹ năng lao động, cho rằng chính phủ nên giúp đỡ người đào tẩu có được giấy phép hoặc chứng chỉ nghề hữu ích với họ về lâu dài.
"Sau 5-10 năm ở Hàn Quốc, họ sẽ chật vật vì chính quyền cắt mọi trợ cấp", cô nói. "Đến lúc đó họ phải tự bươn chải".
Từ năm 1998 tới nay, Hàn Quốc ghi nhận khoảng 34.000 người Triều Tiên đào tẩu. Số lượng người mới đến rất ít trong ba năm gần đây do chính quyền Triều Tiên và Trung Quốc kiểm soát Covid-19, tuy nhiên, con số này có thể tăng lên do biên giới bắt đầu mở cửa. Đa số người Triều Tiên thường đào tẩu qua Trung Quốc tới khi có đủ tiền sang một nước thứ ba như Thái Lan. Sau đó, họ có thể nộp đơn xin tị nạn ở Hàn Quốc.
Khi tới Hàn Quốc, chính quyền sẽ hỗ trợ 6.900 USD để họ tìm chỗ ở, học nghề. Giới chức cũng trợ cấp cho các chủ lao động thuê mướn người đào tẩu. Nhiều người sống gần nhau trong những căn hộ rộng 25 m2 thuộc khu chung cư rẻ tiền do chính phủ cung cấp. Khi hết tiền hỗ trợ, họ phải tự tìm việc nuôi sống bản thân.
Tỷ lệ thất nghiệp ở người đào tẩu cao gấp đôi tỷ lệ trung bình Hàn Quốc. Nhiều người vẫn nói giọng Triều Tiên khiến họ ngại ngần lên tiếng.
Theo nghiên cứu năm 2022 của Viện Seoul, gần 90% người đào tẩu ở Seoul khó ổn định nơi ở mới sau 10 năm được trợ cấp. Người đào tẩu Triều Tiên từ năm 2017 tới năm 2021 có xu hướng tự tử cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình ở Hàn Quốc, đất nước vốn nằm trong số những nước có tỷ lệ người tự tử cao nhất thế giới.
Covid-19 càng làm vấn đề nghiêm trọng hơn, theo Joanna Hosaniak, chuyên gia tổ chức phi lợi nhuận Liên minh Công dân vì Nhân quyền người Triều Tiên. Họ khó tìm việc hơn, tiếp xúc với mọi người ít hơn, hệ thống y tế công cộng phức tạp hơn với những người ít kinh nghiệm sử dụng điện thoại hay máy tính trước khi tới Hàn Quốc.
"Chúng ta thành lập hệ thống hỗ trợ tuyệt vời nhưng họ vẫn chết ở nhà trong cô độc", Hosaniak nói.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, gần 72% người đào tẩu là phụ nữ. Nhiều người bỏ lại gia đình ở Triều Tiên hay Trung Quốc, bản thân họ đối mặt các hành vi lạm dụng tình dục từ những kẻ buôn người ở Trung Quốc.
Đối với Im Suryuh, 51 tuổi, đại dịch khiến bà đặt câu hỏi về quyết định rời khỏi Triều Tiên. Bà vượt sông Áp Lục sang Trung Quốc ngay trước khi biên giới đóng cửa. Nhờ sự giúp đỡ của mục sư Hàn Quốc và người môi giới, bà tới Lào, Thái Lan, sau đó ở trong trại tị nạn.
Im xoay sở để trả 12.000 USD, khoản tiền bằng 10 năm thu nhập trung bình của một công nhân Triều Tiên, cho người môi giới đã đưa bà sang Trung Quốc. Bà gửi thư cho mẹ, người đang ở Triều Tiên, kể rằng chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ tiền, gạo hàng tháng. Im gọi Seoul là "thiên đường", nhưng bà không thể nguôi nỗi nhớ nhà.
"Tôi thường khóc vì nhớ gia đình", bà nói. "Đã ba năm trôi qua nhưng tôi vẫn mơ về Triều Tiên".
Người phụ nữ họ Lee đã sang Hàn Quốc năm 2017 cho hay cô rất cô đơn. "Tôi muốn quay về và chết ở Triều Tiên", cô nói. "Hàn Quốc cũng ngột ngạt như Triều Tiên".
Hồng Hạnh (Theo Bloomberg)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét